Nỗi niềm sĩ tử mùa thi

Chỉ còn một ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ chính thức diễn ra, đánh dấu chặng đường 12 năm học tập, rèn luyện của học sinh. Đứng trước ngưỡng cửa quyết định cho ngã rẽ nghề nghiệp, tương lai của mình, mỗi sĩ tử đều không tránh khỏi tâm trạng hồi hộp, căng thẳng, âu lo. Nhưng với sự đồng hành của gia đình, nhà trường và xã hội, tất cả cùng đang tỏ rõ quyết tâm, cố gắng, tự tin vượt qua mọi thử thách…

Trường THPT Hướng Hóa tổ chức dạy kèm kiến thức cho một số học sinh có lực học yếu và hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi lại xa xôi -Ảnh: H.N

Trường THPT Hướng Hóa tổ chức dạy kèm kiến thức cho một số học sinh có lực học yếu và hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi lại xa xôi -Ảnh: H.N

Để tự tin bước vào kỳ thi, các sĩ tử đã có thời gian ôn luyện khá dài. Mỗi bạn chọn cho mình một phương pháp học và ôn tập riêng. Với Trương Thị Tùng Chi, học sinh lớp chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, bí quyết của em là cố gắng tạo cho mình một tâm lý thoải mái. Bởi theo Chi, khi giữ được tinh thần thoải mái thì mới có thể “nạp” được kiến thức.

Về phương pháp thì em phác thảo thời khóa biểu ôn luyện hợp lý, chú trọng các vấn đề then chốt để ôn, trau dồi thêm năng lực bằng cách tiếp cận với nhiều dạng đề khác nhau. Ngoài thời gian ôn cố định trên lớp, em tranh thủ học nhóm, ôn tập theo từng chủ đề và tự mình nắm kiến thức cần thiết.

Em chia sẻ, nhiều bạn thường tăng tốc ôn luyện, mải miết học hành, thức thâu đêm để “chiến đấu” với đống bài vở vào chính thời khắc cần có sự dưỡng sức cần thiết.

Đó không phải là cách tốt nhất, vì nếu học dồn ép, không giữ sức khỏe thì tới khi vào phòng thi sẽ không nhớ gì cả. Đến thời điểm này, Tùng Chi khá tự tin cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới và cũng sẵn sàng để chinh phục giấc mơ đỗ vào Học viện Cảnh sát nhân dân.

Khác với Tùng Chi, ngoài sự hồi hộp vì sắp bước vào một trong những kỳ thi quan trọng của cuộc đời, những học sinh miền núi Quảng Trị còn mang nhiều nỗi lo toan hơn thế…

Em Hồ Văn Lép, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Hướng Hóa sinh ra trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn ở xã Húc, huyện Hướng Hóa. Tuy cuộc sống còn vất vả nhưng 12 năm qua em vẫn cố gắng học tập và không có ý định bỏ học giữa chừng.

Văn Lép chia sẻ: “Gia đình em nghèo lắm, trước kỳ thi em luôn lo nghĩ làm sao đi quãng đường xa để tới điểm thi đúng giờ, rồi chi phí ăn uống, ngủ, nghỉ trong thời gian thi. Nhiều bạn của em còn chưa biết nhờ ai đưa đi thi, vì từ nhà tới trường thi đường sá xa xôi.

Thấu hiểu tâm tư của chúng em, nhà trường và thầy, cô đã quan tâm về mọi mặt, gặp gỡ và có phương án giúp đỡ nên em bớt lo lắng. Thường thì sau giờ học ở trường, em đi làm nương rẫy cùng cả nhà, nhưng giờ sắp thi nên em dành nhiều thời gian để tự mình ôn lại các kiến thức.

Sau khi có bằng tốt nghiệp THPT, em lựa chọn về TP. Đông Hà học nghề để sớm có công việc, ổn định cuộc sống và phụ giúp gia đình nuôi các em ăn học”.

