Nối những yêu thương
Mỗi người đều có vị trí, công việc riêng, họ theo đuổi những ước mơ của riêng mình, nhưng họ gặp nhau ở chung một điểm đó là niềm đam mê, yêu thích viết báo, dù là người trong nghề hay người ngoại đạo. Điểm chung đó chính là tờ báo Lào Cai cuối tuần, một trong những ấn phẩm thú vị của Báo Lào Cai. Lào Cai cuối tuần được ví như một mảnh đất màu mỡ để các nhà báo, nhà văn và bạn đọc thỏa sức gửi gắm tâm tư, nỗi niềm vào trong từng tác phẩm… cũng là “mái nhà chung” nuôi dưỡng mạch nguồn cảm xúc của người làm báo tuôn chảy qua từng con chữ, từng trang viết.
Hôm nay, khi báo Lào Cai cuối tuần phát hành số 1.000, dấu mốc để những người làm báo, những cộng tác viên, bạn đọc của báo có dịp nhìn lại chặng đường đã đi qua. Lật giở lại những trang báo cũ, ngược dòng thời gian, kể từ số báo đầu, ra ngày 2/7/2005, biết bao cảm xúc dâng trào. Ở đó, nhắc nhớ những kỷ niệm khó phai của những người đã đặt viên gạch, xây nền móng đầu tiên… và sự đồng hành qua gần 12.000 trang báo của rất nhiều tác giả, chỉ cần đọc tên thôi cũng cảm nhận được những chất chứa yêu thương trong 19 năm qua. Có người đã đi xa, có người thì ở lại, có người vẫn còn tiếp nối hành trình cấy hái trên cánh đồng chữ yêu thương này... nhưng tất thảy đều đã gom góp yêu thương để tờ báo Lào Cai cuối tuần luôn là một ấn phẩm có sức hấp dẫn riêng.
Mỗi phóng viên, biên tập viên hay các cộng tác viên của tờ báo Lào Cai cuối tuần đều nhận thức về sứ mệnh của người cầm bút, trách nhiệm của mình trong từng trang viết, từng bức ảnh trong quá trình tác nghiệp; kể cả các khâu dàn dựng lên khuôn và phát hành mỗi số báo đến tay bạn đọc. Với định hướng lấy báo in làm nền tảng, trong dòng chảy phát triển chung của báo chí hiện đại, báo Lào Cai cuối tuần đã tự đặt mình trong sự không ngừng đổi mới. Trên nền tảng kiên định mục tiêu lý tưởng theo đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo, các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật chế bản đều thao tác thành thạo nghiệp vụ ở các khâu của quy trình làm báo theo tòa soạn hội tụ, tự mình rèn luyện, trau dồi kỹ năng làm báo hiện đại. Ấn phẩm báo Lào Cai cuối tuần phát hành thứ Bảy hằng tuần như góp thêm một món ăn ngon trên mâm cỗ báo chí truyền thông của tỉnh...
Mỗi phóng viên, biên tập viên hay các cộng tác viên của tờ báo Lào Cai cuối tuần đều nhận thức về sứ mệnh của người cầm bút, trách nhiệm của mình trong từng trang viết, từng bức ảnh trong quá trình tác nghiệp; kể cả các khâu dàn dựng lên khuôn và phát hành mỗi số báo đến tay bạn đọc. Với định hướng lấy báo in làm nền tảng, trong dòng chảy phát triển chung của báo chí hiện đại, báo Lào Cai cuối tuần đã tự đặt mình trong sự không ngừng đổi mới.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, hành trình gần 20 năm chưa phải là dài, song cũng là một chặng đường đã ghi dấu ấn về sức sống của một ấn phẩm báo chí trong dòng chảy 61 năm của báo Lào Cai. Ai đó đã từng nói rằng “trong mắt người làm vườn tận tâm, không có loài hoa nào là khó trồng”, niềm tin ấy đã biến những khu vườn đầy màu sắc và ngát hương thơm. Cũng giống như giai phẩm Lào Cai cuối tuần vậy, như một bông hoa mang đầy hương sắc trong khu vườn báo chí Lào Cai. Số báo Lào Cai cuối tuần 1.000 sẽ là nhịp nối những yêu thương trên hành trình trân trọng quá khứ, vững bước hiện tại và khát vọng tương lai.
