Nỗi niềm của thầy hiệu trưởng mầm non

Khuôn viên chật chội, cơ sở vật chất xuống cấp, lương thấp nhiều giáo viên phải chật vật mưu sinh… khiến thầy Trịnh Hồng Quân, Hiệu trưởng Trường mầm non vùng cao Thành Sơn (Bá Thước) luôn phải trăn trở, suy nghĩ.

Trường mầm non Thành Sơn nổi tiếng bởi nơi đây có ba thầy giáo, trong đó có một thầy hiệu trưởng luôn hết mình chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho con trẻ.

Cách trung tâm huyện Bá Thước chừng hơn 20 km, dù nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nhưng đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây còn gặp nhiều khăn, bởi thế việc đến trường của trẻ em tại xã vùng cao này càng thêm vất vả.

Trường hiện có 137 học sinh với 4 điểm lẻ (khu Eo Kén, Tà Ban, Kho Mường, Pù Luông), trong đó khu chính đặt tại bản Ban nhưng điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhà trường hiện chưa có phòng hiệu bộ, phòng hội đồng, phòng công vụ và các phòng chức năng. Hơn nữa lớp học chật chội, diện tích nhỏ hẹp, gây nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

Chật chội, BGH nhà trường phải tận dụng khoảng không gian hiếm hoi này để làm văn phòng phục vụ họp hành.

Cũng chính vì diện tích chật hẹp, nên các cháu không có không gian vui chơi, các tiết học ngoài trời, hoạt động ngoại khóa cũng bị hạn chế. Nhiều trang thiết bị, đồ chơi trực quan được nhà trường trang bị nhưng cũng phải xếp kho vì không có không gian.

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, diện tích khuôn viên chật chội, nhiều năm nay một số giáo viên tại trường luôn phải vật lội, bươn chải làm thêm để chăm lo cho gia đình do mức lương còn thấp.

Thầy Trịnh Hồng Quân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường có 20 giáo viên, đối với một số giáo viên mới được tuyển dụng mức lương còn thấp, trong khi quãng đường di chuyển từ nhà đến trường phải mất trên 40 km. Những hôm trời mưa bão đi lại rất vất vả, nguy hiểm.

Khu bếp chật chội, ẩm thấp mỗi khi có mưa bão.

Đối với những giáo viên trẻ như cô Trần Thị Thu, Hà Thị Lanh… với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng cũng chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho bản thân như xăng xe, ăn uống. Một số giáo viên phải nuôi thêm cha mẹ già, con nhỏ, chồng không có việc làm ổn định. Để tăng thêm thu nhập, ngoài giờ lên lớp nhiều giáo viên tranh thủ bán hàng online, trồng mía, chăn nuôi…

Mấy năm nay cô Bùi Thị Dung phải bươn chải ngày đêm kiếm thêm thu nhập để nuôi gia đình cùng con nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo, hàng tháng cháu phải truyền máu một lần, chi phí rất tốn kém. Cô Dung tâm sự nhiều lúc cũng từng nghĩ đến chuyển nghề khác hoặc làm thêm công việc gì đó để kiếm thêm đồng ra đồng vào.

Không chỉ riêng trường hợp của cô Dung, tại trường nhiều giáo viên cũng rơi vào tình cảnh tương tự, họ phải tận dụng nghề tay trái, nghề truyền thống của gia đình… để có thể duy trì cuộc sống.

Thiếu phòng học, nhà trường phải tận dụng văn phòng để làm nơi sinh hoạt cho các cháu.

Nếu như không có tình yêu thương con trẻ, tâm huyết với nghề, có lẽ thầy Ngân Văn Tùng đã phải bỏ nghề. Hàng ngày ngoài giờ lên lớp anh còn phải chăm lo cho bố mẹ già yếu cùng 2 đứa con thơ, trong đó có 1 cháu bị khuyết tật bẩm sinh. Kinh tế đã khó khăn nay càng vất vả, cơ cực gấp bội. Do đồng lương ít ỏi nên anh phải tranh thủ phụ vợ nuôi trâu, bò…

Theo thầy Quân, dù mệt mỏi, khó khăn đến đâu, nhưng giáo viên nơi đây lúc nào cũng phải động viên nhau phấn đấu. Không vì lương thấp mà bỏ bê công việc, hàng ngày bám trường, bám lớp nhiệt tình, tâm huyết chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Khó khăn là thế nhưng nhiều giáo viên trong trường còn tích cực tham gia các công tác thiện nguyện, tranh thủ thời gian rỗi kêu gọi, xin tài trợ nhu yếu phẩm, quần áo, giầy dép, cặp sách… để hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn trong trường.

TRUNG LÊ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/noi-niem-cua-thay-hieu-truong-mam-non/22049.htm