Nỗi niềm của biên tập phim trên sóng truyền hình

Khán giả thường xem một bộ phim hay trên truyền hình, rồi khen 'Phim này hay quá!' hoặc 'Đài chọn phim chất lượng quá!'… Nhưng ít ai biết, để những bộ phim ấy đến được với khán giả là cả một quá trình chọn lọc, duyệt phim, sửa lỗi, canh giờ, cân sóng, thậm chí 'cứu vớt' những bộ phim chất lượng không cao để khi phát sóng người xem không quay lưng.

Với tôi, một người làm biên tập phim truyền hình trên 20 năm, là cả một quá trình đầy trăn trở, kiên nhẫn và cả “chịu đựng”. Vì sao tôi lại nói như vậy? Bởi có những bộ phim cuốn hút, xem mà không dứt ra được, nhưng cũng có những phim dở đến mức, mỗi lần bấm nút play là chỉ muốn ngủ gật… Diễn viên đơ, thoại nhạt, nội dung dài dòng, nhưng buộc người biên tập không được sao nhãng, mất tập trung, càng không được tua nhanh.

Có dở thì vẫn phải xem. Xem kỹ, xem đủ, xem để tìm lỗi, để chỉnh, để đảm bảo an toàn khi phát sóng, không vi phạm quy chuẩn văn hóa, chính trị, xã hội. Đoạn phim nào thấy không ổn phải ngồi ghi chú lại timecode để cắt bỏ hoặc chỉnh sửa. Hình ảnh nào cảm thấy chưa phù hợp với văn hóa, thuần phong, mỹ tục là phải ngồi thẩm định thật kỹ. Bởi nếu lỡ một hình ảnh nhạy cảm hay một lời thoại sai sót lọt trên sóng thì hậu quả không chỉ là một cuộc họp kiểm điểm. Đã từng có trường hợp một số đài truyền hình bị xử phạt do vi phạm các yếu tố nêu trên.

Hình ảnh nào cảm thấy chưa phù hợp với văn hóa, thuần phong, mỹ tục thì người biên tập phim phải ngồi thẩm định thật kỹ. Bởi nếu lỡ một hình ảnh nhạy cảm hay một lời thoại sai lọt trên sóng, hậu quả thật khó lường

Hình ảnh nào cảm thấy chưa phù hợp với văn hóa, thuần phong, mỹ tục thì người biên tập phim phải ngồi thẩm định thật kỹ. Bởi nếu lỡ một hình ảnh nhạy cảm hay một lời thoại sai lọt trên sóng, hậu quả thật khó lường

Có những hôm duyệt phim tới khuya, mắt cay xè vì màn hình, tai ù đi vì lời thoại lặp đi lặp lại. Rồi có những hôm ngồi một mình trong phòng duyệt phim, ngoài trời mưa tầm tã, nhân vật trong phim cũng ướt sũng u sầu, tự dưng bản thân nước mắt cũng tuôn rơi. Rồi cũng có lúc tôi bật cười trước những lỗi kỹ thuật vụng về trong phim, rồi chính mình phải cho cắt dựng lại từng khung hình lỗi ấy. Đó là những khoảnh khắc không ai thấy, không ai biết, nhưng lại là phần ký ức mà tôi trân quý nhất.

Đã hơn 20 năm, chứng kiến biết bao sự đổi thay của phim ảnh trong nước và quốc tế, từ phim lồng tiếng cho đến những bộ phim chất lượng cao, từ thời còn phát băng video, rồi đến đĩa DVD, cho tới số hóa. Từ phim Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… đến Việt Nam sản xuất. Từ những bộ phim không lời của vua hề Sạc Lô, cho đến những bộ phim dùng kỹ xảo hiện đại, thậm chí là tận dụng cả kỹ xảo từ AI nữa.

Cách đây hơn 20 năm, lúc ấy có rất ít phương tiện truyền thông giải trí như bây giờ, cho nên nhà nhà, người người, từ trẻ nhỏ đến người lớn, cứ trông đợi đến “khung giờ vàng” của nhà đài (12 giờ hoặc 20 giờ) để được ngồi trước tivi đón xem từng tập phim như: Tây Du ký hoặc một loạt những bộ phim nổi tiếng thời bấy giờ, như: Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký, Lực lượng phản ứng, Bao Thanh thiên, Cỗ máy thời gian... Không ai biết mặt người biên tập phim, nhưng mỗi tập phim lên sóng, mỗi lời thoại, mỗi hình ảnh và cảnh quay đều có sự kiểm duyệt của người biên tập. Nghề này không hào nhoáng, nhưng không thể thiếu với thể loại báo hình. Không rực rỡ ánh đèn, nhưng người biên tập phim lại âm thầm thắp sáng khung giờ vàng cho bao người thư giãn sau thời gian làm việc mệt mỏi.