Nhớ ngày làm số báo đầu tiên
Quốc Hồng
(Nguyên phóng viên Báo Lào Cai)
Tôi nhớ những ngày cuối tháng 6/2005, mùa hè nắng như đổ lửa, Ban Biên tập Báo Lào Cai điều chuyển tôi từ Phòng Thư ký Tòa soạn sang phụ trách làm tờ báo mới tinh, mang tên “Lào Cai cuối tuần”. Nhận nhiệm vụ nhưng rất lo, vì đã hình dung nó “mặt ngang mũi dọc” như thế nào đâu? Nói là giao nhiệm vụ, “khoán” cho tôi nhưng Phó Tổng Biên tập Phạm Ngọc Triển và Tổng Biên tập Phạm Khắc Xương cùng “xắn tay áo” trực tiếp xây dựng chuyên mục, lo bài vở, chọn ảnh đẹp nhất; rồi “vẽ” tít thủ công bằng tay và bút màu; kẻ ô đếm chữ, cắt dán làm maket báo “sinh động” y như thật để giao nhà in dựa theo đó mà lên vi tính, chế bản kẽm và in ra tờ báo. Vất vả thế là vì chúng tôi không có máy tính nên phải làm maket thủ công, mà Tòa soạn thì cũng không có họa sỹ.
Hồi đó, anh Phạm Ngọc Triển cộng tác ảnh với Báo Nhân Dân, quen biết họa sỹ Trọng Thanh là phóng viên ảnh của tờ báo lớn này nên đã nhờ họa sỹ vẽ đề can chữ “cuối tuần” thật đẹp, rồi ghép vào chữ “Lào Cai” của báo thường ngày để làm măng-séc tờ “Lào Cai cuối tuần” và chạy cả trên đầu các trang báo bên trong, tạo khuôn mặt đẹp, dễ nhận diện cho “đứa con” đầu lòng ngày ấy và kế tiếp sau này.
Cũng là nhân duyên thì phải, sau khi làm đến số 20 tờ “Lào Cai cuối tuần” thì tôi chuyển công tác về Báo Nhân Dân. Có dịp gặp lại nhau, nhắc chuyện làm số báo đầu tiên ấy, họa sỹ Trọng Thanh xúc động, nhớ như in từng chi tiết như vừa mới hôm qua.
Với tôi, ấn tượng về tờ báo “Lào Cai cuối tuần” thật đậm nét. Lý do cũng đơn giản là tôi thích và luôn cố gắng “viết báo có văn”, sát đời sống thường ngày để bạn đọc dễ đọc và thích đọc. Nếu coi tờ báo Lào Cai hằng ngày như là “công báo”: thời sự, ngắn gọn, ngôn ngữ báo chí thì tờ “Lào Cai cuối tuần” nên như một “giai phẩm”: cảm xúc, lắng đọng, ngôn ngữ văn học. Nói đậm nét còn vì cơ duyên được tham gia cùng Ban Biên tập và các đồng nghiệp thân mến ở Báo Lào Cai góp phần nhỏ làm nên giai phẩm “Lào Cai cuối tuần” những ngày đầu gian khó ấy.
Cho đến giờ tôi vẫn thường xuyên đọc và rất mừng ấn phẩm “Lào Cai cuối tuần” là món ăn tinh thần nhẹ nhàng, phong phú, đa dạng các thể loại, phong cách, ngôn ngữ của nhiều tác giả, báo trình bày đẹp và hiện đại. Báo Lào Cai cuối tuần vừa vặn số 1.000 tươi đẹp, bắt đầu bước vào năm thứ 20 tràn đầy sức sống, ngày càng phủ rộng, vươn xa đem động lực và niềm vui mới đến bạn đọc thân yêu.
