Nỗi niềm bên vườn chè cổ thụ Suối Giàng

Tiếng lành đồn xa… chúng tôi đến xã Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) thăm vườn chè cổ thụ, trong đó có cây chè cổ nhất được đồng bào suy tôn là cây chè tổ. Lễ cúng cây chè tổ là nét văn hóa tiêu biểu của người dân Suối Giàng.

“Danh bất hư truyền”-Vườn chè cổ thụ nằm ở vị trí cao, khoảng 1.400m so với mực nước biển. Những cây chè cao khoảng 3-5m, thân mốc gợi cảm sự bền bỉ, cành vươn rộng như những cánh tay hồn hậu giang tứ phía mời đón khách gần xa. Lá chè cổ thụ to như bàn tay của trẻ lên 10, dày và xanh đậm. Búp chè mập mạp. Có búp to gần bằng ngón tay. Tận mắt nhìn lá chè non mới mở khỏi búp, thấy lớp lông màu xám trắng, như tơ nhện bám vào. Búp chè cổ thụ Suối Giàng, sau khi được sao trên chảo gang cho quắt lại, mang pha nước sôi trong ấm sành, sẽ cho trà màu vàng nhẹ như màu kẹo mạch nha. Trà trôi khỏi miệng sau bữa ăn sáng mà đến giờ Ngọ vẫn còn thấy vị chè phảng phất ở đầu lưỡi.

 Những cây chè cổ thụ xã Suối Giàng không có hàng rào bảo vệ, dễ bị du khách đu bám, leo trèo gây tổn hại. Ảnh: GIA HUY.

Những cây chè cổ thụ xã Suối Giàng không có hàng rào bảo vệ, dễ bị du khách đu bám, leo trèo gây tổn hại. Ảnh: GIA HUY.

Cây chè tổ đứng khiêm nhường ở gần bìa phía sau của vườn chè cổ thụ. Thân cây từ mặt đất trở lên thẳng đuột tới 1,6m, như cái trụ đứng, phải là người lớn ôm mới hết vòng quanh. Tán cây xòe rộng khoảng 20m2. Lá và búp rất khỏe. Cụ Hoàng Huy Quỷnh 85 tuổi người bản địa kể với chúng tôi: “Cây chè tổ này sống đã hơn 400 năm. Ngày trước, ở gần đây cũng có cây chè già như cây chè tổ, nhưng bị người ta trèo lên nhiều quá nên đau rồi chết!”.

Tham quan vườn chè cổ thụ Suối Giàng với cây chè tổ, bên cạnh xúc cảm thẩm mỹ về sắc vẻ độc đáo của một loại di sản quốc gia quý hiếm, chúng tôi cũng day dứt nỗi niềm… Khu vườn còn tuềnh toàng, chưa có hàng rào bảo vệ cho cả vườn và từng cây, kể cả với cây chè tổ. Trẻ em sở tại cũng như du khách tham quan không ngại ngần đu bám cành cây chè, rồi trèo hẳn lên cây tìm chỗ hợp sở thích để chơi, chụp ảnh! Quanh gốc các cây chè cổ thụ, mặt cỏ bị giẫm đạp xác xơ thảm hại. Nhìn những cảnh ấy, nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn những người yêu thương cây chè di sản, lại bỗng liên tưởng đến một ngày không xa, cây chè tổ cũng đau yếu, như lời chia sẻ của cụ Hoàng Đức Quỷnh: “… tại vì đã già lại bị người ta trèo lên nhiều quá…!”.

Mong sao cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sớm đề ra và tổ chức thực hiện có hiệu quả những quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ vườn chè cổ thụ và cây chè tổ ở Suối Giàng, giữ lại cho con cháu mai sau di sản quí giá này.

PHẠM XƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/noi-niem-ben-vuon-che-co-thu-suoi-giang-593128