Nỗi niềm đi chợ mùa dịch

Nếu tuần trước, giá trứng gà công nghiệp tại thành phố Hội An (Quảng Nam) là 52 nghìn đồng/kg, sang tuần này đã tăng lên 6.000 đồng. So cùng thời điểm này năm trước, giá trứng gà đã tăng 18 - 20 nghìn đồng/kg. Các mặt hàng tiêu dùng khác nhích giá lên khiến bữa ăn của nhiều gia đình đang phải kéo co với... chợ.

Nỗi niềm đi chợ mùa dịch

Bài & ảnh: DUYÊN DUYỀN, KHÁNH VÂN, MINH KHUÊ

Thứ Sáu, 23-07-2021, 14:45

+ | Print

Không phải là địa phương nằm trong giãn cách, nhiều mặt hàng tiêu dùng ở Hội An vẫn tăng giá.

Không phải là địa phương nằm trong giãn cách, nhiều mặt hàng tiêu dùng ở Hội An vẫn tăng giá.

Người khó lại càng gặp khó

Chiều thứ hai, ngày 12/7, giá xăng tăng khoảng gần một nghìn đồng/lít, bên giao hàng báo giá rau củ quả sáng ngày thứ ba cũng tăng theo. Nhận hàng từ xe bỏ mối, mắt liếc hóa đơn, thứ gì cũng tăng 2.000 - 5.000 đồng, chị Huỳnh Thị Toàn, tiểu thương bán rau củ quả chợ Đống Đa (Đà Nẵng) phàn nàn: “Xăng mới tăng hàng đã tăng. Chanh quả tăng 3.000 đồng, cải bắp xôi tăng 4.000 đồng, xà-lách tăng vượt lên 7.000 đồng. Các loại đậu quả, cà pháo, cà chua, dưa leo... cũng tăng 1.000 - 3.000 đồng. Thực tình là khổ người thu nhập thấp”.

Nhiều phụ nữ các vùng nông thôn thị xã Điện Bàn, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) đi chợ đã phải đắn đo so sánh. Chị Nguyễn Thị Tuyến, công nhân khu công nghiệp Điện Dương (Điện Bàn) cho biết: “Nếu gói mì ăn liền Hảo Hảo, năm trước chỉ 3.000 đồng, nay đã lên 3.400 đồng. Dầu ăn, nước mắm cũng tăng chút ít, từ 5.000 - 7.000 đồng mỗi loại”.

“Hàng tạp hóa luôn tăng theo dịp Tết, nhưng những năm trước, qua Tết lại trở về giá cũ. Năm nay cứ giữ nguyên giá đó. Bia Sài Gòn xanh từ 230 nghìn đồng/thùng tăng 5.000 đồng. Thuốc lá các loại cũng tăng 10 - 15 nghìn đồng mỗi cây...”, chị Hoàng Thị Lợi bán tạp hóa đường Trần Nhân Tông (Hội An), cho biết.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều người cũng đã giật mình về giá cả khi đặt hàng về cho khu phố của mình. Anh Cao Tấn Đức, ngụ hẻm 294, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh cho biết: “Chúng tôi bị phong tỏa cũng khổ đủ đường rồi, vậy mà đọc ý kiến này nọ chỉ nói hàng hóa giá cả nhích nhẹ. Nhưng tôi thấy không nhẹ đâu. Chứng từ hóa đơn mua hàng cho mọi người tôi vẫn lưu đây. Có bản lưu để so sánh mới biết trăm thứ đều tăng mà điệp khúc giải thích vẫn là mặt hàng khan hiếm”.

Vài ngày gần đây, điểm nóng nhất về giá cả thị trường vẫn là ở TP Hồ Chí Minh, cô Nguyễn Minh Ngọc, ngụ đường Vĩnh Khánh, quận 4, cho biết: “Rau trong siêu thị không được tươi ngon. Thời gian chờ đợi quá lâu. Và một điều lo lắng khác nữa, vào siêu thị rồi liệu có còn cái gì để phần mình không?”. Ngoài thị trường, giá trứng gà ta đã lên 45 nghìn đồng/1 chục, các loại rau gia vị: hành xanh (hành hoa), rau thơm, ớt tươi, nấm tươi... đều tăng gấp đôi, gấp ba.

