Nỗi niềm nữ phạm nhân đánh mất hạnh phúc gia đình chỉ vì một lần tham

Chỉ vì muốn có thật nhiều tiền mà Đinh Thị Hạnh, SN 1984, trú tại Phù Yên, Sơn La đã dấn thân vào một đường dây mua bán, vận chuyển ma túy. Đánh đổi hạnh phúc gia đình bằng bản án 20 năm tù, Hạnh xót xa, ân hận nhất là mỗi khi nghĩ đến gia đình, người thân.

Hơn chục năm bặt tin nhà

Trò chuyện với chúng tôi, Hạnh luôn giữ thái độ dè dặt và mặc cảm. Hạnh bảo từ ngày bước chân vào trại giam tới nay, trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến gia đình và mỗi lần như thế lại nhớ về lần phạm tội của mình để chất vấn lương tâm. Hạnh bảo từ năm 2009 đến nay, chưa một lần được chồng con xuống thăm nên không biết mọi người ở nhà sống thế nào, có tha thứ cho chị ta không.

Hạnh là người dân tộc Tày, lớn lên trong một gia đình bố mẹ làm nông nghiệp lại đông con nên chuyện học hành của con cái có phần bị hạn chế. Chưa hết cấp hai thì nghỉ, Hạnh ở nhà giúp bố mẹ làm nương, dệt vải. Hạnh bảo ngày nhỏ vất vả lắm vì con nhà nghèo, dệt được tấm vải nào đều phải đem ra chợ đổi lấy gạo, lấy ngô mang về nhưng chưa một lần vì thế mà oán trách số phận. Sau này lấy chồng, Hạnh vẫn giữ nếp sống của một người phụ nữ chăm chỉ đi nương và dệt vải. Hạnh bảo cũng muốn ra chợ ngồi buôn bán nhì nhằng để kiếm vài chục ngàn chi tiêu trong gia đình nhưng ngặt nỗi không có vốn. Hỏi Hạnh có phải vì lý do đó mà tham gia vào việc mua bán ma túy, nữ phạm nhân này khẽ gật đầu, vẻ ngần ngại. “Em lấy chồng năm 20 tuổi, hai đứa con đều có thể tự phục vụ bản thân được rồi, không biết đứa lớn đã có người yêu chưa”, Hạnh tâm sự.

Ngày Hạnh bị bắt, hai đứa con mới còn là những đứa trẻ lên 4, lên 5, trong hiểu biết non nớt chưa hiểu thế nào là trại giam, tù tội. Có lẽ chúng chỉ biết thắc mắc vì sao mẹ bỏ nhà đi đâu lâu thế. Nhưng giờ đây, khi đã là những thiếu niên tuổi 15, chúng đã hiểu được điều gì đã xảy ra với gia đình mình từ hơn chục năm trước. Có điều chúng lại không một lần viết thư hỏi thăm mẹ. Hạnh bảo có thể do chị ta đi tù khi các con còn nhỏ nên tình mẫu tử không được vun đắp mà trở nên lạnh nhạt. Cũng có thể do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chúng phải bươn chải kiếm sống nên không có thời gian viết thư cho mẹ,…Hạnh đưa ra rất nhiều lý do để biện minh, trong đó có cả ý nghĩ các con không được đi học. Trong mắt người phụ nữ này chỉ có Hạnh là người phạm lỗi và chị ta không có quyền trách cứ người thân.

“Tôi vào trại giam Thanh Phong cải tạo từ năm 2009 tới nay. Ban đầu tôi về lao động ở đội dệt cói, sau đó sang làm ở đội may mặc. Công việc phù hợp với sức khỏe của tôi. Ba năm nay tôi đều được xếp loại khá”, Hạnh kể.

Sau giờ cải tạo lao động, các nữ phạm nhân trại giam Thanh Phong xếp hàng chờ điểm danh về phân trại. Ảnh: N.Vũ

Sau giờ cải tạo lao động, các nữ phạm nhân trại giam Thanh Phong xếp hàng chờ điểm danh về phân trại. Ảnh: N.Vũ

Nợ người thân một lời xin lỗi

“Tôi đã từng vài lần viết thư về cho gia đình nhưng không ai viết thư cho tôi cả. Không nhận được hồi âm của người thân khiến tôi bất mãn và thể hiện những uất ức ấy bằng sự quậy phá. Tôi cáo ốm để không đi lao động, lúc làm việc thì qua loa, lười nhác và nếu cán bộ có nhắc nhở thì lại tỏ thái độ bất cần, chống đối”, Hạnh kể.

