Nỗi niềm giáo viên hợp đồng dạy ngoại ngữ bậc tiểu học

Những hy vọng về việc được thi tuyển, xét tuyển vào biên chế đối với giáo viên hợp đồng (GVHĐ) dạy ngoại ngữ bậc tiểu học ở tỉnh Hải Dương vừa lóe lên đã vụt tắt. Tại sao UBND tỉnh Hải Dương không thể tạo sân chơi công bằng cho GVHĐ như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đối với giáo viên có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31-12-2015 trở về trước?

Những lo lắng, trăn trở

Trong đơn gửi Báo Quân đội nhân dân và trao đổi trực tiếp với phóng viên, nhiều GVHĐ dạy ngoại ngữ đang giảng dạy tại các trường tiểu học thuộc các huyện: Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kinh Môn cho biết: Chúng tôi, người vào ngành ít nhất là 5 năm, có những người đã tham gia giảng dạy 18 năm. Suốt quá trình công tác, chúng tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2009, khi tỉnh Hải Dương thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2008-2020, chúng tôi cũng cố gắng hoàn thiện để đạt tiêu chuẩn B2. Ngày 27-2-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có Công văn số 1240/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn tuyển dụng giáo viên dạy ngoại ngữ cấp tiểu học và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã thực hiện tuyển dụng đối với GVHĐ dạy ngoại ngữ. Giai đoạn này tại tỉnh Hải Dương, một số huyện tổ chức thi tuyển nhưng không hiểu vì sao huyện chúng tôi không tổ chức.

Năm học 2014-2015, UBND tỉnh Hải Dương có đợt xét tuyển cho các GHVĐ có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 48 tháng trở lên, đang giảng dạy ở cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, các GVHĐ dạy ngoại ngữ cấp tiểu học không được tham gia vì đây là môn học tự chọn. Chúng tôi vẫn tiếp tục công tác dù chế độ không bảo đảm, có người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước của huyện, có người được trả lương theo số tiết dạy, theo nhu cầu của nhà trường. Hằng năm, kết thúc năm học chúng tôi lại thấp thỏm, lo lắng vì không biết có được giảng dạy tiếp không. Năm học 2018-2019 vừa kết thúc, chúng tôi bị tạm dừng hợp đồng, dừng chi trả lương, đóng bảo hiểm xã hội và mãi đến tháng 9-2019, UBND tỉnh Hải Dương mới có công văn giải quyết.

 Phóng viên Báo Quân đội nhân dân làm việc với lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân làm việc với lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương.

Năm học 2019-2020, chúng tôi rất vui mừng khi được biết, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có chỉ đạo (Công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11-3-2019; Công văn 1480/VPCP-TCCV ngày 5-6-2019; Công văn 5378/BNV-CCVC ngày 5-11-2019) về việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31-12-2015 trở về trước. Thế nhưng, ngày 11-10-2019 và ngày 25-10-2019, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cùng Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương lại có công văn thông báo “việc tuyển dụng GVHĐ ngoại ngữ bậc tiểu học để lại sau, khi bước vào năm học 2022-2023”. Chúng tôi thấy việc này hết sức khó hiểu và lo lắng cho tương lai của mình.

Cần một sân chơi công bằng cho các giáo viên

Theo nội dung Công văn số 1481/SGDĐT-TCCB ngày 11-10-2019 của Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương; Công văn số 862/LN: SNV-SGDĐT ngày 25-10-2019 của Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, lý do chưa thực hiện xét tuyển đối với GVHĐ dạy ngoại ngữ và tin học cấp tiểu học là: Môn học ngoại ngữ và tin học ở cấp tiểu học là môn học đối với các lớp 3 (từ năm học 2022-2023), lớp 4 (từ năm học 2023-2024) và lớp 5 (từ năm học 2024-2025). Do vậy, từ nay đến năm học 2022-2023, hai môn này vẫn là môn tự chọn, chưa thực hiện tuyển dụng.

Nhằm làm rõ thắc mắc của các giáo viên, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã đến Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương làm việc. Trả lời phóng viên, ông Đỗ Duy Hưng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, cho biết: “Tôi khẳng định là tỉnh Hải Dương chưa khi nào tổ chức thi tuyển biên chế đối với GVHĐ dạy ngoại ngữ cấp tiểu học. Một lý do nữa để tỉnh chưa thực hiện tuyển dụng với GVHĐ dạy ngoại ngữ, tin học cấp tiểu học là vì hiện nay, định mức giáo viên/lớp ở tỉnh là 1,41 giáo viên/lớp nên phải ưu tiên tuyển dụng giáo viên dạy môn bắt buộc khác”.

Trước câu trả lời từ lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, không ít GVHĐ dạy ngoại ngữ bậc tiểu học băn khoăn: Nhiều lúc chúng tôi đã nghĩ đến việc tìm một công việc khác nhưng lại không can tâm vì cả tuổi thanh xuân gắn bó với nghề dạy học, đã có được nhiều kinh nghiệm mà lại phải bắt đầu với công việc mới ở cái tuổi cần sự ổn định để lo cho gia đình, con cái. Sau này, liệu chúng tôi có được ưu tiên để xét tuyển và các chính sách đối với giáo viên, nhất là GVHĐ môn ngoại ngữ bậc tiểu học sẽ còn thay đổi như thế nào?

Để làm rõ thêm việc phóng viên nêu câu hỏi: Đã có huyện nào tổ chức thi tuyển đối với GVHĐ dạy ngoại ngữ ở bậc tiểu học hay chưa? Tổng số GVHĐ dạy ngoại ngữ cấp tiểu học ở tỉnh hiện nay và đã có bao nhiêu giáo viên được biên chế? Thế nhưng, phía Sở GD&ĐT không cung cấp được! Hải Dương vùng đất có truyền thống hiếu học, nổi tiếng khắp cả nước. Truyền thống ấy và thành tựu ngày hôm nay của tỉnh một phần là nhờ lãnh đạo địa phương tạo được môi trường ổn định để các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, trồng người. Thiết nghĩ, lãnh đạo tỉnh Hải Dương, nhất là Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ cần tiếp tục phát huy truyền thống ấy; đồng thời, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ GĐ&ĐT để tạo ra một sân chơi công bằng trong việc thi tuyển, xét tuyển đối với tất cả giáo viên.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN - VĂN THI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/noi-niem-giao-vien-hop-dong-day-ngoai-ngu-bac-tieu-hoc-605488