'Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành...'
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần đề cập đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Theo Bác: 'Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền', 'Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành... Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân', 'nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được'… Nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng đối với hệ thống chính trị. Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, luôn xứng đáng là tấm gương để quần chúng nhân dân noi theo.
Gương mẫu là phẩm chất đạo đức đặc biệt quan trọng mà mỗi cán bộ, đảng viên phải có. Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn quan tâm việc phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương đã được cấp có thẩm quyền ban hành, tiêu biểu như: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng...
Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nêu gương. Mới đây, trong Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, Đảng ta tiếp tục yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “Gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng”.
Việc nêu gương không chỉ dừng ở một khía cạnh mà được thực hiện một cách toàn diện, trên tất cả các mặt về tư tưởng chính trị; về đạo đức, lối sống, tác phong; về tự phê bình và phê bình; về quan hệ với nhân dân; về trách nhiệm trong công tác; về ý thức tổ chức kỷ luật và về đoàn kết nội bộ. Theo đó, những phẩm chất cơ bản cần được nêu gương là: kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Ðảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Ðảng, Nhà nước và của nhân dân; đi đầu trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau, dám bảo vệ lẽ phải, đấu tranh với cái xấu; gắn bó với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm…
Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đồng thời là đạo lý của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Có thể khẳng định, suốt 94 năm qua, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn, góp phần củng cố và nâng cao uy tín của Đảng trong quần chúng nhân dân. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng và phát triển đất nước, nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên sẵn sàng chấp nhận khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh tính mạng đã trở thành chất keo gắn kết, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước ta đạt được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cũng chính nhờ vậy mà Đảng ta đã xác lập được vị thế là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ, đảng viên luôn hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, tự ý thức thực hiện trách nhiệm nêu gương thì cũng xuất hiện không ít trường hợp nhận thức còn hời hợt, thực hiện không đúng, vi phạm quy định về nêu gương. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc một số cán bộ, đảng viên mắc phải các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như: nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu; háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích; quan liêu, xa rời quần chúng, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân… Những điều này đã làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng như hiện nay, việc thực hiện nghiêm quy định về nêu gương là giải pháp đặc biệt quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nêu gương là việc làm phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, thực chất và có sự kiểm tra, giám sát. Đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương thì tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm để có hình thức xử lý nghiêm minh, kịp thời, bảo đảm tính răn đe.