Kịp thời nắm bắt những nguyện vọng, hoàn cảnh của học sinh, ngành giáo dục và đào tạo và các tổ chức cá nhân đã và đang nỗ lực để đồng hành với các em tự tin “vượt vũ môn”.

Thầy giáo Trương Văn Thành, Bí thư Đoàn Trường THPT Hướng Hóa cho biết: Những khó khăn mà các sĩ tử đang gặp phải trong giai đoạn này có 2 vấn đề cơ bản: Một là kiến thức tổng thể để thi các môn trong kỳ thi; hai là điều kiện ăn, nghỉ, các vật dụng và phương tiện đi lại trong những ngày thi. Hiểu rõ điều này, về chuyên môn, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn, thầy, cô giáo tích cực ôn thi và rèn luyện cho các em từ đầu năm học cho đến cận kề ngày thi.

Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng học sinh đã qua kiểm tra đánh giá cuối kỳ và thi thử có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Tích cực ôn luyện thêm cho các em bằng cách tăng cường tối đa nhiều hình thức như: trực tiếp, trực tuyến, kèm riêng cho một số em. Ban giám hiệu và đoàn thanh niên cũng tổ chức gặp gỡ học sinh và phụ huynh khó khăn, ở xa, lực học yếu để động viên, lên phương án hỗ trợ.

Chúng tôi đã lập nhóm với tên gọi “Các chiến binh 12 xa nhà” tập hợp các em gặp hoàn cảnh khó khăn, xa nhà để đi học, đi thi với mục đích động viên, nhắc nhở, kêu gọi kinh phí hỗ trợ cho các em trước và trong mùa thi.

Đối với các em có hoàn cảnh vất vả, xa nhà, đoàn trường sẽ tổ chức cho các em ăn cơm trưa tại trường và có nhu cầu thì nghỉ trưa tại các phòng học. Ngoài ra cũng phối hợp với đoàn thanh niên các xã, thị trấn, các thầy, cô tình nguyện viên lập 1 nhóm phản ứng nhanh để hỗ trợ thí sinh đi muộn hoặc không đến điểm thi.

Không những các sĩ tử hồi hộp lo lắng, chạy đua nước rút để chuẩn bị “vượt vũ môn”, những bậc làm cha mẹ cũng có vô số nỗi niềm. Chị Châu Thị Hương Giang ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh chia sẻ: “Con gái tôi hiện đang học THPT tại TP. Đông Hà. Trước kỳ thi tốt nghiệp quan trọng của con, tôi và cả nhà không khỏi lo lắng. Cháu đang có nguyện vọng thi một trường đại học với điểm chuẩn khá cao. Biết con có nhiều băn khoăn trước lựa chọn con đường tương lai, tôi thường xuyên gọi điện nói chuyện, cổ vũ con cố gắng kiên định với ước mơ của mình. Tôi cũng nhắc nhở con ăn uống đầy đủ, gửi thêm sữa và thức ăn nhiều chất vào cho con; đảm bảo nguồn dưỡng chất cần thiết cho việc học tập, ghi nhớ và tránh để con rơi vào tình trạng ăn uống thất thường làm cơ thể suy nhược trước kỳ thi quan trọng. Đến ngày thi, tôi và ba cháu sẽ vào TP. Đông Hà và theo sát động viên con”.

Với đa phần sĩ tử, thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng đầu tiên để bước vào những trường đại học mình mong muốn. Nhưng với một số em, đây là kỳ thi cuối của quãng đường học tập, bởi sau đó các em sẽ phải ra đời lao động, kiếm việc làm để trang trải cuộc sống. Cho dù hoàn cảnh thế nào, hy vọng rằng tất cả các em vẫn sẽ hoàn thành tốt bài thi, đạt được ước mơ và vững tin trước ngã rẽ cuộc đời với tương lai còn thênh thang phía trước…

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/noi-niem-si-tu-mua-thi/177926.htm