Nơi ngủ, nghỉ của các bậc đế vương Việt có gì bí ẩn?
Sử sách nước ta chỉ viết Lý Nhân Tông xây cung Hợp Hoan mà không giải thích gì, khiến đời sau phải đoán rằng đấy là chỗ vua ngủ cùng hậu phi, cung nữ.
Chuyện ngủ của vua có lẽ được ghi trong chính sử từ vụ việc vua Đinh Tiên Hoàng bị tên thái giám là Đỗ Thích ám sát trong một đêm say rượu vào tháng 10 năm 973.
Đại Việt sử ký toàn thư chỉ viết “nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn” khiến đời sau thắc mắc tại sao vua và hoàng tử lại ngủ ngoài sân cung điện. Bởi ai cũng nghĩ vua chúa ban yến dù có ngoài sân chắc cũng phải chăng rạp dựng màn trướng, còn chuyện ngủ thì chỉ bề tôi đem chăn gối ra tận chỗ vua ngồi để phục vụ mà thôi.
Đến vua nối triều Đinh là Lê Hoàn thì chuyện ngủ nghỉ của vua gắn với truyền thuyết về việc vua đánh trận chiến thắng trở về, hoàng hậu Dương Vân Nga ra ngã sông đón tiếp, giăng màn đặt giường để giao hoan. Chuyện này không được sử sách ghi lại, nhưng là giai thoại giải thích về việc con sông được đổi tên là Vân Sàng, nghĩa là giường mây, chính là sông Vân ở Ninh Bình ngày nay.
Còn trong chính sử ghi lại chuyện năm Thiên Phúc thứ 5 (984), vua Lê Hoàn cho xây dựng các cung điện, đặt tên lần lượt là các điện Phong Lưu, Tử Hoa, Bồng Lai, Cực Lạc. Các nhà sử học phân tích rằng các tên điện này đều mang màu sắc Đạo giáo, cùng có ý nghĩa là hoan lạc cả.
Riêng chỗ vua nghỉ, Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ, tên điện là Trường Xuân, có nghĩa là Mùa xuân dài lâu. Điện này không được mô tả kỹ, nhưng cạnh đó là điện Long Bộc lại được viết rõ là mái lợp ngói bạc. Điện Trường Xuân chính là nơi vua Lê Hoàn qua đời tháng 3/1005.
Sang đến thời Lý, kinh đô chuyển từ Hoa Lư về thành Thăng Long, sử ghi việc vua đầu triều Lý Thái Tổ cho xây điện Càn Nguyên làm chỗ vua coi chầu, bên tả (trái) làm điện Tập Hiền, có tính văn, bên hữu là điện Giảng Võ, có tính võ.
Ngay sau đó, vua cho mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, có nghĩa là con rồng bay qua cửa ấy để đón nhận mùa xuân, ý là hưởng thú vui chăn gối. Sau điện Càn Nguyên có hai điện Long An, Long Thụy được giải thích rõ ràng “làm chỗ cho vua ngủ nghỉ”.
Năm 1029, sau khi kinh thành bị tàn phá bởi sự biến “Loạn tam vương”, vua Lý Thái Tông cho xây dựng lại Tử cấm thành, trong đó có điện Trường Xuân sau điện Thiên Khánh, trên điện Trường Xuân có gác Đồ Long. Từ điện Thiên Khánh nối với điện Thiên An ở phía sau đều có bắc cầu gọi là cầu Phượng Hoàng, cái tên mang đậm nữ tính, ngầm ý rằng đây là nơi đi vào chỗ ở của các cung tần mỹ nữ trong cung.
Cũng giống vua Lê Hoàn, vua Lý Thái Tông cũng băng hà tại điện có tên là Trường Xuân. Nơi sinh hoạt của vua Lý Thánh Tông cũng có tên mang màu sắc Đạo giáo là điện Hội Tiên, nghĩa là gặp gỡ các vị tiên.
Trong câu chuyện về tình nhân ái của vua Lý Thánh Tông với các tù nhân mà Toàn thư ghi lại năm 1055, ta biết được sâu thêm về cách vua sinh hoạt trong điện vào những ngày đại hàn, là "sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn".
