Nơi nào có dân, nơi đó phải có phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ
Quận Hoàn Kiếm đã và đang nỗ lực xây dựng những giải pháp phòng ngừa cháy, nổ, trên tinh thần 'nơi nào có dân, nơi đó phải có phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ'.
Tập trung mọi biện pháp khắc phục
Dù không phải là địa bàn “nóng” với nhiều chung cư mini, nhà thuê trọ, song, quận Hoàn Kiếm lại có những đặc thù riêng. Đất chật, người đông, lại là trung tâm nên dù nơi ở tạm bợ thì nhiều người vẫn muốn bám trụ.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - ông Phạm Tuấn Long khẳng định, không chỉ đối với chung cư mini, nhà thuê trọ, mà công tác PCCC chung trên toàn quận luôn được quan tâm, chú trọng. Rất nhiều mô hình PCCC tại các địa bàn dân cư đã được xây dựng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Tại các cuộc họp, vấn đề an toàn PCCC cũng được chính quyền, lực lượng Công an và các lực lượng có liên quan thường xuyên trao đổi, đánh giá.
Sau khi UBND thành phố ra Công điện, chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát công tác chấp hành các quy định về PCCC đối với chung cư mini, nhà thuê trọ, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã xây dựng kế hoạch, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, khẩn trương xác định các tồn tại, khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ.
Quá trình kiểm tra thực tế tại 3 chung cư mini, nhà trọ cho thuê trên địa bàn, UBND quận Hoàn Kiếm xác định, công tác PCCC còn tồn tại như sau:
Hầu hết chung cư mini, nhà cho thuê không đảm bảo lối thoát nạn. Cầu thang bộ hở, không có lối thoát nạn khẩn cấp lên mái hoặc sang các hộ dân liền kề; Hệ thống thiết bị điện sau công tơ xuống cấp, còn tình trạng câu móc, đường dây điện đi lẫn với các dây cáp viễn thông; Nhiều cơ sở kinh doanh nhà trọ tự phát, chủ nhà trọ thường xuyên không có mặt tại địa phương nên việc yêu cầu trang bị các phương tiện PCCC gặp khó khăn…
“Đối với 3 chung cư mini trên địa bàn phường Phúc Tân, chủ đầu tư đã bán hết cho dân nên thoái thác trách nhiệm. Ví dụ như chung cư mini số 100 Nguyễn Tư Giản, do không còn chủ đầu tư nên các hộ dân không đồng thuận việc đầu tư kinh phí mua sắm, trang bị phương tiện PCCC.
Đây cũng là một trong những khó khăn lớn đối với lực lượng chức năng trong việc khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác PCCC. Về vấn đề này, liên ngành quận cũng phối hợp với liên ngành phường Phúc Tân họp, trao đổi và thống nhất các bước triển khai thực hiện, trước mắt phải nâng cao ý thức PCCC của người dân cũng như giúp bà con hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCCC, sau đó là xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn phù hợp với từng khu vực, địa bàn cụ thể” - ông Phạm Tuấn Long thông tin.
Chỉ huy Công an phường Phúc Tân cho biết, để người dân nhìn nhận được vấn đề tồn tại và các nguy cơ cũng như phương án khắc phục, Công an phường đã giao Cảnh sát khu vực đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, song song với đó là mời đại diện chủ hộ họp, lắng nghe các ý kiến và trao đổi để người dân nắm được chủ trương của UBND quận.
“Tại các cuộc họp, UBND phường đã phổ biến các nội dung không đảm bảo an toàn PCCC tại tòa nhà; đề nghị người dân bầu trưởng số nhà, vận động bà con cùng đầu tư kinh phí để trang bị các phương tiện PCCC…” - ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân nói.
Nơi nào có dân, nơi đó phải có phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ
Về giải pháp lâu dài trong công tác PCCC, UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, đã và đang triển khai các mô hình, phương án trên quy mô toàn quận theo phương châm “Nơi nào có dân, nơi đó phải có phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ”. Theo đó, căn cứ tình hình thực tiễn, sẽ bổ sung hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà và các trụ nước phục vụ công tác chữa cháy tại các nhà chung cư, tập thể cũ nằm trong khu dân cư;
UBND quận cũng bố trí nguồn kinh phí đầu tư phương tiện cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở thuộc nguồn vốn ngân sách theo Thông tư 150/2020/TT-BCA; bổ sung bể, trụ nước và bến lấy nước…
“Với những cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC, UBND quận cũng sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xem xét hướng dẫn giải pháp khắc phục, đặc biệt là giải đáp, tháo gỡ vướng mắc với yêu cầu về kiến trúc, kết cấu bằng việc tăng cường các giải pháp bổ sung, thay thế và trên tinh thần đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp.
Còn đối với những cơ sở được đánh giá là nguy hiểm cho các hộ dân, không có phương án khắc phục, chúng tôi kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ theo quy định, mục tiêu là an toàn tính mạng, tài sản của người dân là trên hết” - Ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng Ban chỉ đạo 197 quận khẳng định.
Cùng với sự “sục sôi” của chính quyền trong cuộc “chạy đua” tìm lối thoát nạn cho người dân khi có sự cố cháy xảy ra, phải nói đến tinh thần, trách nhiệm của người dân. Ghi nhận tại địa bàn phường Hàng Bồ, bà con đều đồng thuận, nhất trí cao và ủng hộ cả tinh thần cũng như vật chất, để công tác PCCC được triển khai nhân rộng toàn phường.
Ông Lê Minh Đức - Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ chia sẻ, ngay sau Công điện của UBND thành phố và Kế hoạch tổng kiểm tra của UBND quận, dù địa bàn không có chung cư mini, nhà thuê trọ, song, với tinh thần quyết tâm sẵn sàng đương đầu với “giặc lửa”, chính quyền phường đã tổ chức các cuộc họp tại 6 tổ dân phố với sự tham gia của đông đảo người dân.
Nhận được sự đồng tình của bà con, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hàng Bồ đã đọc thư ngỏ, kêu gọi các gia đình, hộ kinh doanh, cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, làm việc, kinh doanh trên địa bàn phường, các Mạnh Thường Quân chung tay, góp sức gây quỹ PCCC tại mỗi tổ dân phố.
“Chỉ sau hơn 1 tháng, 4 tổ dân phố đã gây dựng được 4 quỹ PCCC với tổng số tiền 120 triệu đồng. Đây là một con số rất đáng mừng, cho thấy người dân cũng rất quan tâm đến công tác PCCC. Còn 2 tổ nữa chúng tôi sẽ hoàn tất trong tháng 10 này.
Huy động nguồn xã hội hóa để mua sắm, trang bị thiết bị PCCC ở khu dân cư là một phần, quan trọng hơn cả chính là đánh giá được tinh thần, trách nhiệm của người dân. Chúng tôi tin rằng, với sự ủng hộ của bà con, công tác nâng cao chất lượng PCCC trên địa bàn phường Hàng Bồ sẽ đạt được những kết quả nhất định” - ông Lê Minh Đức bày tỏ.
Cũng theo Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ, số tiền này được chi mua thêm trang thiết bị PCCC trong các khu nhà đông hộ. Ngoài ra, một phần quỹ trích mua bình chữa cháy tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Xây dựng từ rất lâu, mang tính “lịch sử” và những tồn tại liên quan đến PCCC không phải muốn là có thể khắc phục được. Nên chăng, các nhà hoạch định chính sách cần phải đưa ra các giải pháp lâu dài, như xây dựng các khu giãn dân, đưa người dân ra khỏi khu vực không đảm bảo an toàn PCCC, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình công cộng phục vụ người dân?!