Nội ngoại đua chen lập trung tâm Anh ngữ
Bắt tay với doanh nghiệp ngoại, các trung tâm Anh ngữ ngày càng phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với sự cạnh tranh cũng gay gắt hơn.
Mở rộng ồ ạt nhờ bắt tay với đối tác ngoại
Ngay từ khi hình thành năm 2014, Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup đã chọn hợp tác cùng tập đoàn giáo dục hàng đầu Hàn Quốc là Chungdahm Learning để cho ra đời chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax English.
Chỉ sau 1 năm, Apax English đã sở hữu 12 trung tâm tại Hà Nội, với hơn 6.000 học viên đang theo học.
Nhưng sự bùng nổ về số lượng các trung tâm chỉ đến sau khi Chungdahm Learning rót thêm 10 triệu USD vào hệ thống này năm 2016. Chỉ sau hơn 2 năm, chuỗi đã phát triển được gần 50 trung tâm trên toàn quốc, cao hơn cả vị trí dẫn đầu trước đó của ILA - đơn vị ra đời từ năm 2001 và hiện sở hữu 34 trung tâm, tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Mặc dù đến sau, nhưng Apax English nhanh chóng dẫn đầu thị trường nhờ sự kết hợp giữa công nghệ và tiềm lực. Ông Kim Yong Hwa, Chủ tịch Tập đoàn Chungdahm Learning giải thích lý do chọn hợp tác với Egroup do đơn vị này đã chứng minh được khả năng vượt trội về công nghệ.
Khẳng định của ông Hwa không ngoa khi trên thực tế, ngoài đầu tư công nghệ cho hệ thống Apax English, Egroup cũng bắt tay với nhiều nhà đầu khác như các tập đoàn Megastudy, SK Telecom, Dongsim (Hàn Quốc) để cho ra đời hàng loạt sản phẩm giáo dục khác.
Trong khi đó, Chungdahm là một trong những tập đoàn giáo dục lớn tại Hàn Quốc, với hơn 60.000 học viên theo học mỗi tháng, doanh thu khoảng 130 triệu USD/năm.
“Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng, với hơn 22 triệu học sinh, sinh viên có nhu cầu đào tạo, chưa kể đến hàng chục triệu người trong độ tuổi lao động có nhu cầu đào tạo thêm kỹ năng”, ông Hwa nhận định.
Không chỉ dẫn đầu về tốc độ mở rộng quy mô, Apax English còn cho đối thủ thấy tiềm năng phát triển khi Công ty cổ phần Đầu tư VN Benchmark đã chi 284 tỷ đồng mua lại 4 triệu cổ phần tại Apax English để sở hữu 34% vốn, sau đó đổi tên thành Apax Holdings. Đến tháng 6/2017, Apax Holdings lại tiếp tục chi 341 tỷ đồng để mua thêm 34,9% vốn tại Apax English.
Trong khi đó, đối thủ nặng ký với Apax English là ILA cũng vừa được quỹ đầu tư tư nhân EQT Capital Partners (Thụy Điển) đầu tư một khoản tiền không được tiết lộ vào tập đoàn sở hữu Công ty đào tạo Anh ngữ ILA Việt Nam (ILA Việt Nam).
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam hiện có 347 dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, với tổng vốn đầu tư 751,12 triệu USD.
Hiện, ILA Việt Nam có hơn 20.000 học viên. Ngoài đào tạo, ILA Việt Nam còn cung cấp các dịch vụ tư vấn du học, đào tạo giáo viên và đào tạo tiếng Anh cho doanh nghiệp.
Một tên tuổi khác là Yola. Hệ thống Yola ra đời từ năm 2009 và hiện có 8 trung tâm tại TP.HCM và 2 trung tâm tại Hà Nội. Yola vừa được Mekong Capital rót thêm 4,9 triệu USD vào hệ thống này.
Từ chối tiết lộ những kế hoạch cụ thể sau khi Yola nhận được vốn, nhưng theo bà Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc điều hành Yola Hà Nội, Yola vẫn giữ vững 3 chiến lược trong đào tạo là PR từ những học sinh đạt điểm cao; đào tạo từ nguồn giáo viên du học và đào tạo theo hướng học thuật.
Với 3 chiến lược này, Yola đang đánh vào tâm lý “chuẩn hóa tiếng Anh” của chính phụ huynh và học sinh và nguồn đào tạo chủ yếu của hệ thống này là đào tạo tiếng Anh cho học sinh chuẩn bị du học.
Như vậy, với sự đầu quân của các đối tác ngoại, rất có thể, thị trường sẽ chứng kiến được sự bứt phá không thể định trước trên thị trường đào tạo Anh ngữ thời gian tới.
Cơ hội cho những doanh nghiệp đến sau
Việt Nam hiện có khoảng 450 trung tâm và thị trường đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, thị trường này vẫn chứng tỏ khả năng hấp dẫn lớn và thu hút ngày càng nhiều khoản đầu tư từ doanh nghiệp.
Một minh chứng là tuyên bố “đủ tự tin có thể cung cấp dịch vụ quốc tế chuẩn 5 sao trong đào tạo và giảng dạy tiếng Anh” của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Atlantic English Academy khi khai trương hệ thống này tại Hà Nội mới đây.
Theo bà Lan, ngoài cam kết “đưa chương trình luyện thi IELTS 5C, 5L Academic và 5E TOEIC trở thành sản phẩm giáo dục tạo dấu ấn trên thị trường đào tạo tiếng Anh”, thì mục tiêu của hệ thống này là tới năm 2020 sẽ mở thêm 9 trung tâm nữa tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First vừa công bố, Việt Nam hiện xếp thứ 34/80 quốc gia. Việt Nam hiện thuộc nhóm trung bình về trình độ tiếng Anh, với điểm số đạt 53,43/100 điểm.
Nếu tính riêng trong khu vực châu Á, Việt Nam đang đứng thứ 7/20 quốc gia và vùng lãnh thổ, sau Singapore, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Hồng Kông và Hàn Quốc.
Điều này cho thấy, ngoài sự cạnh tranh thứ hạng phân khúc đào tạo tiếng Anh bậc cao với giá đắt đỏ thì thị trường đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/noi-ngoai-dua-chen-lap-trung-tam-anh-ngu-d72965.html