Trở lại chợ cá Thanh Hà (Hội An), giá các loại tôm tươi cùng loại, so hai tuần trước đã tăng từ 20 - 30 nghìn/kg. Giá cá ngừ đông lạnh, loại nhỏ, bán theo con, đã tăng 25 nghìn đồng/kg (tháng trước 55 nghìn, nay bán 70 nghìn đồng). Một số vùng nông thôn trồng rau ở miền tây cũng nằm trong danh sách giãn cách xã hội, theo đó những ruộng rau màu đến kỳ không thể thu hoạch hoặc có thu hoạch cũng không có vựa thu mua nên đành bỏ. Bạn Huỳnh Ngọc Thanh, huyện Gò Công (Tiền Giang), cho biết: “Ba má tôi dưới quê kể cho hay, rau húng quế tốt lùm, đành phải cắt bỏ”.

Giảm chợ, giảm nguy cơ

Trong những ngày đầu giãn cách xã hội tại TP Hồ Chí Minh, thực phẩm khan hiếm và tăng giá bất ngờ tạo nên những bất an trong dân cư, nhưng tại thời điểm hiện tại, cung ứng linh hoạt đồng thời cho mở cửa có kiểm soát một số chợ truyền thống nên các mặt hàng tiêu dùng đã trở lại bình thường. Các mặt hàng rau, củ, quả thiếu nguồn cung, tăng giá, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người dân. Tại tỉnh Khánh Hòa, ngày 12/7, UBND TP Nha Trang tạm dừng tất cả các bến cá tự phát, đóng cửa khoảng 10 chợ dân sinh trên địa bàn, tránh nguy cơ chen lấn mua bán đề phòng dịch. Trong thời gian giãn cách xã hội, thành phố Nha Trang cũng đã thực hiện phát phiếu đi chợ ba ngày/lần.

Những ngày qua, nhiều người dân sinh sống tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn đi chợ “hồn nhiên” như không có chuyện gì. Chị Nguyễn Thị Điền (phường Ninh Hiệp, Ninh Hòa), cho biết: “Tôi cứ nghĩ chính quyền chỉ đóng cửa các chợ nhỏ như Ninh Phụng, Dục Mỹ, Ninh Diêm... Ai ngờ chợ Dinh cũng đóng cửa từ ngày 12/7. Nhưng chiều, tôi được nghe thông báo sẽ có phát phiếu đi chợ”.

Với 17 chợ dân sinh bị đóng cửa, “nhường” thị trường cho các cửa hàng Vinmart, Bách hóa Xanh… Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa Nguyễn Thị Hồng Hải cho biết: “Việc đóng cửa chỉ tạm thời để sắp xếp lại phương án buôn bán, đủ điều kiện chống dịch sẽ mở cửa trở lại”. Cũng theo thông báo ngày 14/7, địa phương tiến hành phát phiếu đi chợ ba ngày/lần.

Trên địa bàn Quảng Ngãi, sau vài ngày tạm dừng các chợ, từ ngày 15/7, chợ Quảng Ngãi cũng như các chợ khác trở lại hoạt động bình thường, tuy nhiên hoạt động phải bảo đảm an toàn, chấp hành đúng quy định phòng, chống dịch. Ở hai địa bàn Hội An và Đà Nẵng, do giá trứng gà tăng lên, nên nhiều hàng cơm tấm, cơm bình dân đã loại món trứng trong thực đơn. Chị Trần Thị Liên, bán cơm tấm Sài Gòn, đường Lý Thường Kiệt (Hội An), cho biết: “Hàng cơm của tôi không tăng giá, vẫn có trứng. Nhưng phần trứng chiên đã phải cắt đôi hoặc khuyến khích khách chuyển sang dùng lạp xường”.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/noi-niem-di-cho-mua-dich-656444/