Nổi mụn mủ toàn thân do căn bệnh 100.000 người mới có 1 người mắc
Bệnh nhi mắc bệnh dị ứng hiếm gặp, nổi mẩn đỏ và mụn mủ toàn thân, cứ 100.000 người thì chỉ có một người mắc.
Ngày 1-4, Trung tâm Y tế huyện Hải Hà (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận một bệnh nhi 13 tuổi nhập viện trong tình trạng nổi mụn mủ toàn thân.
Qua khai thác bệnh sử, phát hiện bệnh nhi bị viêm long đường hô hấp, người nhà tự mua thuốc (được cho là kháng sinh) để điều trị.
Sau 1 ngày dùng thuốc, trẻ xuất hiện mảng đỏ da tăng dần, sau đó có nhiều mụn mủ toàn thân, nhiều nhất ở da đầu, ngực, lưng, chân, tay.
Bệnh nhi được chẩn đoán mắc hội chứng mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính, được chỉ định nhập viện.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được bù dịch và điện giải, corticosteroid toàn thân và tại chỗ, sử dụng thuốc kháng histamin. Sau 3 ngày theo dõi, tình trạng mụn mủ cải thiện. Hiện bệnh nhi đã được xuất viện.
Theo các bác sĩ da liễu, dị ứng thuốc là phản ứng quá mức, bất thường, có hại cho người bệnh khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc. Dị ứng thuốc thường không phụ thuộc vào liều lượng, có tính mẫn cảm chéo, thường có biểu hiện ngoài da và ngứa.
Nếu dùng lại thuốc đã gây dị ứng thì phản ứng dị ứng sẽ xảy ra nặng hơn và có thể dẫn đến tử vong.
Hội chứng mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính (AGEP) là thể dị ứng hiếm gặp, ước tính cứ 100.000 người thì có một người mắc. 90% gây nên tình trạng này là do thuốc.
Những loại thuốc có thể dẫn đến đến AGEP như: kháng sinh, thuốc chống nấm đường uống (terbinafine), thuốc chẹn kênh canxi (diltiaxem), hydroxychloroquine, carbamazepine, paracetamol, ibuprofen.
Để hạn chế nguy cơ dị ứng thuốc, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh theo toa chỉ định. Không tự ý mua thuốc để điều trị, khi xuất hiện dị ứng loại thuốc nào thì tuyệt đối không được dùng loại thuốc đó.
Khi đi khám chữa bệnh, người bệnh cần thông báo cho chuyên gia y tế biết những loại thuốc mà mình đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc hiện đang dùng để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.
Thanh Thanh