Nổi nhất tuần qua: 'Bệnh viện thần gió' ở Hà Nội, ngôi nhà dát vàng tại Cần Thơ
Hàng trăm chiếc quạt cổ thuộc dạng 'độc nhất vô nhị', có tuổi đời lên tới trên dưới trăm năm của nhiều thương hiệu tên tuổi trên thế giới đang được lưu giữ trong một căn nhà ở phố cổ Hà Nội.
“Bệnh viện thần gió” ở phố cổ Hà Nội
Ngôi nhà số 2 trên phố Tạ Hiện (Hà Nội) được đặt biệt danh là “Bệnh viện của thần gió” bởi lưu giữ hàng trăm chiếc quạt cổ có niên đại trên dưới 100 năm. Bộ sưu tập quạt ở đây có đủ thương hiệu từ Marelli của Ý đến quạt Emi Hà Lan, Calor Pháp, quạt tai voi của Nga, National 110 vol của Nhật,...
Có những chiếc quạt tưởng vứt đi nhưng qua tay phục chế của “ông vua quạt cổ” Trần Công Phúc và người con trai lại có giá trị tới cả trăm triệu đồng. Với bộ sưu tập quạt cổ có một không hai này, ông Phúc từng được ghi danh trong “kỷ lục Guinness Việt Nam”.
Trong “kho đồng nát” của ông Phúc, có một chiếc quạt chạy bằng hơi nước của Đức sản xuất năm 1875, được coi là chiếc quạt “độc nhất vô nhị”. Đây là chiếc quạt mà ông Phúc đã phải mất nửa tháng trời lặn lội vào tận trong Nam để tìm mua. Nhiều vị khách trả giá rất cao nhưng ông từ chối bởi với ông nó có ý nghĩa không thể đong đếm được bằng tiền.
Ngôi nhà độc nhất Việt Nam dát vàng từ ngoại thất đến bát ăn
Ngôi nhà gạch men hay còn gọi là ngôi nhà dát vàng tọa lạc ở khu dân cư Thới Nhựt 2 (Ninh Kiều, Cần Thơ), là điểm nhấn đặc biệt nhất trong khu tổ hợp rộng 1.500m2. Căn nhà thuộc sở hữu của anh Nguyễn Văn Trung (SN 1970). Ngôi nhà này đang trở thành tâm điểm gây xôn xao dư luận vì kiểu trang trí nội thất “độc nhất vô nhị”.
Toàn bộ căn nhà 3 tầng được dát vàng từ trên xuống dưới, từ trong ra nhà, từ ngoại thất đến nội thất và ngay cả những món đồ gia dụng nhỏ nhất như bát, đũa, thìa,... Các vật dụng được dát vàng tính đến nay đã lên tới hàng nghìn món đồ.
Anh Trung cho biết trên Dân Việt, căn nhà được anh ấp ủ xây dựng cách đây 6 năm. Anh dùng đây làm nơi trưng bày để du khách tới quán cà phê, quán ăn trong khuôn viên có thể ghé qua tham quan và chụp ảnh kỷ niệm.
Quán bún đậu trả góp "độc nhất" Hà Nội
Bún đậu mắm tôm là món ăn được nhiều người Việt yêu thích, có giá thành rẻ, nay được "lên đời" bằng hình thức thanh toán… trả góp. Chuyện tưởng lạ nhưng có thật này đang diễn ra tại một quán bún đậu mắm tôm ở vỉa hè Hà Nội.
Tuy chỉ là quán ăn bình thường nhưng quán vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi tấm biển hiệu nổi bật ghi dòng chữ "Bún đậu trả góp". Nhiều người tò mò, thắc mắc rằng giá một suất đắt thế nào mà phải trả góp hay liệu đi ăn có nên cầm theo sổ hộ nghèo hoặc chứng minh thư không? Một số ý kiến khác thì thích thú, hào hứng vì phát hiện được "phao cứu sinh" cho những ngày "rỗng túi".
