Nỗi niềm đẫm nước mắt của người vợ có chồng quá vụng về lại hay bao biện
Xông xáo, năng nổ chốn công sở nhưng về đến nhà Thành chồng Tuyết (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại tỏ ra rất vụng về với những việc mà theo 'luật bất thành văn' đó là việc của đàn ông. Chia sẻ với ai đó, Tuyết lại bị chê trách rằng 'không biết bằng lòng với những gì mình có'.
Khi dây điện đứt, cầu chì cháy chồng không biết sửa
Gần 10 năm chung sống Tuyết không có gì chê trách, ngoại trừ việc chồng không tháo vát… Từ nhỏ Thành đã được mẹ chiều, sống cảnh cơm bưng nước rót, không phải lo việc hay suy nghĩ bất cứ điều gì. Đây cũng là lý do mà Thành không thể làm được việc gì từ những việc nhỏ nhất để ra dáng là người đàn ông trong gia đình. Đi làm về là nằm vắt vẻo ở salon chơi điện tử, chờ cơm.
Trong thư gửi tòa soạn có đoạn Tuyết chia sẻ: "Em không mong anh ấy phải làm giúp việc nhà như lau nhà, rửa bát, nấu cơm… nhưng ngay cả những công việc mà bất kể người đàn ông nào cũng thạo thì Thành đều không làm được. Từ cái cầu chì bị cháy, cái cánh quạt bị gãy, dây điện bị đứt, đến các bàn ăn chân bị sộc xệch… Thành đều không quan tâm. Thậm chí, vợ nói sửa giúp cũng không biết làm thế nào. Cầm tô vít vặn lại cái bàn chân bị lung lay cũng lóng nga lóng ngóng, cứ như người cảnh.
Trong khi ngoài công việc, em bận tối mắt với việc nhà từ đón con đi học về, đi chợ, nấu cơm, rửa bát quét nhà, tắm cho con… Đón con thì công ty anh ấy ở xa không thể đón kịp, đến cái đơn giản nhất là tắm cho con thì cậu con trai cũng không thích. Hôm nào bố tắm là con chạy ra ngoài mắt sưng húp, nước mắt lưng tròng nói, bố tắm đau lắm…
Nhờ chồng nấu cho bữa cơm thì rau xào sẽ dai, thâm đen; nấu canh rau mềm nhũn, đến kho thịt cũng mải chơi game để cháy cả đáy nồi… khu bếp cũng trở nên bề bộn. Vợ góp ý thì lần lượt sẽ là các lý do: "Cũng xào thế không hiểu sao nó lại đen, dai như nhai rẻ rách"; "Canh anh phải nấu kỹ không sợ em lại chê sống"; "Thịt khô quá vừa đấy đã bị cháy rồi"…
Có lần mẹ em đến chơi, nhà cháy cầu chì mà không phải chồng sửa, em là người đi sửa bà mới ngạc nhiên. Lần khác thì nhờ anh ấy, khoan cái đinh để treo ảnh của con mới chụp nhưng thay vì khoan một lỗ nhỏ, tay cầm không chắc nên mũi khoan chạy tự do trên mặt tường làm bong tróc hết cả đoạn dài. Thế là người đứng lên để khoan lại là em. Lần đó, mẹ cũng chứng kiến nên cũng thương con gái lắm
Nói thật ngày nào cũng chứng kiến sự vô tâm của chồng, sai gì làm nấy hoặc cứ làm lại hỏng em thật sự stress chả lẽ nuôi em chã cả đời. Đôi lúc ý nghĩ ly hôn đã lóe lên đầu em, em phải làm sao đây?
Chán nhất là những khi chẳng may bị cảm, sốt nhức đầu anh ấy làm nũng khủng khiếp. Em liên chân, liên tay cả ngày, vừa ngả lưng xuống là chồng bắt bóp đầu, bóp chân, đấm lưng. Lúc nào khỏe em có thể làm nhưng cũng có những lúc người em cũng nhức mỏi khó chịu không làm được thì anh ấy lại gọi mẹ mình sang. Bà sang lại chê trách con dâu không biết chăm chồng. Điều này làm em buồn và khổ tâm lắm.
Ngày mới cưới em không chú ý lắm đến sự vụng về của chồng vì việc trong nhà em lo tất. Bởi khi đó, em chỉ quan tâm xem chồng có yêu thương, quan tâm, chung thủy và có hay tụ tập ăn nhậu đàn đúm không thôi. Nhưng khi có con, gia đình nhiều việc hơn mới nhận thấy ở chồng nhiều thiếu sót, công tử bột quá mức. Ở nhà chồng vụng về thế nhưng đến cơ quan ai cũng bảo chồng em nhanh nhẹn, chân chạy xăng xăng khi cơ quan có việc rất tốt.
Em phải làm thế nào để chồng thay đổi? Đôi lúc toàn những việc nhỏ nhặt nhưng khiến cuộc sống của em stress vô cùng. Có những đêm chỉ nghĩ đến sự vô tâm, vụng việc của chồng mà em khóc cho tới sáng".
Cần kiên nhẫn chỉ việc tận tay để thay đổi chồng
Câu chuyện của Tuyết được chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Quyên, Trung tâm tư vấn tâm lý và sức khỏe Minh Hương khuyên rằng: "Với trẻ nhỏ để thay đổi một thói quen cần cha mẹ kiên nhẫn một thì để thay đổi chồng trở thành người thạo việc đàn ông trong nhà cần kiên nhẫn 10.
Bởi mọi thứ đã là thói quen bao lâu nay được sống trong sự cưng chiều của mẹ. Họ không phải đụng tay, đụng chân đến bất cứ việc gì thì khi phải làm sẽ thấy khó. Điều quan trọng nhất là người chồng vẫn yêu thương vợ, khi yêu thương thì bản năng của đàn ông sẽ là che chở. Vì vậy, hãy kiên nhẫn hơn với chồng, thể hiện cho chồng biết là mình cũng yếu đuối, cũng cần sự chở che đó.
Có những việc mình cũng không biết làm, không nên ôm việc. Những việc đơn giản như luộc rau, quét nhà, phơi, gấp quần áo… hãy nhờ để chồng làm. Hôm nay, làm chưa được thì 5,7 ngày hoặc 10 ngày sau làm mãi cũng sẽ thuận tay. Hơn nữa, ở cơ quan nói chồng chân chạy lăng xăng tốt thì có việc gì cần phải chạy hãy giao cho chồng để giảm tải việc nhà.
Phần khác, người vợ cũng nên nghĩ rằng, ai cũng có mặt được mặt không được thì hãy nghĩ đó là phần không được của chồng mình cho nhẹ lòng. Có rất nhiều người vợ cũng phải ngậm ngùi khi chồng ham bù khú rượu chè, người ham chơi game… nhưng vẫn cảm thấy chấp nhận được. Vì vậy, song song với việc kiên nhẫn giúp chồng trở thành người thạo việc, người vợ cũng nên nghĩ đến chiều hướng tích cực hơn cho cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn.