Nỗi niềm công nhân ngày áp Tết
Những ngày giáp Tết, nhiều công nhân ở các khu công nghiệp (KCN) ở Đà Nẵng trông chờ thưởng Tết với nhiều nỗi niềm và tâm trạng.
Ngóng chờ những “lời hứa” của công ty
Những xóm trọ dọc đường Âu Cơ (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) những ngày cuối năm vắng lặng khi công nhân đi làm. Số ít công nhân ở nhà trọ buổi ngày nghỉ ngơi sau giờ làm ca đêm.
Những xóm trọ lụp xụp dường như chật chội hơn những ngày sát Tết khi nhiều người tranh thủ mua hàng từ phiên chợ Tết Công đoàn tổ chức trước đó mấy hôm. Nhưng vẫn còn đó những khuôn mặt đầy ưu tư khi hỏi về tết vì vẫn còn trông ngóng tin thưởng Tết cuối năm để về quê.
Trong căn phòng trọ rộng chưa tới 20m2, chị Đặng Thị Hằng (32 tuổi, quê ở Bố Trạch, Quảng Bình) đang chuẩn bị nấu nướng để chồng về ăn trưa vào ca chiều. Hai vợ chồng và con nhỏ 4 tuổi đã gắn bó với xóm trọ công nhân này đã mấy năm nay bởi giá thuê vừa phải, lại gần nơi làm việc.
Làm cùng công ty, chồng làm ngày, vợ làm đêm, 2 vợ chồng phải làm lệch ca để có giờ giấc đón và chăm con. Chị Hằng nhẩm tính, lương 2 vợ chồng mỗi tháng khoảng hơn 10 triệu, trong khi tiền trọ, tiền điện nước đã ngốn đi 1/3 thu nhập đó.
Số còn lại để chi phí tiền học cho con, tiền ăn uống sinh hoạt hàng ngày, 2 vợ chồng tằn tiện chi tiêu nhưng cuối năm không tiết kiệm được là bao. Đời công nhân thăng trầm, chị Hằng bảo nhiều khi 2 vợ chồng bàn nhau về quê nhưng rồi cũng phải bỏ ý định ráng bám trụ vì về quê cũng chưa biết sẽ làm gì.
Nhắc đến chuyện Tết, chị Hằng cho biết: Mỗi năm Tết đến, cả hai vợ chồng đều mong chờ vào phần lương thưởng cuối năm từ công ty. Nhưng cũng có năm, công ty chỉ nói hứa hẹn là sẽ thưởng, rồi đến cuối cùng, chúng tôi chỉ nhận được một ít, không đủ để trang trải chi phí ngày tết.
“Năm nay, công ty hứa sẽ có lương tháng 13 và thưởng theo năng suất, chuyên cần. Nhưng giờ này vẫn chưa thấy gì. Chỉ mong công ty thực hiện đúng lời hứa để có tết trọn vẹn hơn”, chị Hằng nói.
Những năm trước, để có thêm thu nhập, chị Hằng và nhiều anh chị em công nhân trong xóm trọ tăng ca hoặc tìm việc làm thêm sau giờ. Nhưng năm nay khó khăn tăng ca hầu như không có, trong khi việc làm ngoài lại càng khó hơn vì khó khăn chung, gõ cửa xin việc cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
“Mấy năm trước, công ty nhiều đơn hàng nên công nhân tăng ca có thêm thu nhập, nhất là dịp cuối năm. Năm nay, khó khăn, đơn hàng khan hiếm, muốn tăng ca cũng chịu. Muốn kiếm thêm việc để chồng con có thêm bộ áo quần mới, có thêm quà về quê biếu bố mẹ 2 bên cũng khó”, chị Hằng tâm sự.
Cạnh bên, chị Lê Thị Thu, một công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến thực phẩm ở KCN Hòa Khánh, không giấu được vẻ mệt mỏi: “Tết này, tôi sẽ về quê, nhưng cũng chưa biết liệu có đủ tiền để về hay không.
Công ty hứa sẽ thưởng Tết, nhưng từ giờ đến lúc đó thì không biết có gì thay đổi không. Cũng may là công đoàn tổ chức phiên chợ Tết, tôi đã mua một ít đồ về cho gia đình, dù biết là không nhiều nhưng vẫn có thể cảm nhận được chút không khí Tết”.
Canh cánh nỗi lo thất nghiệp
Xóm trọ với hơn 20 phòng trọ, nơi vợ chồng chị Nguyễn Thị Kiều (quê Tuyên Hóa, Quảng Bình) công nhân tại KCN Hòa Khánh ở trọ và đã gắn bó gần 10 năm nay. Cạnh xóm trọ là khu chung cư cao tầng dành cho công nhân khang trang sạch đẹp.
Nhìn về hướng đó, chị Kiều thở dài: “Gia đình hai bên đều khó khăn. Bao năm làm việc, nhưng giấc mơ có chỗ ở của 2 vợ chồng vẫn còn xa vời vì thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, nuôi 2 con ăn học”.
Ngày hai vợ chồng rời quê vào đây lập nghiệp thấm thoát đứa con đầu nay đã vào lớp 3, bé út đang học mẫu giáo lớn. Cũng như nhiều công nhân khác, để có thêm thu nhập 2 vợ chồng đăng ký tăng ca, nhưng ngặt nỗi giờ tăng ca cũng khó. Chưa kể, công ty đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại, chị Kiều và chồng đang đối diện với nguy cơ bị sa thải lúc nào không hay.
Chị Kiều kể, mới tháng trước, một nhóm công nhân đến công ty làm việc, hết giờ làm việc công ty bất ngờ thông báo nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng mà không hề thông báo. Nhiều người ngậm ngùi về quê, số còn lại may mắn xin được việc làm ở công ty khác nên bám trụ lại.
“Giờ làm việc nhưng không biết họ cho nghỉ lúc nào. Máy móc, công nghệ giờ đang dần làm thay con người nhiều công đoạn. Công ty họ sẽ không báo trước để mình chuẩn bị đâu, vì họ sợ ảnh hưởng đến chất lượng đơn hàng. Bởi chỉ cần anh em tâm trạng, một sản phẩm lỗi là cả lô hàng trả về, công ty sẽ lỗ nặng. Giờ chỉ mong sao đủ sức khỏe, chuyên cần chăm chỉ để hi vọng khi cắt giảm nhân lực còn được xét để giữ việc mà làm”, chị Kiều nói.
Nhìn khoảng sân trước xóm trọ với mấy chiếc xe đồ chơi cho trẻ nhỏ đã hư hỏng gần hết, anh Lê Văn Sơn (35 tuổi, quê ở Hải Lăng, Quảng Trị) buồn bã cho biết: Mới tháng trước công ty cho nghỉ việc vì cắt giảm nhân lực, nay mình vợ đi làm nuôi chồng con. Cả xóm trọ mấy anh chị em cùng cảnh ngộ, sát Tết tìm việc khó, nên giờ chỉ chờ mấy chợ hoa mở, để đi xin chân chạy hàng chở hoa Tết, hy vọng có thêm thu nhập để về Tết.
“Năm trước cả xóm trọ hứa sẽ góp tiền mua xe đồ chơi mới cho các con, nhưng với hoàn cảnh này, chắc lại phải thất hứa với các con rồi. Nghĩ mà thương tụi nhỏ!”, anh Sơn nói.
Nhiều chương trình hỗ trợ công nhân về quê ăn Tết
Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng cho biết, theo kế hoạch hỗ trợ quà Tết Ất Tỵ 2025 sẽ có 20.000 đoàn viên, công nhân lao động hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, mất việc làm, giảm giờ làm… được hỗ trợ 1 triệu đồng/người (bao gồm 700.000 đồng tiền mặt và 300.000 đồng quà tặng). Trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, các cấp Công đoàn sẽ hỗ trợ vé tàu, xe và tổ chức các chuyến xe miễn phí đưa người lao động tỉnh ngoài về quê đón Tết. Tại “Chợ Tết công đoàn 2025”, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ trao 46.000 phiếu mua hàng tặng đoàn viên, người lao động. Tổng kinh phí hỗ trợ công nhân đón tết năm nay khoảng 20 tỷ đồng, từ nguồn tài chính Công đoàn và hỗ trợ của UBND TP Đà Nẵng.
Trong khi đó, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng vừa phối hợp Liên đoàn Lao động Hải Châu và Nhà Văn hóa Lao động TP Đà Nẵng tổ chức chương trình “Ngày hội đoàn viên-Chào xuân Ất Tỵ 2025”. Tại đây, có 8.800 suất quà tổng trị giá 8,8 tỷ đồng, cùng 12.000 phiếu mua hàng miễn phí trị giá 1,2 tỷ đồng đã được trao tặng. Ngoài ra, hơn 2.000 vé xe, vé tàu cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết trong Chương trình “Hành trình Tết Công đoàn” cũng đã được gửi tặng các công nhân.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/noi-niem-cong-nhan-ngay-ap-tet-post1711045.tpo