Trong khi 'Một nửa của thế giới' hân hoan chào đón ngày 8/3 với những lời chúc yêu thương ngọt ngào kèm những món quà ý nghĩa thì tại những bản vùng cao Tây Bắc, vẫn có những người phụ nữ chưa bao giờ biết đến ngày lễ này.
“Mình không biết, chưa nghe ngày 8/3 bao giờ” – đó là câu trả lời của chị Sùng Thị Phay (bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) khi được hỏi về ngày này. Chị Phay năm nay 39 tuổi, chị lấy chồng sớm và giờ con gái cả đã ngấp nghé 25 tuổi. Suốt những năm tháng làm vợ, làm mẹ chị chưa bao giờ biết đến ngày 8/3 và cũng chưa bao giờ được chồng tặng một nhành hoa. (Ảnh: Lộc Liên)
“Nếu bây giờ có một điều ước, mình chỉ mong vợ chồng hòa thuận, có nhiều sức khỏe để đi nương đi rẫy nhiều hơn, có tiền cho mấy đứa con ăn học là mừng lắm rồi”, chị Phay nói khi đang đi chặt cỏ cho trâu ăn. (Ảnh: Lộc Liên)
Dàng Thị Xe (20 tuổi, bản Sin Suối Hồ) thì bày tỏ: “8/3 là ngày gì thế chị, hôm nay em chỉ mong con không quấy khóc để em yên tâm địu nó ra chợ bán váy thổ cẩm, lấy tiền mua sữa cho con thôi”. (Ảnh: Lộc Liên)
Đối với Hẳng Thị Mai (16 tuổi, bản Pho Sin Chải, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu) thì ngày 8/3 là lúc em và các chị cùng mẹ lên rẫy. Bởi ở bản của Mai người ta chẳng quan tâm đến những ngày lễ, vì với họ ngày nào cũng là ngày phải lên nương, lên rẫy hay vào rừng để kiếm cái ăn, cái mặc. (Ảnh: Lộc Liên)
“Nếu có điều ước ngày 8/3, em mong mẹ Vàng Chị Chai (40 tuổi) của em sẽ đi học để tự viết được tên mình. Ngày xưa nhà bà ngoại em nghèo nên mẹ không được đi học, đến giờ đến tên của mình mà mẹ em cũng không biết viết thì ngày 8/3 là gì chắc mẹ em cũng chẳng biết nữa”, Hẳng Thị Mai tâm sự. (Ảnh: Lộc Liên)
Còn với cụ Sùng Thị Mặc (xã Tả Lèng, huyện Tam Đường), suốt hơn 90 năm cuộc đời của mình, chưa bao giờ cụ nghe ai nhắc đến ngày 8/3. (Ảnh: Lộc Liên)
Bằng chất giọng phổ thông lơ lớ tiếng Mông, cụ Mặc cho biết mình lấy chồng từ năm 12 tuổi, cuộc sống quá khó khăn khiến cụ quanh năm chỉ nhìn xuống rẫy ngô, rẫy sắn mà chưa bao giờ ngước lên nhìn cuộc sống. Vì thế mà ngày 8/3 với cụ quá xa lạ. (Ảnh: Lộc Liên)
8/3 năm nay, cụ Mặc chỉ còn một mình trong căn nhà gỗ đơn sơ, 4 phía gió lùa, mái lợp tôn xi măng đã thủng lỗ chỗ. “Chồng cụ chết rồi, cụ sống một mình. Mỗi ngày cụ chỉ ước mắt không mờ để nhặt được vài mớ rau má, chân không mỏi để theo người trong bản đi bộ xuống chợ San Thàng (TP Lai Châu) bán rau, lấy tiền mua vài gói mì tôm phòng ngày mưa gió. Nhưng ở chợ nhiều người bán rau má quá, lại tinh mắt nên tìm được chỗ rau tốt hơn của cụ, vì thế có hôm cụ mang rau xuống rồi lại gùi về. Một túi cụ bán 10 nghìn đồng thôi mà cũng hay ế lắm, rau má thì dai mà răng cụ chẳng còn mấy, nên hôm nào ế cụ lại mang cho hàng xóm hết", cụ Mặc ngậm ngùi nói. (Ảnh: Lộc Liên)
Có lẽ, với những người phụ nữ vùng cao như cụ Mặc, chị Phay, chị Xe hay mẹ của em Mai, ngày 8/3 với họ cũng bình thường như bao ngày khác vì trước nay họ chưa từng biết đến. Và nếu biết thì mong ước lớn nhất của họ cũng là có sức khỏe để lên nương, lên rẫy nhiều hơn, bán được 10 nghìn đồng rau má để cuộc sống bớt khổ, bớt đói một bữa. Do đó, việc nhận được một lời chúc hay bó hoa, hộp quà trong ngày 8/3 như những người phụ nữ khác với họ là cả một niềm mơ ước. (Ảnh: Lộc Liên)