Nơi lưu giữ tuổi thơ của Tế Hanh
Cùng với dòng sông Trà Bồng xanh biếc, tuổi thơ của Tế Hanh được nhiều người biết đến từ mái nhà xưa. Những người yêu thơ Tế Hanh vẫn thường lui tới ngôi nhà này như cách để thể hiện sự trân quý đối với bậc danh tài.Ghi nhớ công lao và tài năng của nhà thơ Tế Hanh
Ngôi nhà nơi Tế Hanh trải qua thuở thiếu thời tọa lạc ở xóm 6, thôn Đông Yên 1, xã Bình Dương (Bình Sơn), nay đề dòng chữ “Từ đường Trần Đại Mô chi phái”. Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đang xây dựng hồ sơ, đề nghị công nhận ngôi nhà này là di tích cấp tỉnh.
Từ mái nhà xưa...
Tháng năm. Sông Trà Bồng vẫn một màu xanh biếc. Dòng chảy của con sông quê và tuổi thơ của bậc danh tài trong nền thi ca Việt Nam vẫn mát rượi và đi vào lòng lữ khách, với tình quê sống mãi cùng thời gian.
Ngôi nhà nơi nhà thơ Tế Hanh sinh ra và sinh sống thuở thiếu thời.
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Vàng (81 tuổi), cháu rể của nhà thơ Tế Hanh, người quản lý nhà thờ thì ngôi nhà được thân sinh của nhà thơ Tế Hanh xây dựng từ năm 1930, sau đó được tu sửa lại. Ngôi nhà có kiến trúc cổ xưa với 3 gian, hai chái. Tất cả các vì kèo, trụ tiêu, đấu trính, thân trính... được chạm trỗ nhiều họa tiết tinh tế. Cùng với di ảnh trên bàn thờ, ảnh của nhà thơ Tế Hanh còn được đặt trên tấm phản cùng với bộ ấm trà. Ông Vàng cho biết, hai bộ phản này là nơi nhà thơ Tế Hanh thường ngồi học và cũng là nơi nghỉ ngơi trong những lần nhà thơ về thăm quê nhà.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ông nội của nhà thơ Tế Hanh là ngài Trần Đại Mô, một nhà nho trong làng. Thân phụ của nhà thơ là cụ Trần Tất Tố, từng tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục, bị thực dân Pháp quản thúc tại quê nhà, ông cũng là một thầy thuốc giỏi chữ nho, làm thơ, ngâm vịnh có tiếng trong vùng. Có lẽ, nhà thơ Tế Hanh đã được hấp thụ sự uyên thâm của một gia đình nhà nho yêu nước và sự tài hoa, phóng khoáng của cha ông đi trước. Nhà thờ họ Trần hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu liên quan đến cuộc đời của nhà thơ Tế Hanh. Vẫn còn đó, cây gáo cổ thụ và giếng nước đã từng gắn bó với tuổi thơ của bậc tài ba trong nền thi ca hiện đại của Việt Nam.
Để ghi nhớ công lao và tài năng của nhà thơ Tế Hanh, huyện Bình Sơn đã đặt tên cho con đường ở bờ bắc sông Trà Bồng thuộc thị trấn Châu Ổ là Tế Hanh. Chủ tịch UBND xã Bình Dương Đỗ Minh Huấn cho biết, xã cũng đã đưa vào nghị quyết của HĐND về việc xây dựng công viên và đặt tượng nhà thơ Tế Hanh ở cạnh sông Trà Bồng.
... đến tình quê dung dị
Người làng vẫn thường gọi nhà thơ Tế Hanh bằng cái tên thân mật: Hai Phố. Vì lẽ ngoài tên thật là Trần Tế Hanh, ông còn có tên khác là Trần Thế Phố, là con đầu trong gia đình có 4 người con. Cậu Hai Phố được cha cho theo học chữ Quốc ngữ ở Trường tiểu học Đông Yên, rồi học ở trường huyện. Năm 1936, ông rời Quảng Ngãi ra Huế học trung học ở Trường Khải Định.
Ông khẳng định vị thế của mình trên thi đàn Việt Nam với bài thơ đầu tiên có tựa đề “Những ngày nghỉ học” (năm 1938). Năm 1939, tập thơ đầu tiên của ông ra đời mang tên “Nghẹn ngào” và được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn... Trong những năm tháng kháng chiến, Tế Hanh vừa tham gia cách mạng, vừa sáng tác thơ với ngòi bút sáng tạo, tinh tế và sự rung động sâu sắc của trái tim.
Mãi đến sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà thơ Tế Hanh mới trở lại quê nhà. Xa quê gần 40 năm, thế mới biết nỗi nhớ quê hương trong trái tim ông da diết nhường nào. Vậy nên “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh đã lay động trái tim của bao người, qua bao nhiêu thế hệ vẫn luôn khắc ghi từng lời thơ với tình cảm sâu sắc.“Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng...” (trích Nhớ con sông quê hương).
Đúng như lời của Hoài Thanh viết trong Thi Nhân Việt Nam: “Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi”, điều đó xuất phát từ tình quê sâu đậm. Những ai đã từng trong nỗi nhớ quê, nghe ngâm bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh lại càng thêm thấm thía tình quê da diết, ao ước đến cháy lòng được đắm mình trong dòng sông quê mát rượi như vòng tay ôm ấp của mẹ.
Cách nhà của Tế Hanh vài chục bước chân về phía trước là sông Trà Bồng chở đầy con nước. Nơi đây, từng làn gió mát rượi như xoa mặt người, có cả tiếng võng đưa kẽo kẹt bên khóm trúc cạnh bờ sông, tiếng lốc cốc từ chiếc cầu tre khi có người qua lại, và văng vẳng bên tai tiếng trẻ con tắm sông đùa trong nước... Bởi thế, làm sao quên được hình ảnh chốn quê hương của bậc danh tài. Nhà thơ Tế Hanh cùng với mái nhà xưa và dòng sông Trà Bồng xanh biếc sẽ mãi đi vào lòng người với tình quê dung dị.