Nỗi niềm khi ba là mẹ

Ngày của cha (Father's day), thường được tổ chức vào chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 6, đây là ngày con cái bày tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn đối với người cha của mình và Ngày của cha năm nay vào chủ nhật 18.6.2023.

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Hòa vẫn chăm chú làm việc và hoàn thành tốt công việc được phân công.

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Hòa vẫn chăm chú làm việc và hoàn thành tốt công việc được phân công.

Trong ngôi nhà số 66, khu phố 4, phường IV, thành phố Tây Ninh, ông Nguyễn Trung Hòa (SN 1960)- Phó Ban Phong trào cơ quan Hội Cựu chiến binh tỉnh, một mình chăm sóc cậu con trai bị bệnh. Sáu năm “gà trống nuôi con” là chừng ấy thời gian ông dành tình yêu thương, niềm kỳ vọng và sự hy sinh vô bờ bến cho con.

Lập gia đình năm 1979, năm 1983, ông Hòa xung phong lên đường nhập ngũ, công tác tại Bộ CHQS tỉnh đến năm 2015 về hưu. Nghỉ hưu, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội tại địa phương và đến năm 2017, ông công tác tại Hội Cựu chiến binh tỉnh cho đến nay.

Ông Hòa chia sẻ, năm 2018 do lâm bệnh nặng vợ ông qua đời, để lại 3 đứa con, 2 gái và một người con trai bị bệnh “Di chứng bại não”.

Ngày vợ mất, ông không khỏi suy sụp. Thương các con vắng mẹ, ông tự hứa với mình sẽ “ở vậy” để nuôi các con.

Tự vực lại tinh thần cho mình, nhưng ông không khỏi lúng túng trong từng bữa cơm hằng ngày, lo lắng khi con đau bệnh, lúc đó ông mới thấu hiểu được làm mẹ vất vả như thế nào. Càng nghĩ càng thương vợ nhiều hơn, ông càng quan tâm, chăm sóc chu đáo, dồn hết tình thương yêu cho các con, nhất là cậu con trai bệnh tật.

“Lúc vợ còn sống, tôi hầu như không phải làm các việc bếp núc, giặt giũ, quét dọn sân vườn… Nay hai cô con gái đã có gia đình riêng, ở nhà chỉ có tôi và con trai bị bệnh phải ngồi xe lăn. Việc gì tôi cũng làm được, nhiều khi tôi thấy ngạc nhiên về chính bản thân mình.

Sáu năm nay, hầu như tôi không biết đến quán cà phê hay nhậu nhẹt với bạn bè. Ngày nào cũng vậy, hết giờ làm là tôi tranh thủ về với con. Chúng nó mất mẹ quá sớm nên tôi muốn bù đắp cho con bằng tất cả tình thương của mình”- ông Hòa bộc bạch.

Mỗi ngày bắt đầu với ông Hoài là mua đồ ăn sáng cho con, con ăn sáng xong, ông khóa cửa đi làm, trước khi đi ông nhờ bà con lối xóm ngó chừng đứa con trai bệnh tật có gì báo ông giùm.

Sự khó khăn về vật chất đã đành, nhưng làm sao để bù đắp sự mất mát tình cảm của người mẹ là không dễ chút nào, đó là sự chu đáo, đủ đầy trong từng bữa ăn, giấc ngủ đối với con cái. Ông Hòa ngẫm ra một điều có làm ba đơn thân mới thấu hiểu được những vất vả mà vợ đã phải trải qua. Ông ước gì thời gian có thể quay trở lại.

Ông Đỗ Văn Thu- Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: “Tuy hoàn cảnh gia đình “đơn chiếc” cảnh “gà trống nuôi con” nhưng với phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Hòa luôn sắp xếp công việc gia đình để hoàn thành tốt công việc được phân công, ông luôn tự tin, sống chan hòa, vui vẻ, được đồng chí, đồng đội thương yêu, quý mến”.

Tố Tuấn - Hà Quang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/no-i-nie-m-khi-ba-la-me--a159652.html