Nối 'nhịp cầu hạnh phúc' cho các gia đình

Chị Kpá H’Lý (bìa phải) đang trao đổi kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc với phụ nữ ở buôn Lé B, xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa). Ảnh: BẢO DUYÊN

Thời gian qua, với vai trò là thành viên của ban hòa giải, cán bộ hội phụ nữ các địa phương đã trực tiếp tham gia, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Ngoài việc góp phần giữ vững an ninh trật tự, gắn kết tình nghĩa xóm làng, cán bộ hội đã trở thành những “nhịp cầu hạnh phúc” cho các gia đình.

Sức mạnh của tin yêu

Trong câu chuyện hàn gắn hạnh phúc cho các gia đình, vai trò của các cấp hội phụ nữ rất quan trọng. Với vai trò hòa giải viên, cán bộ hội đã nỗ lực hàn gắn hạnh phúc cho các gia đình, chung tay xây dựng xóm làng yên vui, hạnh phúc.

Biết cách lắng nghe, tôn trọng ý kiến của các thành viên trong gia đình để nuôi dưỡng tình cảm tốt đẹp dành cho nhau là những điều mà chị Trần Thị Lệ Hằng, Chi hội trưởng Phụ nữ ở thôn Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) thường chia sẻ với chị em trong các buổi sinh hoạt chi hội. Đó cũng chính là bí quyết mà bao năm nay chị Hằng và chồng mình - anh Lê Văn Viên gìn giữ để vun đắp hạnh phúc, nuôi dạy hai con trai ăn học thành tài. Theo chị Hằng, để gia đình an vui, yên ấm cần phải có sự mẫu mực của cha mẹ trong cuộc sống, vợ chồng phải luôn tin yêu nhau, con cháu luôn hiếu thuận với ông bà, cha mẹ; đồng thời mỗi gia đình cần phải có nếp nhà, có gia quy với những nguyên tắc riêng nhưng phải cởi mở, thấu hiểu…

Thấu hiểu về vai trò của bản thân trong việc hỗ trợ hội viên tạo lập cuộc sống hạnh phúc, hơn 8 năm đảm trách vai trò chi hội trưởng phụ nữ ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), chị Nguyễn Thị Trưa không ngừng nỗ lực gắn kết hội viên, phụ nữ địa phương đến với tổ chức hội. Ngoài việc tích cực triển khai các phong trào, hoạt động hội trên địa bàn, tạo điều kiện hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, tạo lập đời sống mới, chị Trưa luôn gần gũi, nắm bắt tâm ý hội viên để chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Chị Trưa nhiều lần hòa giải thành các vụ mâu thuẫn trong gia đình hội viên. Chị bày tỏ: “Những lúc như vậy, tôi luôn kiên trì lắng nghe hội viên nói hết những suy nghĩ, bức xúc của bản thân. Sau đó, tìm cách hóa giải, khuyên nhủ để chị em xóa bỏ những khúc mắc trong lòng, sửa đổi những việc làm chưa đúng của bản thân, cũng như biết cách nói chuyện khéo léo hơn với chồng con, biết hành xử đúng mực mỗi khi gia đình xảy ra mâu thuẫn xung đột”. Từ sự nỗ lực của chị Trưa, nhiều gia đình hội viên đã gắn kết lại tình cảm.

Chị C - một phụ nữ trong thôn, thổ lộ: “Trước đây, vợ chồng “có chuyện”, tôi thường đổ lỗi cho chồng mà ít khi nhìn nhận lại bản thân mình. Bởi vậy, những lúc chồng nóng nảy hay uống vài ly bia là những lúc gia đình tôi thường “đá thúng đụng nia”. Bây giờ, tôi cảm nhận rất rõ phương pháp “lùi một bước” của người phụ nữ hiệu quả như thế nào trong những lúc vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Nhờ vậy, gia đình tôi yên ấm hơn trước, tôi cũng bớt cằn nhằn, gắt gỏng mỗi khi chồng hành xử không đúng. Chồng tôi đối xử ôn hòa hơn với vợ con”.

Nói về vấn đề này, chị Kpá H’Lý, Chi hội trưởng Phụ nữ buôn Lé B, xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) - một cán bộ hội có nhiều nỗ lực trong việc vun vén hạnh phúc cho hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số ở Krông Pa, chia sẻ: “Để tạo lập một gia đình hạnh phúc, các thành viên trong gia đình cần rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, cùng với đó là việc tiếp nhận, trang bị kiến thức cũng như học hỏi kinh nghiệm của ông bà cha mẹ ở lĩnh vực này... Dù hàng ngày tất bật với công tác hội cũng như việc nhà, việc ruộng rẫy nhưng chị H’Lý vẫn dành thời gian để chăm lo cho gia đình. Với chị, gia đình có hạnh phúc, con cái có khỏe mạnh, bản thân mới có thể góp sức thúc đẩy phong trào phụ nữ trong buôn”. Chị nói: “Tôi thường khuyên chị em trong buôn nên bình tĩnh mỗi khi vợ chồng cãi nhau, tránh đổ lỗi cho chồng con mình. Mặt khác, bản thân mình cũng phải biết việc làm chưa đúng để chỉnh sửa. Quan trọng là vợ chồng phải luôn tin tưởng, yêu thương nhau, lúc đó mới có thể tha thứ, bỏ qua lỗi lầm... Như vậy gia đình mới gắn bó lâu bền, hạnh phúc”.

Nỗ lực làm cầu nối

Trong câu chuyện hàn gắn hạnh phúc cho các gia đình, vai trò của các cấp hội phụ nữ rất quan trọng. Hiện nay, ở các thôn, xóm, khu phố, phường, xã nào cũng có ban hòa giải và cán bộ hội phụ nữ là một thành phần quan trọng. Trong các vụ việc mâu thuẫn, nhất là chuyện vợ chồng xảy ra xung đột, xích mích, cán bộ hội phụ nữ với sự nhẹ nhàng, ôn hòa, khéo léo, kiên nhẫn sẽ dễ gần gũi tiếp cận, nắm bắt hiểu rõ sự tình vụ việc để từ đó giúp người trong cuộc có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý.

Để hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ hội, nhất là ở cơ sở nắm bắt, thực hiện tốt vai trò của hòa giải viên ở địa phương, bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Từ nhiều năm nay, Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN các huyện, thị, thành phố cũng đã tích cực tổ chức các lớp tập huấn trang bị kỹ năng, kiến thức cho chị em về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tổ chức hội còn thành lập các mô hình câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ ở các địa phương để góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, nắm bắt các cách thức tổ chức hòa giải ở cơ sở, hỗ trợ hội viên phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, trở thành những địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… Tuy nhiên, ngoài sự nhiệt huyết, tận tình cũng như những kinh nghiệm, hiểu biết vốn sống thì có một thực tế là việc hiểu biết về pháp luật của chị em còn nhiều hạn chế nên hiệu quả công tác hòa giải chưa cao. Thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng… cho đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Từ đó, hỗ trợ cho phụ nữ các địa phương xây dựng mái ấm hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực gia đình, hòa giải hiệu quả các mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn, giữ bình yên thôn xóm, chung tay mang lại cuộc sống hạnh phúc, bình yên cho người dân.

NGỌC QUỲNH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/245224/noi--nhip-cau-hanh-phuc--cho-cac-gia-dinh.html