Đời vua Lý Nhân Tông, năm 1089 sử có ghi lại sự kiện liên quan đến cung Hợp Hoan, mà không cần phải giải thích công dụng của nó, ai cũng có thể hiểu ngay là để vua... sử dụng để làm gì.
Đời Trần, sử ghi lại chuyện Trần Thái Tông từng xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình, vua tôi cùng ăn yến uống rượu với nhau. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau.
Anh trai Trần Thái Tông là Trần Liễu, lúc được phong tước Hiển Hoàng, nhân nước to, đi thuyền vào chầu, thấy người phi cũ của triều Lý liền cưỡng dâm ở cung Lệ Thiên. Đình thân hặc tâu, nhưng Trần Liễu chỉ bị giáng cấp xuống làm Hoài Vương, rồi cung Lệ Thiên lại được đổi tên thành cung Thưởng Xuân, nghe có vẻ như vua Trần Thái Tông lấy làm thú vị về hành động này của ông anh lắm.
Từ triều Lê, Toàn thư viết Lê Thái Tổ sau khi đánh đuổi được quân Minh, lên ngôi vua đã cho xây điện Vạn Thọ, Tả, Hữu điện, cùng các điện Kính Thiên, Cần Chính. Các điện Kính Thiên, Cần Chính là nơi vua thiết đại triều và thường triều, nên có lẽ chỗ ở của vua Lê Thái Tổ là điện Vạn Thọ. Sau này, sách Lê triều hội điển cho biết, từ thời Lê Trung Hưng, điện Vạn Thọ là nơi ở của hoàng hậu.
Ông vua trẻ Lê Thái Tông qua đời sau khi ngủ lại ở Lệ Chi Viên của Nguyễn Trãi. Sử chỉ ghi “vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”, để rồi dẫn đến vụ án tru di tam tộc toàn bộ gia đình vị khai quốc công thần Nguyễn Trãi.
Cái chết của vị vua anh minh Lê Thánh Tông cũng liên quan đến nữ sắc. Theo sử quan Vũ Quỳnh, thì vua có nhiều phi tần quá nên mắc bệnh nặng. Lúc vua ốm nặng, hoàng hậu Trường Lạc, trước bị giam ở cung khác, được vào hầu bệnh mới tỏ lòng ghen tức, giấu thuốc độc trong tay sờ vào chỗ lở trên mình vua, khiến bệnh vua càng nặng thêm rồi băng hà.
Khi nhà Lê bị họ Mạc cướp ngôi, trong công cuộc trung hưng lại nhà Lê, có ghi lại những sự tích thần bí của chúa Chổm (vua Lê Trang Tông sau này), như đến lúc ngủ cũng mang khí chất đế vương vì có rồng chầu, rồi nằm ngủ dang tay dang chân với sự tích “đi chữ đại, trở lại chữ vương” nổi tiếng trong huyền sử.
Sang triều Nguyễn, chốn hậu cung được phân định rõ ràng gồm tam cung và lục viện, trong đó tam cung gồm cung Diên Thọ, cung Trường Sanh (Sinh), và cung Khôn Thái. Còn lục viện gồm các viện Thuận Huy, Đoan Thuận, Đoan Hòa, Đoan Huy, Đoan Trường, Đoan Trang. Các phi, tần, cung nữ chỉ được ở trong các cung, viện được quy định.
Theo tác giả Tôn Thất Bình trong quyển Đời sống trong Tử cấm thành, chỗ ngủ của vua Minh Mạng là ở điện Càn Thành, đó là nơi mà hằng đêm, các viên thái giám lần lượt đưa các cung phi đến ngủ với vua. Vua Minh Mạng có đến hàng trăm bà vợ và có tới 142 người con, nên sau này người ta chế ra bài thuốc "nhất dạ lục giao" được đặt tên là "Minh Mạng thang".
Từ thời vua Khải Định, nhà vua cho xây lầu Kiến Trung với nội thất kiểu Tây phương để làm nơi sinh hoạt. Đến thời vua cuối cùng của nước ta là Bảo Đại, nhà vua sinh hoạt hoàn toàn theo kiểu phương Tây, ở cùng Nam Phương Hoàng Hậu và 5 người con tại lầu Kiến Trung.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/noi-ngu-nghi-cua-cac-bac-de-vuong-viet-co-gi-bi-an-post969764.html