Lan tỏa tình yêu văn học, nghệ thuật
Nhà văn Đoàn Hữu Nam
(Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai)
Kỷ niệm tôi không bao giờ quên với tờ báo Lào Cai cuối tuần, đó là khi mới bắt đầu vận hành trong bỡ ngỡ, một lần nhà báo Lê Thanh Cường, Biên tập viên, Phòng Thư ký Tòa soạn bảo tôi: “Báo đang làm tờ cuối tuần, nội dung chủ yếu tập trung vào lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, báo dày mười hai trang nên tốn chữ lắm, rất mong những nhà văn nhà thơ như các cô các chú cộng tác”. Nghe Lê Thanh Cường nói tôi rất mừng, đặc thù của văn học nghệ thuật mỗi chuyên ngành đều có sự tìm tòi, thể hiện khác nhau song muốn đến với công chúng cần phải có phương tiện. Ca khúc thì phải có người hát, người phối nhạc, có thu âm, có sân khấu biểu diễn. Hội họa, ảnh nghệ thuật thì phải có triển lãm, có in ấn. Múa phải có sân khấu, có các cuộc thi. Văn, thơ phải xuất bản qua báo chí, in thành sách… Nay có hẳn một tờ báo dành riêng chuyển tải lĩnh vực quan trọng của đời sống tinh thần, trong đó dành “khá nhiều đất” cho các tác phẩm của giới văn nghệ sỹ thì còn gì bằng.
Nhận lời Lê Thanh Cường tôi hăm hở vào cuộc. Tôi đam mê nhiều lĩnh vực sáng tác như: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, thơ, trường ca, bút ký... Thể loại nào tôi cũng thử nghiệm và giành được một số thành công nhất định nên tôi tự tin, nghĩ chữ nghĩa đầy đầu rồi tha hồ mà lôi ra gửi cho tờ báo cuối tuần non trẻ. Song tôi đã lầm, thường thì tác phẩm văn học nghệ thuật ít chú ý tới tính thời sự, về độ dài ngắn, to nhỏ, không câu nệ về thời gian, song văn học nghệ thuật in ấn trên báo chí lại khác, khuôn khổ trang báo, tính thời sự, chủ đề phải rõ trong từng số báo.
Khi nhận ra điều không hợp với sở trường của mình tôi đã bắt đầu nản, song nghĩ với tới lời hứa với nữ nhà báo nhiệt tình, đam mê với văn học nghệ thuật tôi bụng bảo dạ, phải coi đây là một kênh quan trọng để giới thiệu tác phẩm của mình. Nghĩ là làm, khi viết cho “Lào Cai cuối tuần” là tôi nghĩ đến điều chỉnh cách thể hiện hợp với tiêu chí của báo. Thơ, truyện ngắn, tản văn phải ngắn gọn, hợp với chủ đề mỗi số. Bút ký, ghi chép phải có tính thời sự, tính điển hình cao. Giới thiệu chân dung văn nghệ sỹ phải chú trọng vào tính chân thực, gắn kết cuộc đời với tác phẩm… Mừng cho tôi và nhiều văn nghệ sỹ trong tỉnh khi báo “Lào Cai cuối tuần” luôn duy trì đúng kỳ hạn, những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng, hợp với tiêu chí gửi đến quý báo đều được trân trọng giới thiệu.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, từ số đầu tiên đến nay tờ Lào Cai cuối tuần đã đến số 1.000, vinh dự đồng hành với báo, tôi đã gặt hái không ít thành công, trong đó có việc tạo ra thói quen sáng tác mới, việc đưa tác phẩm đến với công chúng...
Tình cảm và trách nhiệm
Nguyễn Xuân Mẫn
(Cộng tác viên - Thành phố Lào Cai)
Vậy là báo Lào Cai cuối tuần đã ra số 1.000. Tờ báo mà nhiều thể loại văn xuôi, thơ, nhạc, họa… đã đi vào lòng người đọc nhẹ nhàng nhưng sâu đậm hơn. Mỗi lần đi cơ sở, nhất là các thôn, bản vùng cao, tôi đều thấy báo Lào Cai cuối tuần được bà con truyền tay nhau đọc. Họ vui mừng nhất là những bài viết về điển hình tiên tiến của tập thể hay cá nhân nơi họ sinh sống. Có nơi yêu cầu người phụ trách nhà văn hóa thôn phải lưu giữ cẩn thận số báo đó.
