Nỗi niềm công nhân môi trường giữa giãn cách xã hội

Giãn cách xã hội vì dịch Covid- 19 bùng phát, nhưng những công nhân vệ sinh môi trường hàng ngày, hàng đêm vẫn bám đường thu gom, quét dọn rác thải.

Nỗi niềm công nhân môi trường gi

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mặc dù Bình Thuận đã nỗ lực kiểm soát nhưng dịch bệnh vẫn xuất hiện. Ngành chức năng buộc phải ban bố tình trạng giãn cách xã hội, khuyến cáo người dân không nên ra đường, tránh tụ tập đông người vì rất dễ bị lây nhiễm. Với đặc thù công việc của mình, công nhân vệ sinh môi trường hàng ngày vẫn bám đường thu gom, quét dọn rác thải. Họ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhiều loại chất bẩn như thức ăn ôi thiu, kim loại sắc nhọn, vật dụng chứa nguồn bệnh… Chính vì vậy, họ là những người cũng dễ bị lây nhiễm nhất.

Vất vả nhân đôi

Covid-19 siêu lây nhiễm, nay đã biến thể sang chủng mới, không còn dừng lại ở việc lây qua đường giọt bắn mà qua đường không khí. Điều này buộc người dân phải tự ý thức bảo vệ mình theo khẩu hiệu 5K của Bộ Y tế, trong đó phải mang khẩu trang. Theo đó, mọi nhà hầu như đều dự trữ khẩu trang, cho các thành viên trong gia đình sử dụng khi ra khỏi nhà. Do vậy, lượng rác thải tăng đột biến bởi mỗi ngày có đến hàng chục triệu chiếc khẩu trang dùng một lần bị thải bỏ, chưa kể rác sinh hoạt gia đình. Chị Đỗ Thanh Trúc – công nhân vệ sinh môi trường thuộc Đội số 1 Công ty cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị tỉnh cố đẩy xe rác thu gom tại phường Phú Thủy với mồ hôi nhễ nhại, nói qua hơi thở mạnh: “Dịch bệnh lượng rác còn nhiều hơn ngày thường, ngoài khẩu trang y tế thì người ta ở nhà rảnh rồi dọn nhà thải ra, nhất là những ngày giãn cách xã hội. Rác nhiều, thu gom có khi đến nửa đêm mới về, ăn vội miếng cơm rồi ngủ nghỉ vì trước khi đi không kịp ăn, hàng quán đóng cửa, người ta chỉ bán mang về”.

Nhiều anh, chị em, đồng nghiệp khác của chị Trúc cũng như chị làm việc hết công suất, mồ hôi ra như tắm, thấm vào quần áo khô rồi lại ướt, ướt rồi khô. Chị Lữ Thị Nhiễu, em Lê Thanh Hải – Tổ vệ sinh tại chợ Phan Thiết chia sẻ: “Mặc trời nắng, mưa, dịch bệnh, công việc của mình thì mình làm, khi nào bệnh thì nghỉ. Những ngày này giãn cách xã hội, người ta ở nhà phòng bệnh, chứ công nhân vệ sinh môi trường không có “chế độ” đó. Nhiều khi thấy những khẩu trang người ta vứt xuống đường mình quét hốt dọn, giật mình sợ bị nhiễm bệnh, nhưng cũng nhắm mắt cho qua”.

Tuy lo sợ là vậy, song đặc thù công việc họ luôn chấp hành yêu cầu của công ty, phải thu gom rác trong ngày không để tồn lưu. Vì vậy, áp lực công việc của công nhân môi trường thêm muôn phần nặng nhọc.

Chủ động phòng tránh

Mặc dù được công ty trang bị đồ bảo hộ lao động, nhưng trước tình hình dịch bệnh hiện nay, các công nhân phải tự ý thức phòng ngừa, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, khi thấy khẩu trang nơi quét dọn, phải dùng dụng cụ để gắp cho vào túi kín riêng. Tổ trưởng Tổ thu gom rác tại chợ Phan Thiết - Lê Trung Thịnh cũng chia sẻ, vì tính chất công việc, không thể nghỉ nên anh em luôn trong tư thế phòng ngừa, không dám rời khẩu trang. Ngày bình thường mang 1 khẩu trang, nhưng những ngày này, nhiều anh, chị em mang 2 khẩu trang. Công ty cũng thường xuyên nhắc nhở công nhân làm việc phải giữ sức khỏe, không được lơ là phòng dịch cho mình và cho xã hội.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều người dân lo lắng, với công nhân vệ sinh môi trường cũng không nằm ngoài tâm lý đó. Nhưng do đặc thù công việc, họ phải vượt lên trên nỗi sợ hãi, lo lắng để thực hiện nhiệm vụ hàng ngày. Dù được công ty cung cấp nhiều biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhưng trên hết vẫn cần sự hợp tác tích cực từ mỗi người dân trong ý thức phòng dịch.

N.Chinh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/noi-niem-cong-nhan-moi-truong-giua-gian-cach-xa-hoi-139048.html