Nối nhịp cầu hữu nghị bằng thư pháp

Đến với thư pháp một cách tình cờ, ông Hoàng Tấn Trung đam mê bộ môn nghệ thuật này từ lúc nào không hay. Với thư pháp, ông đã và đang lặng thầm bắc những nhịp cầu hữu nghị. Nhân dịp đầu xuân mới, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc trò chuyện với ông HOÀNG TẤN TRUNG về thú vui tao nhã này.

 Ông Hoàng Tấn Trung tặng bức thư pháp cho một người bạn quốc tế - Ảnh: Q.H

Ông Hoàng Tấn Trung tặng bức thư pháp cho một người bạn quốc tế - Ảnh: Q.H

- Chào ông! Trước tiên, ông có thể chia sẻ đôi nét về bản thân với độc giả Báo Quảng Trị?

- Tôi sinh năm 1954, sống tại Khu phố 4, Phường 1, thị xã Quảng Trị. Mọi người thường gọi tôi là nhà thư pháp Hoàng Trung. Thực ra, thư pháp không phải là nghề “kiếm cơm” của tôi. Tôi nguyên là Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và hiện đã nghỉ hưu. Đối với tôi, thư pháp là niềm đam mê, một thú vui tao nhã giữa cuộc đời. Cũng vì đam mê thư pháp mà tôi đã tạo ra một không gian thư pháp ngay tại nhà riêng của mình. Tiếng lành đồn xa, nhiều người bạn trong và ngoài nước đã đến với không gian thư pháp của tôi, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến, xuân về.

- Cơ duyên nào đã dẫn ông đến với thư pháp, rồi từ đó trở thành niềm đam mê của bản thân?

- Từ nhỏ, tôi đã mê nét chữ đẹp. Tôi mượn vở của những người viết chữ đẹp hơn mình để bắt chước. Nhờ chữ đẹp, lại sẵn chút năng khiếu văn chương nên tôi thường được thầy, cô khen ngợi. Sau này lớn lên, mỗi khi gặp trên sách báo hoặc thấy người lớn viết kiểu chữ nghệ thuật, tôi rất thích bởi nó có sự phóng khoáng, bay bổng, như ẩn chứa cả tính cách, tâm hồn của người viết ra những nét chữ đó. Cách đây khá lâu, một lần đến Festival Huế, tôi như mê đắm với những bức thư pháp của các bậc tiền bối như: Nguyệt Đình, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Vũ Hối… Tôi đã cố đứng chờ chỉ để có một bức thư pháp mang về nhà. Thế nhưng, thời điểm đó, trời đã ngả về chiều mà tôi vẫn chưa đến lượt. Ngậm ngùi lên xe về quê, tôi nghĩ hay là mình tự mày mò tập viết, tự tìm cách khai phá con đường riêng của mình. Thế là, tôi mua bút lông, vài tờ giấy với lọ mực xạ để tập viết. Sau tháng ngày luyện tập, tôi mạnh dạn đem những bức thư pháp mình viết đi tặng. Buổi đầu, có người khen, người chê nhưng tất cả những lời khen chê đó càng giúp tôi thêm quyết tâm, vững tin hơn. Hễ rảnh rỗi là tôi kiếm sách vở để học, tìm “thầy” với mục đích thu nhặt kinh nghiệm và rèn luyện từng con chữ. Đến hôm nay, tôi vẫn rèn luyện, cả luyện bút lẫn luyện tâm.

- Vậy thư pháp đã mang điều gì ý nghĩa đến với cuộc sống của ông?

- Tôi thấy, thư pháp mang lại 3 điều ý nghĩa cho cuộc đời mình, đó là: giải trí, luyện tâm và tải đạo. Nhà thư pháp là người thả cái hồn của mình vào nét bút, con chữ để tạo ra cái đẹp. Thông qua con chữ, họ đưa lời hay, ý đẹp đi vào lòng người. Vì thế, đến với thư pháp, tôi thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn. Tôi biết ơn thư pháp bởi đã giúp mình cẩn thận, chỉn chu, chín chắn hơn… Tôi quan tâm nhiều đến nhân sinh quan, thế giới quan, chứ không chỉ đơn thuần chăm chút cho gia đình, công việc và con chữ. Những câu tục ngữ, ca dao, danh ngôn, lời nói của các bậc thánh hiền… cũng trở nên có sức hút mãnh liệt đối với tôi.

- Phải chăng từ những điều ý nghĩa ấy mà ông đã chọn thư pháp để nối nhịp cầu hữu nghị?

- Tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm trong một chuyến tu nghiệp ở Hàn Quốc vào năm 2000. Bấy giờ, tôi được giới thiệu đến tham quan Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc ở Seoul. Thời điểm đó, trung tâm đang mở một không gian thư pháp với sự tham gia của nhiều nhà thư pháp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới nhưng tiếc là không có Việt Nam. Tôi đã mạnh dạn xin ban tổ chức viết một bức thư pháp bằng chữ Việt, chọn hai câu thơ quen thuộc của Hàn Mạc Tử: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay”. Khi được treo lên, tôi không ngờ bức thư pháp của mình được khá nhiều người quan tâm, chú ý, khen ngợi. Bất chợt, tôi hiểu ra rằng, thư pháp Việt cũng có thể vươn lên ngang tầm với các nền thư pháp có bề dày lịch sử và có thể trở thành một nhịp cầu hữu nghị, giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Đó chính là dấu ấn, động lực thôi thúc tôi rèn luyện nghệ thuật thư pháp và tìm cách giúp thư pháp thực sự trở thành một nhịp cầu hữu nghị.