Còn nhớ lần đầu tiên khi được giao nhiệm vụ biên tập phim trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước (BPTV), tôi đã vô cùng hồi hộp, dù rằng bộ phim Hồng Kông: “Hồ sơ trinh sát IV” do TVB sản xuất, dài 50 tập, đã được tôi xem tới hơn 3 lần, nhưng đến lúc phim lên sóng tôi vẫn vô cùng lo sợ. Dù biết mình đã duyệt kỹ, nhưng tôi vẫn tự hỏi: “Không biết còn lỗi gì không, có sai sót gì không?”. Tôi còn nhớ đây là một trong những bộ phim ăn khách nhất và từng “làm mưa làm gió” thời bấy giờ, với dàn diễn viên trẻ và tài năng như: Cổ Thiên Lạc, Tuyên Huyên, Xa Thi Mạn, Quách Khả Doanh. Một bộ phim đã “lôi kéo” khán giả đến mức không thể nào rời khỏi màn hình vào những “khung giờ vàng” của đài. Lúc đó, tôi lại thấy mình may mắn khi được làm công việc này, bởi tôi được phép xem trước những tập phim tiếp theo, còn khán giả thì luôn ấm ức khi buộc phải dừng lại ở giai đoạn hấp dẫn nhất của tập phim, rồi lại đợi ngày mai mới được xem tiếp.

Một trong những nhiệm vụ của người biên tập phim là phải viết trailer thật hấp dẫn và lôi cuốn khán giả, sau đó thu tiếng cho thật cảm xúc, tạo cao trào và gây chú ý cho người xem. Cuối cùng là lồng hình ảnh những cảnh, phân đoạn gay cấn và ly kỳ nhất trong phim để “ra mắt” khán giả

Một trong những nhiệm vụ của người biên tập phim là phải viết trailer thật hấp dẫn và lôi cuốn khán giả, sau đó thu tiếng cho thật cảm xúc, tạo cao trào và gây chú ý cho người xem. Cuối cùng là lồng hình ảnh những cảnh, phân đoạn gay cấn và ly kỳ nhất trong phim để “ra mắt” khán giả

Công việc của người biên tập phim chưa dừng lại ở đó, mà tôi còn phải tóm tắt nội dung phim để giới thiệu đến khán giả trước ngày giờ phát sóng. Phải viết sao cho trailer hấp dẫn và lôi cuốn khán giả nhất có thể, phải chọn những cảnh, phân đoạn gay cấn và ly kỳ nhất của tập phim để “ra mắt” khán giả.

Đã có lúc tôi tự hỏi, với sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo AI, liệu một ngày nào đó, nghề biên tập phim có còn tồn tại? Khi AI có thể cắt dựng, chỉnh màu, thậm chí tự chọn nhạc nền theo cảm xúc khán giả, liệu có ai còn cần một người ngồi hàng giờ để nhích từng khung hình như tôi đã làm suốt hơn 20 năm qua?

Nhưng rồi tôi lại nhận ra, AI có thể xử lý kỹ thuật, nhưng không thể nào hiểu được những nốt trầm cảm xúc của người xem. AI không biết đâu là ánh mắt người mẹ đang bật khóc, đâu là khoảng lặng cần để khán giả lắng đọng. AI chưa biết thế nào là cảm giác “vừa đủ”, một cảm giác mà chỉ có con người mới có thể “đong đếm” được.

Nghề biên tập phim có thể thay đổi hình thức, công cụ có thể hiện đại hơn, nhưng linh hồn của một bộ phim vẫn cần được đánh thức bởi một con người có trái tim tinh tế và sự nhẫn nại. Tôi mong thế hệ kế thừa không chỉ giỏi công nghệ, mà còn cần nhạy cảm với cảm xúc, có chiều sâu văn hóa và quan trọng hơn cả là tình yêu thật sự với nghề.

Bây giờ nhìn lại, hơn 20 năm biên tập phim, tôi không thể nhớ và đếm nổi mình đã duyệt qua bao nhiêu bộ phim, chỉ biết mỗi lần dòng chữ “The end” hoặc “Hết phim” hiện lên, cũng là lúc tôi gập lại một mảnh ký ức nhỏ trong hành trình dài của người kể chuyện sau hậu trường. Dẫu chẳng ai nhớ tên người biên tập, nhưng tôi tin trong từng khung hình phát sóng, vẫn có một phần tâm huyết âm thầm của mình trong đó. Và chỉ vậy thôi, cũng đủ để thấy trái tim mình ấm áp hơn rồi!

Hồng Trang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/173154/noi-niem-cua-bien-tap-phim-tren-song-truyen-hinh