Nỗi niềm tân sinh viên xa nhà: Trầm cảm nhẹ, áp lực vì nhiều mối lo
Lần đầu sống xa gia đình, không ít tân sinh viên ở nơi khác đến TP. HCM học tập đã phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, nếp sống, mối quan hệ hoàn toàn mới. Điều này dễ dẫn đến căn bệnh trầm cảm thường thấy ở người trẻ.
“Áp lực chi tiêu, nhiều lúc nhớ nhà đến phát khóc”
Là sinh viên năm 2 của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (19 tuổi) vẫn chưa quên được những cảm xúc khó tả trong khoảng thời gian khi còn là tân sinh viên.
Bài liên quan
Một nữ sinh cấp 3 ở TP. HCM nhảy lầu tự tử trong giờ ra chơi
Một học sinh tử vong trong giờ nghỉ trưa tại trường ở TP. HCM
Hoàn thành việc chọn sách, đăng ký sách lớp 3, 7,10 trước ngày 15/8
Nhiều trường đại học đón sinh viên đi học trở lại vào hôm nay
Theo lời kể của Quỳnh, thời gian đầu nhập học, Quỳnh luôn cảm thấy khó khăn về tài chính và việc làm quen với những mối quan hệ, nếp sống tại TP. HCM.
“Vì là dân tỉnh nên khi vừa lên tới thành phố, tôi đã phải lật đật chạy đi kiếm chỗ thuê trọ. Cuộc sống lúc đầu cũng khá vất vả. Lúc đó lạ chỗ, ăn uống không quen, bản thân thấy nhớ nhà lắm vì vẫn chưa thích nghi được với cuộc sống ở đây. Có nhiều hôm đi học ngoại ngữ đến 10 giờ tối mới về, một mình chạy xe dưới mưa, ăn tối một mình khiến tôi không kìm được nước mắt”, Quỳnh kể.
Khi đã quen dần với cuộc sống ở môi trường mới, Quỳnh vẫn chưa thôi nghĩ ngợi về thứ gọi là áp lực đồng trang lứa và định hướng tương lai. Nữ sinh cho biết, có nhiều thời điểm khiến cô thấy quá tải và muốn từ bỏ tất cả.
“Có một khoảng thời gian do suy nghĩ nhiều nên sinh ra cảm giác tiêu cực, cộng thêm việc nghỉ dịch dẫn tới tình trạng đau đầu thường xuyên. Tôi đã đến gặp bác sĩ để khám và được chẩn đoán là bị trầm cảm nhẹ, bệnh này không biết có thể chữa hết không nhưng tôi hi vọng nó sẽ không chuyển biến xấu”, Quỳnh chia sẻ.
Bỏ phố về quê là suy nghĩ chung của không ít tân sinh viên khi vừa nhập học.
Đồng cảm với suy nghĩ của Như Quỳnh, Huỳnh Thị Kim Liên (20 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng bách khoa Sài Gòn) cho biết, khoảng thời gian đầu nhập học, Liên cảm thấy rất áp lực vì ngày nào cũng luôn cảm thấy bế tắc, nhớ nhà. Những áp lực mà nữ sinh gặp phải chính là vấn đề về tài chính, môi trường sống mới gặp nhiều vấn đề không ổn thỏa. Đặc biệt là trong học tập, thời gian đầu Liên không thể tiếp thu được kiến thức ở trường khiến cô gái chỉ muốn bỏ hết tất cả để về nhà với mẹ.
Trải qua 4 năm đại học tại trường Đại học Văn Lang, Nguyễn Dương Trác Tuyền (22 tuổi, sinh viên khoa Du lịch) cũng chia sẻ rằng, hầu hết sinh viên sống xa nhà lần đầu đều có thể trải qua cảm giác buồn bã.
“Đối với tôi việc sống xa gia đình là một điều khá tệ và khó để bản thân hòa nhập được với cuộc sống mới. Tân sinh viên mới nhập học đã phải nghĩ tới việc làm sao để tìm chỗ ở, thu chi tháng này ra sao, xin việc làm thêm ở đâu, giải quyết việc học trên trường thế nào,… tất cả những thứ đó dồn vào một lúc. May mắn là bản thân tôi đã có thể vượt quá. Khi áp lực thì tôi thường chọn cách nghe nhạc, đi dạo thành phố hoặc gọi điện cho bạn bè. Tuy nhiên đối với những bạn gặp khó khăn về tài chính, không có nhiều bạn bè, người thân thì việc thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực sẽ là bài toán khó”, Tuyền nói.
Dù không phải là sinh viên ở tỉnh, thành khác đến TP. HCM học tập, Viên Anh Vy (22 tuổi, sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP. HCM) vẫn trải qua nhiều áp lực trong khoảng thời gian học đại học. Theo Anh Vy, dù ở thành phố nhưng trước giờ cô chỉ quanh quẩn ở nhà với ba mẹ. Thời gian học đại học là những thứ hoàn toàn mới, khiến cho nữ sinh đôi phần sợ hãi rằng không thể theo kịp các bạn.
“Do không biết lái xe nên tôi thường đi xe buýt đến trường. Bắt gặp nhiều cảnh móc túi, biến thái trên xe cũng khiến tôi hoảng sợ. Môi trường đại học được tiếp xúc với nhiều bạn có năng lực giỏi nên tôi sinh ra cảm giác tự ti khá nhiều. May mắn là có gia đình ở bên cạnh an ủi nên cũng đỡ phần nào”, Vy kể.
Thoát khỏi cảm xúc tiêu cực vây lấy sinh viên, chuyên gia khuyên gì?
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, Bác sĩ Nguyễn Thụy Minh Thư (Giảng viên trường Đại học Y dược TP. HCM) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm mà sinh viên có thể gặp phải.
Theo đó, sinh viên có thể bị trầm cảm vì những bệnh lí thực thể. Cụ thể, ví dụ như một sinh viên đang mắc bệnh nặng, sẽ mang xu hướng buồn bã kéo dài. Bên cạnh đó, căng thẳng đến từ môi trường xã hội cũng là một nguyên nhân phổ biến. Đó có thể là việc phải đối mặt với những khó khăn về học tập, thời gian nghỉ dịch quá dài, áp lực về tài chính,…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở sinh viên.
Nguyên nhân thứ ba có thể đến từ yếu tố gia đình, cần phải xem xét rằng sinh viên đó có vừa trải qua nỗi đau mất người thân hoặc có ai trong gia đình có tiền sử bị bệnh trầm cảm, nghiện rượu không,… Những điều này cũng có thể tác động khá lớn trong suy nghĩ của sinh viên.
Ngoài ra, những thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc, thức đêm,… cũng có thể dễ dẫn đến bệnh trầm cảm.
“Một nguyên nhân đặc biệt khác mà tôi nghĩ sinh viên đến TP. HCM học thường gặp phải, chính là ‘sốc văn hóa’. Không chỉ riêng sinh viên ở Việt Nam mà khi các bạn đi du học cũng găp tình trạng này. Sự thay đổi về cách sinh hoạt, không có gia đình bên cạnh, giá cả ở thành phố lại cao khiến cho tân sinh viên không biết phải tin ai, không biết cách làm sao để xoay sở. Môi trường đại học lại xa lạ, sự gắn kết giữa thầy cô và sinh viên cũng ít hơn so với cấp phổ thông”, Bác sĩ Thư nói.
Để giúp sinh viên không rơi vào trầm cảm, cần khắc phục các yếu tố mang tính khách quan và chú quan. Về mặt khách quan, những người xung quanh, đặc biệt là gia đình và bạn bè cần quan sát, lắng nghe và giúp đỡ khi sinh viên có dấu hiệu trầm cảm.
“Nếu sinh viên không tìm được sự giúp đỡ trong giai đoạn khó khăn, có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm thì có thể dẫn đến tình huống xấu nhất là sẽ chọn tự sát. Nếu là người thân thì có thể quan sát xem, nếu các em có dấu hiệu như mất ngủ, không quan tâm mọi thứ, tỏ ra chán chường hay tệ nhất là nói thẳng về cái chết thì nên trò chuyện để tìm ra hướng giải quyết”, Bác sĩ Minh Thư chia sẻ.
Bên cạnh đó, vai trò của đoàn – hội sinh viên ở trường cũng rất quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của các em.
Về yếu tố chủ quan, sinh viên và đặc biệt là tân sinh viên cần trang bị kiến thức, kỹ năng khi đến một nơi khác học tập, sinh sống. Sinh viên cần chuẩn bị trước về mặt tài chính và các mối quan hệ bạn bè từ các hội đồng hương, hội sinh viên,… để không trở nên cô đơn khi đặt chân tới một môi trường mới.
“Các bạn có thể hỏi thăm những anh chị đi trước về giá cả, cách sinh hoạt ở thành phố để tránh việc bị sốc. Trong quá trình giảng dạy ở trường đại học, tôi nhận thấy nhiều sinh viên cũng áp lực chuyện tự tìm nhà trọ. Các bạn có thể liên hệ đến người thân, bạn bè, các tổ chức hỗ trợ sinh viên ở trường hoặc thành phố để nhờ tìm giúp chứ không nhất thiết phải tự làm. Mọi thứ cần được các em lên kế hoạch từ trước thì mới có thể dễ tránh được những cảm xúc tiêu cực”, Bác sĩ nói.