- Vậy, ông đã bắc nhịp cầu hữu nghị ấy như thế nào?

- Gần 30 năm gắn bó với công tác kinh tế đối ngoại và đối ngoại nhân dân, tôi hiểu rõ tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa. Tôi nhận thức sâu sắc rằng, khi hiểu được văn hóa của Việt Nam, bạn bè quốc tế sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ta. Từ thực tiễn công tác, tôi biết, khi đến Việt Nam, điều mà rất nhiều vị khách quốc tế mong muốn chính là tìm hiểu nét đẹp văn hóa nước ta, trong đó có nét chữ, hồn con chữ. Hiểu điều đó nên tôi từng tặng rất nhiều bức thư pháp cho những vị khách ngoại quốc.

Đoàn khách quốc tế đầu tiên được tôi tặng thư pháp là Hội Hòa bình và Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam. Bấy giờ, cùng đi với đoàn đến các di tích nổi tiếng ở Quảng Trị, tôi rất xúc động khi ông Tatsuo Akagi, Phó Chủ tịch Hội Hòa bình và Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Giám đốc điều hành Hội Hòa bình và Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam tặng cho Ban quản lý di tích Thành Cổ Quảng Trị một chiếc bình thủy tinh chứa rất nhiều con hạc giấy. Những chú hạc giấy này do chính tay ông Tatsuo Akagi gấp, xếp rất công phu. Người Nhật tin rằng, nếu ai đó thành tâm xếp được 1.000 con hạc giấy trở lên thì sẽ mang lại điều may mắn và hòa bình cho cả nhân loại.

Cảm thấy có sự đồng điệu trong tâm hồn nên sau khi rời Thành Cổ, tôi có nhã ý mời đoàn đến không gian thư pháp tại nhà mình. Điều khiến tôi bất ngờ là các thành viên trong đoàn đều rất thích thú. Sự thích thú ấy nhân lên khi mỗi người được tặng một bức thư pháp với nhiều nội dung khác nhau như chữ: “Đức”, “Tâm”, “Trí”, “Chân”, “Thiện”, “Mỹ”… Và có một sự tình cờ như một cái duyên không hẹn trước là trong nhà tôi đang treo sẵn mấy bức thư pháp bằng tiếng Anh với nội dung mà những vị khách đến từ Nhật Bản rất tâm đắc là: “Không sử dụng bom hạt nhân”, “Tình không biên giới”, “Chỉ có phát triển lòng từ tâm và thấu hiểu người khác mới đem lại sự yên bình và hạnh phúc đích thực mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm”…

Sau hôm đó, những người bạn Nhật Bản đã hẹn và nhiều lần trở lại không gian thư pháp của gia đình tôi. Từ câu chuyện trên, sau này khi gặp những trái tim đồng điệu từ phương xa, tôi thường dành tặng những bức thư pháp do chính tay mình viết. Tùy vào từng đoàn khách mà tôi chọn hình thức, nội dung phù hợp cho mỗi bức thư pháp. Tuy nhiên, điểm chung là tất cả đều thể hiện khát vọng hòa bình, sự hòa hiếu, kiên trì, quyết tâm dành độc lập, tự do của dân tộc. Vì thế, rất nhiều vị khách quốc tế là các nhà hoạt động vì hòa bình, các cựu binh Mỹ, con em cựu binh Mỹ… rất xúc động khi nhận món quà của tôi.

Đến giờ, những bức thư pháp của tôi đã đến nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Lào… Tuy đã nghỉ hưu nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn được thành viên các đoàn công tác nhờ viết thư pháp để mang sang nước ngoài làm quà ngoại giao. Một số người bạn nước ngoài vẫn liên lạc với tôi để “xin chữ” hoặc chia sẻ mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về những nét văn hóa tốt đẹp của mảnh đất, con người Việt Nam, đặc biệt là hồn chữ Việt.

- Những ngày này, chúng ta đang sống trong bầu không khí ngập tràn sắc xuân. Khởi đầu của một năm mới, liệu ông có ấp ủ cho mình những dự định mới?

- Ngoài tập trung vào công tác đối ngoại, trước đây, tôi luôn cố gắng thu xếp thời gian để tham gia các triển lãm thư pháp và tham dự những sự kiện lớn ở trong, ngoài tỉnh. Mỗi lần có lời mời, tôi lại khăn đóng, áo dài, chuẩn bị bút nghiên, giấy mực…để lên đường, góp mặt vào các sự kiện đó với tư cách là “nhà thư pháp”. Tôi từng đến nhiều tỉnh, thành tặng những bức thư pháp mình quý nhất để các hội đồng hương đấu giá, lấy quỹ giúp đỡ học sinh nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Có lần, tại buổi mặt đầu xuân của Hội đồng hương Quảng Trị tại Thành phố Hồ Chí Minh, bức thư pháp “Cội nguồn” của tôi được đấu giá lên đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, những bận rộn trong công việc, cuộc sống không cho phép tôi tham gia nhiều hoạt động như trên dẫu rất thích.

Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian hơn để chắp cánh cho niềm đam mê của mình, rèn cho chữ đẹp hơn, đường nét sắc sảo hơn, cách viết điêu luyện hơn… Trong mùa xuân mới này, một cách thầm lặng, tôi vẫn sẽ đóng góp công sức, trí tuệ, niềm đam mê của mình cho công tác đối ngoại nhân dân và chung sức giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc.

-Xin cảm ơn ông!

Quang Hiệp (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=155542