Khi còn là cán bộ mặt trận, tôi thường xuyên đến tận các thôn, bản vùng cao nên thu thập được rất nhiều tư liệu của công cuộc đổi mới. Với sở trường viết của mình là văn học nên tôi hay dùng thể loại bút ký để nội dung bài viết mềm mại, uyển chuyển, những điều tai nghe mắt thấy đó. Từ ngày nghỉ hưu vì muốn tận hưởng sự chuyển mình của phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đồng thời giữ cho ngòi bút không bị mòn, tôi vẫn đi và viết.
Trong thể loại truyện ngắn, ngoài đề tài về cuộc sống hiện tại, tôi thường chú trọng đến đề tài 3 cuộc kháng chiến đánh giặc của dân tộc. Bởi từng cầm súng trong những ngày đánh Mỹ, rồi về chuyển ngành được gặp những cựu chiến binh nên đã trở thành nguyên mẫu để tôi xây dựng thành công hình ảnh thanh niên các dân tộc Lào Cai không ngại vào sinh ra tử.
Điều làm tôi phấn khởi là tác phẩm nào của mình cũng được báo Lào Cai cuối tuần đăng tải, song quan trọng hơn nữa là tôi đã đóng góp một phần nho nhỏ công sức của mình cho tờ báo này trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của bạn đọc gần xa.
Yêu mà không dám viết...
Vàng A Giang
(Cộng tác viên - Si Ma Cai)
Từ lâu tôi đã coi Lào Cai cuối tuần như một người tình, một người tình đơn phương. Trong tình yêu, tình đơn phương được hiểu là âm thầm, không dám ngỏ - còn với “Lào Cai cuối tuần” là yêu mà không dám viết. Lúc ấy tôi cứ mông lung nghĩ ngợi, người ta viết hay, văn mình thì chưa sạch nước cản, sao dám mon men “bắt chuyện” hay “thổ lộ” với người mình yêu đây? Thà cứ âm thầm dõi theo để người mình yêu hạnh phúc còn hơn là tỏ tình thất bại...
Đến một ngày hữu duyên, qua một người bạn, tôi đến với ấn phẩm “Lào Cai cuối tuần”. “Được lời như cởi tấm lòng” tôi dốc lòng viết... rồi mạnh dạn gửi bài đi và thấp thỏm chờ đợi. Mọi thứ xung quanh tôi như vỡ òa khi nhận tin tôi được đăng bài trên “Lào Cai cuối tuần”. Vậy là mối tình đơn phương dồn nén bao lâu nay đã trổ hoa rực rỡ...
Kiên nhẫn đợi chờ trong hạnh phúc một thời gian ngắn tôi đã nhận được tờ báo “Lào Cai cuối tuần” từ chị bưu tá. Tôi lấy kéo cắt nhẹ phong bì đựng tờ báo mà tay tôi run run. Tôi lấy báo ra mùi mực, mùi giấy còn phảng phất. Dường như những vết mực kia vừa kịp khô khi đến tay tôi. Tôi đưa tờ báo lên hít hà mãi.
Bẵng một thời gian, tôi lao vào guồng quay cuộc sống, tác phẩm của tôi thưa dần... Đã có lúc tôi tưởng chừng không thể viết được để cộng tác nữa. Nhưng rồi mỗi khi nghĩ đến “Lào Cai cuối tuần”, nghĩ đến các anh chị trong Ban Biên tập quan tâm đến cộng tác viên; nghĩ đến nơi đã chắp cánh cho tình yêu văn chương, báo chí của tôi được bay lên, tôi lại có muôn vàn lý do để cầm bút. Tôi cầm bút để viết lên tình yêu với quê hương Lào Cai. Tôi cầm bút để lan tỏa tình yêu Lào Cai đến với mọi người trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/noi-nhung-yeu-thuong-post388981.html