Nỗi niềm nét chữ phê đơn
Tôi có việc cần bổ sung một số giấy tờ cho hồ sơ nên mang lá đơn và thẻ căn cước công dân đến trụ sở chính quyền địa phương. Chị cán bộ công chức trực một cửa liền kiểm tra đối chiếu, cặm cụi ghi ở góc dưới rồi mang trình cho người có thẩm quyền ký xác nhận. Cầm tờ đơn có đóng dấu đỏ một cách nhanh chóng, song thực sự tôi không hài lòng, bởi trong chùm bút phê của chị cán bộ trực, tôi không thể nào đọc nổi chị viết những gì vì chữ bay nhảy nguệch ngoạc, cẩu thả, xấu hơn gà bới...
Thực tế cho thấy, từ trước đến nay có rất nhiều loại giấy tờ được người tham mưu, giúp việc đặt bút phê khiến cho chủ thể của các loại giấy tờ ấy phải căng mắt ra dịch rồi… suy đoán từng mặt chữ bởi nét chữ nguệch ngoạc, khó nhận biết để hiểu ngay được. Không ít người cho rằng, vào những thập niên 90 của thế kỷ XX trở về trước, nét chữ được xã hội nâng niu, trân trọng lắm. Hồi đó ai có nét chữ chân phương, đẹp đẽ thường được trưng dụng để viết các loại văn bằng, giấy chứng nhận... do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp cho dân. Mỗi lần có dịp nhìn lại nét chữ viết tay trên những tấm bằng khen, huân, huy chương các hạng, bằng Tổ quốc ghi công… của những người được cấp trước đây tuy đã bạc màu theo thời gian, tôi cứ thích, ngắm mãi bởi những dòng chữ mềm mại tuyệt đẹp đến mê hồn được tạo ra từ mực xạ đen nhánh với những nét đậm, nét lợt rất hợp lý của bao người có bàn tay cầm bút tài hoa…
Bên cạnh các loại bằng như đề cập ở trên ra thì cũng có không ít loại giấy tờ, sổ sách cấp phát cho người dân, mẫu mã được in ấn công phu, màu sắc, hoa văn rất đẹp nhưng bên trong thì thật "xót xa" bởi những dòng chữ ngoằn ngoèo, tệ hại hơn còn sai cả lỗi chính tả do người viết chữ xấu đảm nhận. Đến thời công nghệ văn phòng ra đời, hầu hết các loại văn bằng đều được in từ máy vi tính chứ không còn viết bằng tay nữa. Đa số các font chữ đều in na ná theo chữ viết tay truyền thống, song nhìn là biết ngay đó là chữ in từ máy tính bởi nó không được thổi hồn của cái đẹp vào trong các dòng chữ ấy.
Từ xa xưa, ông cha ta đã luôn coi trọng, sử dụng người "có chữ", nhất là người có nét chữ đẹp. Trân trọng nét chữ đẹp không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn mang giá trị tôn vinh, thể hiện sự kế thừa, gìn giữ cái đẹp, không bao giờ bị lỗi thời. Dẫu vẫn biết, những giá trị văn hóa mà chúng ta từng gửi gắm vào nét chữ viết tay đang dần thay đổi trong thời đại công nghệ số, nhưng tôi vẫn tin rằng, bất cứ ai nhìn thấy những nét chữ đẹp cũng đều thích thú, mến mộ. Viết những dòng chữ đẹp để chuyển tải nội dung thông tin là thể hiện tấm lòng, sự trân trọng của mình đối với người cần trao đổi, giao dịch và ngược lại sẽ làm khổ người đọc. Hiện tại, thầy cô nhiều trường tiểu học đã tích cực rèn chữ cho học sinh. Không ít người cũng đưa con cháu đến các cơ sở, trung tâm để tập viết chữ đẹp. Nhiều cuộc thi viết chữ đẹp cũng được tổ chức, bởi mục tiêu không chỉ để các em có nét chữ đẹp mà còn tập tành, rèn luyện cho các em có tính cần mẫn, nhẫn nại, kiên trì trong cuộc sống.
Theo khoa học kỹ thuật hình sự quốc gia cũng như thế giới, chữ viết của một con người sẽ không trùng lặp với bất cứ ai trên thế gian mênh mông này, đây là cái riêng cực kỳ lý thú của tạo hóa. Trong nhóm chữ đẹp cũng vậy, mỗi nét chữ của từng người nó có cái đẹp thanh thoát, mĩ miều, bay bổng, nhẹ nhàng và sở hữu cũng rất riêng. Tôi nghĩ, chữ đẹp chắc chắn không phải "thượng đế" chỉ dành cho những người chỉ có năng khiếu hoặc có "hoa tay". Nó sẽ được ban phát cho bất cứ ai thật sự yêu thích nét chữ đẹp truyền thống, từ đó tạo động lực để họ chịu khó khổ luyện. Ai viết chữ xấu nếu biết cẩn thận, chịu khó tập rèn trong cách viết, chắc chắn rồi sẽ có những dòng chữ đẹp.
Hiện nay thỉnh thoảng giở các trang báo in hoặc trên các kênh thông tin tuyển dụng nhân sự chúng ta thấy có cơ quan, đơn vị yêu cầu người dự tuyển phải viết tay đơn xin làm việc. Điều này cho thấy nét chữ vẫn đang được nâng niu chứ chưa hẳn không còn quan trọng trong đời sống công nghệ số như một số người quan niệm. Nhân chuyện "chùm chữ phê đơn", tôi bộc bạch chút nỗi niềm riêng tư với ước vọng sao cho những dòng chữ ấy ngày thêm dễ đọc. Thiết nghĩ, các cơ quan, đơn vị công quyền cần lựa chọn, bố trí những nhân viên viết chữ đẹp, nếu không chí ít cũng có những người viết chữ rõ ràng, có kiến thức về ngôn ngữ và chính tả để viết các loại giấy tờ cho dân. Phục vụ dân đâu chỉ có thái độ niềm nở, ân cần, mà còn ở cả những nét chữ được ghi trong giấy tờ của họ nữa chứ…
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/noi-niem-net-chu-phe-don-post302474.html