Nỗi niềm phụ huynh khi con trẻ nghỉ học để tránh dịch

Để phòng tránh dịch do virus corona, TPHCM đã cho học sinh (HS), sinh viên, học viên các cấp nghỉ đến hết ngày 16-2. Mặc dù đây là quyết định đúng đắn, tuy nhiên về phía phụ huynh (PH) lại vướng không ít băn khoăn, nhất là với những đứa trẻ cấp mầm non, tiểu học, ai sẽ trông con nhỏ để họ đi làm? Nhiều PH phải đôn đáo tìm chỗ mong gửi được con để tiếp tục công việc. Và trong tình thế đó, nhiều em nhỏ dường như bị 'bỏ rơi' khi thiếu sự quan tâm của gia đình...

NHỜ TRÔNG CON VỚI GIÁ CAO

Nhiều PH có ông bà trông giúp cháu hoặc bố mẹ không đi làm thì chẳng có vấn đề gì nảy sinh; còn với số PH hàng ngày phải gửi con ở trường để đi làm thì việc các con nghỉ học lại là vấn đề vô cùng nan giải. Khi nghe thông báo nghỉ học, nghỉ giữ trẻ dài ngày, nhiều PH đã liên hệ chỗ này, chỗ kia mong gửi được con và công việc không bị gián đoạn.

Việc tìm chỗ gửi con, người trông trẻ trong mùa đại dịch không hề dễ dàng. Nhiều PH đã phải đưa con mình "di tản" nay chỗ này, mai chỗ khác, thậm chí trong 1 ngày phải gửi 2-3 chỗ khác nhau. Chị Phan Thị Thu Thủy (ngụ huyện Hóc Môn) cho biết: "Khi nghe tin con phải nghỉ học dài ngày để tránh dịch bệnh, vì bé mới 3 tuổi nên tôi rất lo, nghỉ làm thì không được mà để con ở nhà cũng không biết làm thế nào. Vì thế, tôi đã liên hệ vài chỗ quen để gửi con, nhưng do dịch bệnh nên nhiều người cũng không giúp được. Mãi đến khi liên hệ với mấy người bạn bán hàng tại nhà thì mới có người nhận trông giúp, nhưng tùy ngày. Tôi đành phải gửi con kiểu di động".

Một trường hợp khác là gia đình anh Nguyễn Văn Công (ngụ Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp). Vợ chồng anh từ Bắc vào Nam lập nghiệp, có hai con nhỏ đang theo lớp mầm non, anh thuê phòng trọ tại con hẻm ở đường Phạm Văn Chiêu. Hai vợ chồng là công nhân may, đợt nghỉ dài ngày này anh không biết gửi con đi đâu, đành nhờ một người quen nhà gần phòng trọ trông hộ với mức phí 150 ngàn đồng/ ngày. "Tuy giá có đắt nhưng có người trông con để đi làm là được rồi, chứ cha mẹ đâu thể nghỉ làm được", anh Công tâm sự.

Đây cũng là trường hợp của chị Bùi Thị Hằng (ngụ quận 12): "Con có lịch nghỉ nhưng bố mẹ đi làm, không được nghỉ. Tôi đành gửi con với giá 200 ngàn đồng/ngày. Mong con an toàn, khỏe mạnh là được rồi, chứ thời buổi đại dịch biết làm sao bây giờ? Mong dịch bệnh sớm kết thúc để mọi sinh hoạt trở về với thường ngày thôi".

Thời điểm này xuất hiện nhiều người nhận giữ trẻ tại nhà với giá cao, trong khi nhiều bậc PH không còn cách nào khác vẫn phải gửi con để đi làm. Đó là tình cảnh chung của nhiều PH có con nhỏ và dịp HS nghỉ dài ngày này khiến họ gặp không ít khó khăn trong việc tìm người trông coi.

Nghỉ học vì dịch bệnh, nhiều đứa trẻ lang thang tự chơi đùa

Nghỉ học vì dịch bệnh, nhiều đứa trẻ lang thang tự chơi đùa

NHIỀU ĐỨA TRẺ NHƯ BỊ "BỎ RƠI"

Những ngày này, không khó để bắt gặp những đứa trẻ tự chơi một mình ven đường, nghịch đất cát và đến bữa vẫn ngồi giữa nắng, thậm chí không được ăn uống đủ bữa.

Ghé vào một con hẻm trên đường Nguyễn Thị Ngâu (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) chúng tôi bắt gặp nhóm 3 - 4 trẻ, đứa nhỏ nhất 2 tuổi, lớn lên 5. Tất cả ngồi chơi xúc đất và mặc dù đã trưa nhưng vẫn cắm cúi chơi, chẳng có ai nhắc nhở hay gọi chúng vào nhà kẻo nắng hay vào ăn cơm. Hỏi thăm, chúng tôi được biết những đứa trẻ này là con của các gia đình công nhân gần đó: cha mẹ đi làm hết, gửi cho 1 hộ trông giùm.

Do các bé khó ăn nên họ cũng chẳng ép, chỉ cần chúng ngồi yên một chỗ, không chạy lung tung là được. "Mấy đứa nhỏ này cũng ngoan, mọi ngày đi học ở trường, nay vì dịch bệnh phải nghỉ ở nhà, cha mẹ không biết gửi cho ai nên nhờ nhà hàng xóm bán tạp hóa trông giùm. Tụi nó chỉ biết quanh quẩn quanh đống cát, xúc đất vậy thôi", cô hàng xóm cho hay.

Tại một xóm trọ khác trên đường Đặng Thúc Vịnh (xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn), những ngày này trẻ con đều ở nhà hết và được 1 hộ trong khu trọ trông giùm. Hết xúc đất thì bứt lá hoặc lấy cây rượt đuổi nhau, đến bữa thì người lớn gọi vào ăn cơm nhưng nhiều bé khó ăn thì ngồi ngậm mãi miếng cơm rồi lại ra chơi. Tất cả chẳng biết ngủ trưa là gì.

Trông lũ trẻ chẳng khác nào những đứa trẻ bị bỏ rơi, nếu có người thân ở nhà thì các bé còn được quan tâm, nhắc nhở, bắt ép ăn uống đầy đủ; nay vì đại dịch nên mới ra nông nỗi.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona còn rất phức tạp, các em HS còn nghỉ nhiều ngày để đảm bảo an toàn. Biết rằng công việc vẫn phải làm nhưng các bậc PH cũng cần để ý, quan tâm đến con trẻ. Việc các bậc cha mẹ thờ ơ với con cái, vùi đầu vào công việc khiến các em dễ bị tổn thương, trong khi việc ăn uống không đảm bảo sẽ dễ khiến các em bị các căn bệnh khác ngay trong mùa dịch.

Xuân Tình

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/noi-niem-phu-huynh-khi-con-tre-nghi-hoc-de-tranh-dich_87395.html