Nơi này năm xưa: Cung Thiếu nhi Hà Nội - Tòa nhà Pháp cổ ghi dấu kí ức tuổi thơ của bao em bé Hà Nội

Chuyên mục 'Nơi này năm xưa' mời quí vị khán giả cùng dạo bước đến một địa điểm vô cùng quen thuộc với nhiều thế hệ thiếu nhi của Thủ đô Hà Nội, nơi từng ươm mầm các tài năng nghệ thuật của Hà Nội cũng như của cả nước. Đó chính là Cung Thiếu nhi Hà Nội hay còn được gọi cái tên xưa ' Ấu trĩ viên'.

Ca sĩ NGỌC KHUÊ: “Khuê còn nhờ ngày xưa khi được sinh hoạt ở Cung thiếu nhi Hà Nội. Bố đạp xe đưa Khuê đến Cung thiếu nhi Hà Nội học. Có những chương trình phải tập rất muộn rất khuya bố mẹ phải ở cạnh con. Không chỉ riêng gia đình Khuê mà cả các đội viên khác…".

Kí ức của ca sĩ Ngọc Khuê vẫn hiện hữu như ngày nào, tòa nhà Pháp cổ trong khuôn viên Cung Thiếu nhi Hà Nội cũng vẫn hiện hữu như ngày nào, nhưng dường như sự hiện hữu đó không còn được như xưa.

Ngược dòng thời gian về thời Pháp thuộc, tòa nhà 2 tầng kiến trúc Pháp này được xây dựng vào khoảng năm 1930. Thời ấy, tòa nhà được chia làm 2 cơ sở riêng biệt, nửa phía bắc là Ấu Trĩ viên (vườn trẻ), nhưng lại là nơi tổ chức hội hè cho người lớn như chợ phiên, thi sắc đẹp...; còn nửa phía nam là câu lạc bộ của người Pháp - được gọi là nhà Xéc Tây. Đặc biệt, một căn phòng chính của nhà Xéc Tây từng là nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.

Kể từ ngày tiếp quản thủ đô năm 1954, nơi đây trở thành câu lạc bộ thiếu niên và cái tên Ấu Trĩ viên vẫn được sử dụng để gọi, cho đến khi nước bạn Tiệp Khắc (cũ) tài trợ xây cung thiếu nhi mới. Ngày 19/2/1977, sau 3 năm xây dựng, Cung Văn hóa Thiếu niên (tên cũ của Cung Thiếu nhi Hà Nội) chính thức đưa vào hoạt động với trung tâm là tòa nhà 6 tầng liên kết với rạp Khăn quàng đỏ để phục vụ việc học tập các môn khoa học, nghệ thuật và rèn luyện thể thao cho thiếu niên thủ đô. Tòa nhà Xéc Tây với kiến trúc Pháp được chuyển làm nhà truyền thống Đội Thiếu niên tiền phong và các phòng, ban quản lý hành chính.

Ông NGUYỄN VĂN BÍCH – nguyên Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội: “ Khi nhà 6 tầng được xây lên đã bỏ đi một bể bơi rất to và một vườn cây, có hoạt động trẻ em. Nên giữ ở trung tâm Bờ Hồ, Hà Nội này một ngôi nhà cổ là nơi sinh hoạt của các em, là trái tim, là tình cảm, là nơi lịch sử giữ gìn tuổi thơ của bao thế hệ."

Đã có thời gian, tòa nhà Xéc Tây được đề nghị phá đi nhưng rồi cuối cùng vẫn giữ lại. Tuy nhiên, số phận của Cung Thiếu Nhi Hà Nội thì khó thay đổi khi UBND TP.Hà Nội khởi công công trình Cung Thiếu nhi mới tại một địa điểm rộng rãi hơn, hoành tráng hơn và cũng xa trung tâm hơn. Trong một tương lai gần, tòa nhà Pháp cổ vẫn sẽ nằm ở nơi trái tim của Thủ đô, nhưng biểu tượng “lâu đài của thiếu nhi” có thể sẽ biến mất.

Hà Nội là nơi đặc biệt, là nơi mà dường như mỗi địa điểm chúng ta đặt chân qua đều hiện lên những câu chuyện riêng của mình. Có câu chuyện đưa chúng ta tới niềm vui, sự hứng thú, nhưng cũng có câu chuyện khiến mỗi chúng ta cảm nhận sự day dứt, suy nghĩ. Hà Nội của hôm nay được gì và mất gì? Hà Nội của tương lai sẽ còn lại những gì? Sẽ khó có câu trả lời chính xác, nhưng điều mà những người yêu Hà Nội của hôm nay và của tương lai có thể trả lời, đó chính là sự tiếc nuối.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/noi-nay-nam-xua-cung-thieu-nhi-ha-noi-toa-nha-phap-co-ghi-dau-ki-uc-tuoi-tho-cua-bao-em-be-ha-noi