Nỗi niềm nghề hát rong
Phố lên đèn cũng là lúc những người trót chọn 'kiếp cầm ca' làm nghiệp mưu sinh bắt đầu làm việc. Giọng hát chân phương kết hợp tiếng nhạc rộn ràng phát ra từ chiếc loa di động là cách những người làm nghề hát rong dùng để thu hút khách hàng.
Chiều tối, dạo quanh một vòng TP.Tân An, tỉnh Long An, không khó để bắt gặp hình ảnh những người hát rong ở các quán nhậu, quán ăn vỉa hè. Vừa hát, vừa cầm kẹo, bánh đi mời khắp quán là cách họ kiếm tiềm. Và, cuộc mưu sinh của người mang “kiếp cầm ca” cũng lắm nỗi niềm.
Cũng đành xin làm người hát rong...
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Cà Mau, từ nhỏ, anh Trần Thanh Phú đã yêu thích đờn ca tài tử. Anh chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 chị em. Hồi trước, tài sản quý giá nhất của gia đình tôi cũng chính là chiếc máy cassette cũ. Lúc nhỏ, đêm nào ông bà nội cũng nghe cải lương nên chúng tôi cũng nghe theo, rồi "mê" hồi nào không hay”.
Vì hoàn cảnh gia đình nên anh phải lên tận Long An kiếm sống, hơn 6 năm gắn bó với mảnh đất này cũng là ngần ấy năm anh theo nghề hát rong. Anh tâm sự, tuy "sân khấu" biểu diễn hàng đêm không có ánh đèn lấp lánh, khán giả vây quanh nhưng với anh, chỉ cần có người nghe, có người yêu thích giọng hát của mình thì đó đã là một niềm hạnh phúc.
Nơi những người hát rong hành nghề đa phần là quán nhậu, quán ăn vỉa hè với rất nhiều đối tượng khách hàng từ lớn tuổi, trung niên đến các bạn trẻ, chính vì đam mê nên anh phải quyết tâm mới trụ được với nghề.
Anh Trần Thanh Phú cho biết: “Vì khách hàng ở nhiều độ tuổi khác nhau nên tôi phải học thêm nhiều thể loại từ dân ca, trữ tình đến nhạc trẻ, cái gì cũng học để khi khách yêu cầu thì còn biết mà đáp ứng. Hồi trước, lúc mới vô nghề, tôi chưa hát được nhạc trẻ thì bây giờ, bài hát nào "hot" của giới trẻ tôi cũng biết.”
Vừa dứt lời, anh đã có vài vị khách trạc 18, 19 tuổi yêu cầu hát bài “Mình cưới nhau đi”. Nhìn cách anh nhún nhảy, "phiêu" theo nhạc chẳng khác gì một “ca sĩ nhà nghề”. Bài hát kết thúc cũng là lúc anh bắt đầu đi bán hàng. Bên cạnh những nụ cười thân thiện, anh cũng nhận không ít những cái lắc đầu cự tuyệt kèm theo đó là những lời lẽ khá khiếm nhã. Khi được hỏi mỗi lúc gặp tình huống “trớ trêu” như vậy thì có buồn không, anh chỉ lắc đầu rồi nói: “Tôi không buồn, xã hội phải có người này, người kia, ai lại đi chấp người say”.
“Thu nhập từ nghề này khá bấp bênh, hôm nào gặp khách may mắn thì được 300.000 – 400.000 đồng nhưng thường thì tôi chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng mỗi đêm. Mặc dù, thu nhập không cao nhưng những ai đã theo “nghiệp ca hát” thì rất khó bỏ bởi vì hát với những người làm nghề hát rong không chỉ là công việc mà đó còn là đam mê”, anh Phú cho biết thêm.
Buồn không ít
19 giờ, dưới trời mưa lất phất tại một quán nướng xiên que trên đường Hùng Vương (nối dài), anh Nguyễn Sơn (32 tuổi, quê tỉnh An Giang), tay cầm chiếc micro không dây nhanh nhẹn len lỏi khắp các dãy bàn ăn để mời khách mua kẹo. Một mình vừa bán, vừa hát nên bài hát liên tục bị ngắt quãng mỗi khi anh phải thối tiền, chỉ có chiếc loa kẹo kéo ngoài đường vẫn “xập xình” tiếng nhạc.
Vừa nhận 20.000 đồng từ việc bán 2 cây kẹo cho khách sau khi hát xong bài “Thành phố buồn”, anh “than”: “Đi hát từ 5 giờ chiều, đã gần 2 tiếng đồng hồ mà mới được khán giả ủng hộ có 7 cây kẹo, bữa nay mưa, chắc lại thất thu. Nghề này thu nhập cũng bấp bênh lắm nhưng đã “bám” vào rồi thì không thể dứt ra được, tôi theo nghề cũng 14 năm rồi”.
Có theo chân những người làm nghề hát rong mới thấy, tuy gương mặt họ lúc nào cũng tươi cười mời khách nhưng ẩn sau đó là những câu chuyện muôn màu của nghề hát dạo. Ngoài việc gặp trắc trở về thời tiết, những người hát rong còn bị “xua đuổi” bằng những cử chỉ, lời nói khó nghe, chủ quán không thông cảm thì “cấm hành nghề”.
Anh Sơn cho hay: “Tôi ngán nhất là gặp những khách say, họ đòi cầm micro tự hát, hát xong không những không mua kẹo mà còn quay sang kiếm chuyện. Mấy lúc như thế, đa phần người đi hát như tôi không dám phản ứng mà chỉ lẳng lặng xin lỗi cho qua chuyện rồi đi quán khác. Vì nếu làm ồn ào sẽ bị chủ quán đuổi ra ngoài và lần sau không cho vào hát nữa”.
Cuộc sống thị thành có muôn vàn nghề nghiệp mưu sinh, mỗi nghề một khó khăn riêng. Đêm đêm, dưới ánh đèn, những người hát rong vẫn lặng lẽ gắn kết đời mình với “nghiệp cầm ca”. Và có lẽ, với những người hát rong như anh Phú, anh Sơn, đi hát không chỉ là công việc mưu sinh và hơn hết, đó còn là đam mê, là ước mơ của "nghệ sĩ đường phố"./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/noi-niem-nghe-hat-rong-a77256.html