Nỗi niềm 'một vai hai gánh'
Bác tôi nghỉ công tác được hơn chục năm, sau khi nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở địa phương giải thể. Từ ngày nghỉ chế độ, ông chuyển sinh hoạt Đảng về chi bộ thôn, ít lâu sau được chi bộ tín nhiệm bầu làm bí thư và nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn.
Ở thôn quê yên bình, nhân dân chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và xây dựng quê hương, tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững. Cũng vì thế mà công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, bí thư chi bộ rất thuận lợi, cấp ủy chi bộ đoàn kết thống nhất.
Từ ngày đảm đương thêm cương vị trưởng thôn, công việc nhiều khiến ông xoay như chong chóng. Có thời điểm thôn phát sinh nhiều việc nên làm xáo trộn cuộc sống trong gia đình. Hằng tháng, hằng năm có đủ thứ việc không tên, đủ thứ chuyện không đầu, không cuối nảy sinh, từ vệ sinh môi trường, đường điện chiếu sáng đến chuyện gia đình xích mích to nhỏ cũng tìm đến trưởng thôn... Có khi đang ăn cơm tối, ông đành phải bỏ dở để kịp đến hòa giải hai gia đình trong thôn mâu thuẫn. Cũng vì thế, nhiều phen hai vợ chồng lục đục vì ông cứ mải lo giải quyết hết việc của chi bộ lại đến việc của trưởng thôn mà bỏ bê việc nhà...
Ông tâm sự, làm bí thư chi bộ lại kiêm trưởng thôn giống như người “một vai hai gánh”. Nếu không có lòng nhiệt tình, không tâm huyết, trách nhiệm với công việc chung của địa phương thì rất khó để đảm đương. Hơn nữa, “một vai hai gánh” vốn dĩ đã nặng, có người hiểu thì thông cảm, chia sẻ, người không hiểu lại cho rằng vừa làm bí thư vừa làm trưởng thôn thì khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa ra chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, lại vừa triển khai thực hiện.
Ông lấy ví dụ từ chuyện làm đường giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, chi bộ cho chủ trương và ra nghị quyết lãnh đạo, bí thư chi bộ thay mặt chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên và quần chúng nhân dân. Thế rồi cũng là bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn đi vận động nhân dân đóng góp kinh phí, rồi xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện... Nếu không minh bạch, phân rõ từng vai, không giữ đúng nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt chính quyền thì rất dễ lạm quyền, sinh ra sai phạm. Bởi lẽ con người luôn biến đổi theo thời gian, theo môi trường sống và làm việc. Một người ngày hôm nay là tốt nếu ở đúng vị trí, nhưng ngày mai, khi họ ở vị trí khác, nắm giữ quá nhiều quyền lực trong tay thì liệu họ có còn tốt nữa không?
Những điều tâm sự của bác tôi không hẳn là không có cơ sở, bởi lẽ có trường hợp ở thôn bên, đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn sau một nhiệm kỳ kiêm nhiệm đã để xảy ra một số vấn đề nên cấp ủy, chính quyền xã phải vào cuộc. Điều đáng nói là chọn được người đã khó, nhưng với mức phụ cấp ít ỏi dành cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn khiến nhiều người không mấy mặn mà. Số đảng viên đã cao tuổi, thường xuyên đau ốm nên không thể đảm đương, còn đa số đảng viên trẻ trong chi bộ đi làm công nhân trong khu công nghiệp. Có người thẳng thắn từ chối, có đảng viên tế nhị nêu lý do phải lo cho kinh tế gia đình... Bởi vậy, nhiều lần bác tôi xin thôi kiêm nhiệm, nhưng vì dân tin, Đảng cử nên đành cố gắng cho tròn vai!
ĐÔNG HẢI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/noi-niem-mot-vai-hai-ganh-736445