Nỗi niềm phóng viên ở chốn pháp đình
Nước mắt, tiếng la hét, thậm chí là sự than vãn… có lẽ là những điều đầu tiên mà mọi người nghĩ tới khi nhắc tới hai chữ 'Tòa án' và cũng khiến nhiều người ngại ngần, đôi khi muốn tránh xa chốn công đường. Tuy nhiên, với những phóng viên được phân công theo dõi mảng pháp đình, chuyên 'cắm rễ' ở tòa dài ngày nghe đại án thì cũng có những câu chuyện riêng.
Được phân công theo dõi mảng pháp đình từ đầu năm 2016 khi vừa mới thử sức với công việc phóng viên, từ những ngày đầu chập chững lên tòa, làm quen với các thuật ngữ liên quan tới pháp luật, tòa án… cho tới nay, tôi đã gắn bó với mảng pháp đình được gần 7 năm. Là sinh viên mới ra trường, theo mảng pháp đình hoàn toàn trái với ngành học, thật sự là điều rất khó khăn. Nhớ lại ngày đầu làm quen với chốn công đường, bài học đầu tiên mà tôi học chính là: nhận biết phiên tòa sơ thẩm hay phúc thẩm, cách sử dụng các từ ngữ chuyên ngành cho từng hoàn cảnh, giai đoạn cụ thể.
Sau thời gian nghe các vụ án nhỏ, được sự tin tưởng của tòa soạn, tôi bắt đầu được phân công theo dõi các đại án, các vụ án lớn có tình tiết phức tạp, người phạm tội là những người có chức vụ, thậm chí là có tầm ảnh hưởng lớn trong thời gian họ đương chức. Còn nhớ, vụ án đầu tiên mà tôi “cắm rễ” dài ngày liên tục chính là phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch Ngân hàng OceanBank Hà Văn Thắm, với cáo trạng dài gần 200 trang. Để chuẩn bị tham dự phiên tòa, trước đó chừng 1 tuần, các phóng viên đã rủ nhau “vác” giấy giới thiệu lên tòa án đăng ký tham gia tác nghiệp. Trước ngày tác nghiệp, phóng viên tiếp tục “chôn chân” tại tòa… chờ đợi lấy thẻ. Đến khi cầm được tấm thẻ do Tòa án nhân dân TP Hà Nội cấp, lúc đó mới thật sự thở phào, chắc suất được vào tác nghiệp.
Vụ án Hà Văn Thắm vẫn là vụ án có thời gian xét xử kéo dài nhất, khoảng 1 tháng, xét xử cả thứ 7. Chưa kể, vụ án này rất đông bị cáo nên ngoài việc theo sát diễn biến nội dung phiên tòa, các phóng viên còn phải “nhớ mặt” từng người để chú thích ảnh trong bài. Vì vụ án có nhiều nội dung nên việc đọc kỹ cáo trạng, bóc tách nội dung, chắt lọc chi tiết là điều vô cùng cần thiết. Chưa hết, yếu tố cẩn thận, tỉ mẩn và chính xác cũng là điều mà tôi đã học hỏi được; đồng thời nghe kỹ lời nói của những người tham gia tố tụng, đưa thông tin khách quan, phản án đúng sự thật theo diễn biến tại phiên tòa. Tuy nhiên, vì theo yêu cầu của Tòa án, mỗi đơn vị báo chí chỉ được một phóng viên tham gia tác nghiệp nên việc bỏ lọt một vài nội dung là điều không thể tránh khỏi. Sau khi kết thúc phiên làm việc buổi sáng khoảng thời gian nghỉ trưa khá eo hẹp, việc ăn uống của các phóng viên pháp đình thường là ăn nhanh gọn, hoặc vừa ăn vừa đọc tin tức từ các báo, đôi khi vừa nghe lại băng ghi âm để chắc chắn thông tin được đưa tới bạn đọc một cách chính xác. Đây là cũng là phiên tòa khiến tôi nhìn thấy rất rõ sự chuyên nghiệp của những người làm báo, họ cùng trao đổi thông tin, cùng bàn luận, phản biện và tập trung cao độ. Tập trung khi nghe từng lời khai, tập trung gõ phím, tập trung dựng bài… chỉ để gửi tin về tòa soạn nhanh nhất, cung cấp thông tin khách quan nhất tới độc giả.
