Nối mạng… nước !
Bình Thuận được biết đến là vùng đất khô hạn nhất nhì cả nước. Tuy vậy, nhờ sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ mạng lưới cấp nước từ các hệ thống công trình thủy lợi của Trung ương, địa phương và sự nỗ lực của ngành thủy lợi, đến nay đời sống và sản xuất của nhân dân trong tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc.
Nối mạng… nước
Từ hiện trạng thô sơ
Sự khô hạn ở Bình Thuận những năm trước đây được trải nghiệm, chứng kiến qua nhiều thế hệ con người sinh sống ở vùng đất này. Họ đã trải qua biết bao mùa hạn, “thiếu mưa thừa nắng” khiến cuộc sống và sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề. Khô hạn chắc chắn sẽ xảy ra, bởi theo tìm hiểu vào thời điểm trước giải phóng (1975), trên địa bàn tỉnh chỉ có một số đập dâng như đập Đồng Mới, huyện Bắc Bình; đập Ô Xuyên, đập Kim Long, đập Siểng Giang, huyện Hàm Thuận Bắc; đập Đồng Đế, đập Suối Ké, huyện Hàm Thuận Nam, hay như đập Đá Dựng, đập Láng Đá ở thị xã La Gi với diện tích tưới chưa đến 2.000 ha. Phần lớn các công trình đầu tư trước năm 1990 chủ yếu là đất đá, chưa được kiên cố hóa nên đang dần bị xuống cấp, dẫn đến tỷ lệ thất thoát nước lớn. Bên cạnh đó có một số công trình đầu tư chưa đồng bộ, thiếu hệ thống kênh nhánh, không phát huy được năng lực tưới ban đầu. Đến sau giải phóng, số lượng công trình thủy lợi ở tỉnh Thuận Hải (gồm Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay) cũng không nhiều, diện tích được tưới nhờ nước thủy lợi khá thấp. Trong bối cảnh đó, nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương và nỗ lực của địa phương, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn Bình Thuận đã được đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 344 công trình tạo nguồn và dẫn nước chính đang vận hành khai thác với tổng diện tích canh tác được tưới từ công trình thủy lợi 54.000 ha.
Ông Nguyễn Hữu Huệ - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi chia sẻ: Đến thời điểm này, công ty đang quản lý 48 hồ chứa với tổng dung tích 338,4 triệu m3. Trong đó, hiện một số hồ lớn trong tỉnh đã được xây dựng lâu năm như hồ Sông Quao xây dựng năm 1986, hồ Cà Giây năm 1996, hồ Lòng Sông năm 2000, hồ Sông Móng năm 2007, hồ Phan Dũng năm 2009, hồ Sông Dinh 3 năm 2012… Riêng hồ Sông Lũy đang được Nhà nước đầu tư với dung tích 100 triệu m3. Đây chính là những hồ chứa lớn, góp phần quan trọng để nối mạng, đưa nước từ hồ chứa, thông qua các hệ thống kênh dẫn để phục vụ nhân dân.
Ngày nay, đi khắp các huyện thị trong tỉnh, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của những tuyến kênh lớn được xây dựng kiên cố, đưa nước về phủ khắp cánh đồng. Đây là dòng nước mát góp phần phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, giúp cuộc sống bà con ngày càng đi lên.
Vượt khó khăn
Nói đến ngành thủy lợi của tỉnh, không thể không nhắc đến vai trò của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi. Theo đó, với chức năng quản lý, khai thác công trình thủy lợi, trong thời gian qua, công ty được các bộ, ngành Trung ương quan tâm cấp kinh phí hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và nguồn kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán. Đơn vị chủ động kinh phí để hoạt động, chủ động nguồn vốn duy tu, sửa chữa các công trình kịp thời. Song song, đầu tư mới cũng như đầu tư nâng cấp một số công trình phục vụ cấp nước cho dân. Theo ông Nguyễn Hữu Huệ, đặc thù công trình thủy lợi có vốn đầu tư lớn, nằm rải rác trên khắp địa bàn tỉnh và chịu ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên của thời tiết khí hậu như nắng, mưa, bão lũ, hạn hán. Ngoài ra, phần lớn công trình được tiếp nhận từ địa phương, không có hồ sơ lưu trữ, đặc biệt là hồ sơ thu hồi đất, gây khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản, triển khai cắm mốc bảo vệ nguồn nước và thực hiện các hồ sơ quản lý công trình theo quy định. Hầu hết các trục tiêu, tuyến xả lũ bị bồi lấp, xói lở, cây cối che phủ. Bên cạnh đó bị người dân xâm lấn làm co hẹp dòng chảy, gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước, gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị…
Tuy nhiên, vượt qua mọi thách thức đó, công ty đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, tập trung khai thác và điều tiết cân đối đủ nguồn nước tưới tiêu, phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tình hình sản xuất kinh doanh của công ty không ngừng phát triển, lợi nhuận mỗi năm đều đạt so với kế hoạch đề ra. Song song đó, công ty thực hiện tốt công tác bảo vệ môi sinh, môi trường nước theo quy định trong quá trình vận hành khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi. Với sự kiên trì, phấn đấu, công ty đang tiếp tục phát triển vững vàng, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng lợi nhuận. Đồng thời, không ngừng mở rộng quy mô hoạt động của mình, nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho cán bộ nhân viên…“Có nước là có tất cả”- đó là câu khẩu hiệu được treo trang trọng ở các đơn vị cấp nước của công ty. Nối mạng… nước là sứ mệnh của những người làm nghề thủy lợi.
Mới đây, trong thư chúc mừng nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của ngành Thủy lợi Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Nhìn lại chặng đường 75 năm trưởng thành và phát triển, chúng ta thật phấn khởi với những thành tựu to lớn của ngành thủy lợi. Vui mừng trước sự trưởng thành và tham gia đóng góp ngày càng quan trọng của ngành thủy lợi vào thành tựu chung của nền nông nghiệp và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Năm 2020, kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam, tôi tin tưởng sâu sắc vào đội ngũ cán bộ thủy lợi hiện nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó…”.
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/noi-mang%E2%80%A6-nuoc-130647.html