"Tôi treo biển trả góp, nhiều người tò mò đến ăn nhưng họ cũng thanh toán đầy đủ chứ không ai xin nợ hay thiếu tiền. Mục đích treo biển như vậy vì tôi muốn phục vụ cả những người lao động nghèo. Người ăn xin, bán hàng rong hay lao công,... bất kể ai khó khăn đến đây, chúng tôi đều sẵn sàng tặng suất bún đậu miễn phí", anh Đạt, chủ quán bún, tâm sự.
Quán cà phê biến rác thành đồ vật trang trí độc đáo
Quán cà phê trên đường Thân Văn Nhiếp, quận 2, TP.HCM thu hút khách hàng với nội thất hầu hết được làm từ các đồ vật tưởng chừng như vứt đi như: lốp xe, chai nhựa, giày dép hỏng...
Anh Nguyễn Văn Thơ, chủ quán, trước từng là hướng dẫn viên du lịch. Đi đến nhiều tỉnh, thành và thấy tình trạng xả rác ra môi trường quá nhiều nên anh quyết định lập ra quán này để giảm thiểu rác thải. "Tôi muốn biến rác thải thành đồ vật có ích với cuộc sống hơn, qua hành động của mình để lan tỏa đến mọi người về việc bảo vệ môi trường và ngừng xả rác", chủ quán nói.
Ngôi đình cổ bằng đá xanh còn lại duy nhất ở Việt Nam
Không chỉ có lối kiến trúc đẹp, Đình Đá thuộc thôn Nam Hà (xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) còn được người dân địa phương xem như báu vật vì có bề dày lịch sử. Theo báo Dân Việt, Đình Đá được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia từ năm 1992.
Đây là ngôi đình làng bằng đá duy nhất còn tồn tại. Trải qua hàng trăm năm, ngôi đình vẫn còn lưu giữ những nét cổ xưa với 4 tòa chính. Tòa bái đường của Đình Đá có 5 gian. Các cột, xà, hệ thống cửa võng đến các thanh đấu, trụ... vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc.
Vườn bầu tiên 'độc nhất vô nhị' ở Tây Ninh
Ông Trần Công Vinh (SN 1963, trú tại thị trấn Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) có niềm đam mê đặc biệt với những quả bầu hồ lô. “Tôi tìm hiểu thì thấy bầu hồ lô còn được coi là biểu tượng linh thiêng của sức khỏe và trường thọ, mang ý nghĩa phong thủy nên đi khắp nơi tìm mua những quả bầu hồ lô với đầy đủ kích cỡ về để tự do sáng tạo”, ông Vinh chia sẻ trên Báo Dân Việt.
Ông Vinh đã tự tay trồng và chế tác thành những chiếc đèn bàn, đèn ngủ, đèn trang trí độc đáo. Đến nay, vườn bầu hồ lô của ông đã có 4 loại, từ nhỏ xíu bằng ngón tay để làm móc chìa khóa đến loại bầu to nhất nhì Việt Nam, nặng đến 15kg để làm những chiếc đèn bàn, đèn trang trí trị giá hàng triệu đồng.
Bonsai ổi dáng 'kỳ quái' độc nhất vô nhị
Chủ nhân của cây ổi có dáng "kỳ quái" này là anh Lê Minh (Lào Cai). Anh Minh đã đổi ngang cây "Thạch lựu cổ đại" “khủng” nhất Việt Nam giá 1,7 tỷ đồng để lấy cây ổi này. Cây ổi có nguồn gốc từ Di Linh (Lâm Đồng) được chủ nhân cũ khai thác cách đây 3 năm.
Cây ổi có dáng thế như một con rồng, thân dài 3,9m, có một thân lớn thẳng đứng như đầu rồng. Toàn bộ thân và rễ đều nổi u cục, thân nằm ngang tạo những đường xoắn rất đẹp.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)