Ngoài những lúc tập trung cao độ, các phóng viên pháp đình cũng có lúc thảnh thơi, nói chuyện, chia sẻ chuyện tác nghiệp… bên lề phòng xử. Thông thường khoảng thời gian này thường tập trung vào lúc đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng. Đây là tài liệu mà các phóng viên đã có từ trước nên thời điểm công bố cáo trạng truy tố các bị cáo được coi là khoảng thời gian thảnh thơi hiếm hoi. Nếu như mọi người nghĩ công việc của phóng viên pháp đình gói gọn trong giờ hành chính thì thật sự không hẳn! Có những phiên tòa, Hội đồng xét xử hoàn toàn có thể kéo dài thời gian xét xử… đến quá giờ ăn tối. Điển hình như phiên tòa phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã kết thúc phiên tòa vào lúc gần 20h30, đồng nghĩa với việc các phóng viên pháp đình phải liên tục cập nhật thông tin, dựng bài, gửi bài, chờ duyệt bài, chờ bài được đăng lên trang thì mới yên tâm ra khỏi cổng tòa án.
Qua nhiều phiên tòa xét xử các vụ án lớn, như vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm, vụ án Phan Văn Anh Vũ..., tôi nhận thấy khi phóng viên nắm vững kiến thức pháp luật, hiểu rõ các thuật ngữ chuyên dùng, trình tự tố tụng và vai trò của những người tham gia tố tụng... thì việc tác nghiệp, đưa tin về hoạt động xét xử sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nằm lòng các thuật ngữ chuyên dùng trong tố tụng chỉ là bước đầu, làm việc quá giờ cơm tối cũng chưa phải là điều quá khó với các phóng viên pháp đình. Điều thật sự thử thách là những thuật ngữ liên quan đến kinh tế trong các vụ án kinh tế. Ví như “góp vốn”, “chuyển nhượng vốn”… trong vụ án xảy ra tại Sabeco (vụ án liên quan đến cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng), “góp vốn bằng quyền sử dụng đất”, “tài sản chờ thanh lý”… trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (có liên quan đến cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam)… Hay gần đây nhất là khái niệm “nợ khó đòi” và “nợ không thu hồi được” trong vụ án xảy ra tại Cienco 1…
Ngoài ra, việc có thể triển khai tin bài liên quan đến vấn đề pháp lý xoay quanh nội dung vụ án cũng là một lợi thế của phóng viên pháp đình. Điển hình nhất, trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai có bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị cáo khác bị xác định là bỏ trốn; tuy nhiên vẫn bị đưa ra xét xử. Với nội dung này, phóng viên pháp đình hoàn toàn có thể khai thác dưới góc độ pháp lý, trưng cầu ý kiến từ các luật sư, từ những chuyên gia pháp luật để có nhiều thông tin hay đưa tới bạn đọc. Thay vì chỉ theo sát diễn biến tại phiên tòa xét xử, các phóng viên pháp đình vẫn liên tục khai thác, mở rộng đề tài xoay quanh vụ án mà mình đang theo dõi. Các nội dung như “luật sư kháng cáo thay bị cáo”, “bị cáo bỏ trốn sẽ phải khắc phục thiệt hại như thế nào”… cũng đòi hỏi các phóng viên phải nhanh nhạy nắm bắt, trao đổi với các luật sư, chuyên gia pháp lý để đưa thông tin đa chiều đến với bạn đọc.
Nhìn lại quá trình tác nghiệp, một phóng viên pháp đình hoàn toàn có thể tự rèn luyện khả năng nghiệp vụ qua từng năm tháng, từng vụ án; tốc độ gõ, tốc độ đọc cáo trạng, chắt lọc thông tin, khả năng tập trung cũng được tôi luyện. Đặc biệt, khi nhìn lại những tấm thẻ tác nghiệp do Tòa án cung cấp cho phóng viên, với tôi đó không chỉ là kỷ niệm mà còn là sự tích lũy.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/noi-niem-phong-vien-o-chon-phap-dinh-post543542.antd