Theo lời tâm sự của nữ phạm nhân này thì ngày đó, vì suy nghĩ cực đoan nên mỗi khi nhìn thấy bạn tù nào có thư nhà hoặc được người thân tới thăm gặp, Hạnh tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Thậm chí Hạnh còn kiếm cớ để đôi co, gây sự. Hạnh bảo không phải vì chị ta ghét bỏ mọi người mà bởi trong lòng cảm thấy trống trải, chỉ muốn được đấu khẩu với ai đó để xoa dịu nỗi cô đơn. Nhưng khi được cán bộ gọi lên nhắc nhở, Hạnh lại không muốn đem những tâm tư đang ngổn ngang trong lòng ấy thổ lộ cho người khác biết để rồi cứ im lặng chịu trận nhận các hình thức kỷ luật từ nhắc nhở, viết bản kiểm điểm hay phê bình trước toàn đội.

Vì muốn có tiền làm vốn để có một chỗ ngồi buôn bán ngoài chợ, Hạnh đã liều lĩnh tham gia vào một đường dây ma túy. Hạnh bảo nhiệm vụ của chị ta là tìm người có nguồn hàng ma túy sau đó vào hỏi mua rồi báo giá lại cho đồng bọn. Những công đoạn khác như mua thế nào, địa điểm giao hàng ở đâu, Hạnh không cần phải quan tâm. Sau khi mua bán trót lọt, Hạnh sẽ được trả công.

Hỏi Hạnh đã nhận được bao nhiêu tiền rồi, chị ta bảo đã 3 lần được trả công, có lần 2 triệu cũng có lần 5 triệu đồng, tùy thuộc vào số lượng ma túy được giao dịch. Năm 2007 đường dây bị phát hiện và Hạnh bị bắt. Sau hơn một năm bị giam cứu để điều tra mở rộng và hầu tòa, đầu năm 2009, Hạnh về trại giam Thanh Phong cải tạo. “Chị nghĩ thế nào về bản án 20 năm tù, có nặng quá không?”, chúng tôi hỏi, Hạnh chua chát: “Quá nặng và quá đắt”.

Hạnh tâm sự rằng, ban đầu nói đến ma túy cũng sợ lắm nhưng khi được trấn an rằng chỉ đi tìm người cung cấp hàng thôi chứ không phải cầm ma túy đi bán thì chị ta đã do dự. Và nhất là khi được nghe nói được chia tiền, sẽ có vốn làm ăn, cuộc sống gia đình sẽ đổi đời, Hạnh đã đồng ý.

Hơn chục năm chưa gặp lại người thân, Hạnh không biết chồng con mình sống thế nào, bố mẹ, các anh chị em ai còn ai mất. Hạnh bảo rất nhớ nhà, nhất là những ngày lễ Tết, nhìn bánh chưng, giò chả trong lòng lại cồn cào nỗi nhớ gia đình. Có năm lên nhận phần quà trại dành cho thêm những trường hợp phạm nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không người thân thăm gặp, Hạnh đã òa khóc vì xúc động và tủi thân. “Chồng tôi là người thật thà, hiền lành. Ngày tôi ở nhà, việc làm rẫy làm nương là tôi làm, anh ấy đi xẻ gỗ thuê, chỉ ngày giỗ, Tết mới về nhà. Tôi đi thế này chắc anh ấy không đi làm ăn xa được, ba bố con lại lọ mọ nương vườn chăm nhau thôi”, Hạnh bộc bạch.

Người phụ nữ này thừa nhận rất yêu gia đình của mình và thương chồng con nhưng vì hiểu biết pháp luật thấp kém mà phạm tội. “Tôi không biết các con tôi có còn oán trách mẹ chúng không. Cũng không biết sau này trở về có được chúng đón nhận không. Dù thế nào thì tôi đã rất có lỗi với con, tôi nợ chúng một lời xin lỗi”, Hạnh tâm sự.

Vừa lấy tay áo lên quệt đôi dòng lệ đang trào xuống má, Hạnh bảo mục đích bây giờ chỉ là cố gắng cải tạo thật tốt để sớm trở về với gia đình còn chuyện đoàn tụ được với chồng con hay không, cô không dám nghĩ tới. Nữ phạm nhân này cho biết, đang hạ quyết tâm để năm nay có tên trong danh sách xét giảm án và sẽ cố gắng để những năm sau đó, năm nào cũng được giảm án. Hạnh hy vọng với sự nỗ lực của bản thân sẽ rút ngắn được thời gian cải tạo để sớm được ra tù...

Nguyễn Vũ – Hạ My

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/noi-niem-nu-pham-nhan-danh-mat-hanh-phuc-gia-dinh-chi-vi-mot-lan-tham-198850.html