Nỗi niềm tờ giấy khen

Nhà báo Ngọc Tú - BPTV

Nỗi niềm tờ giấy khen

06:30 AM - 12/07/2020

BPO - Hiện tượng đa số học sinh bậc mầm non và tiểu học đạt thành tích khá, giỏi được khen thưởng nhiều như hiện nay, có lẽ cũng cần phải xem lại.

Ở thời “bao cấp”, không biết có phải do đất nước còn khó khăn, học sinh chưa được đầu tư để học tốt hơn, hay vì ngành giáo dục quá khắt khe mà mỗi lớp chỉ khoảng 5-10% học sinh khá, giỏi. Vì lẽ đó, khiến ai nhận được phần thưởng trong buổi bế giảng năm học toàn trường cũng có quyền “kênh kênh” trước sự xuýt xoa, ngưỡng mộ của bạn bè.

Còn bây giờ thì, không có giấy khen mới là chuyện hiếm?!

Mấy ngày qua, từ một thông tin trên báo, nhìn tấm ảnh cả lớp cầm giấy khen hớn hở giơ cao, chỉ duy nhất một cậu bé dáng nhỏ thó ngồi đầu bàn buồn thiu khiến tôi thật sự ám ảnh. Em ngồi đó, đáng thương và lạc lõng. Tôi chạnh lòng suy nghĩ, không lẽ cả lớp chỉ một bé trai đó học lực trung bình?! Biết nên vui hay buồn khi mà nhiều lớp ở nhiều trường trong cả nước có đến hơn 90% học sinh được khen thưởng.

Lâu nay, việc thổi phồng thành tích, phô trương đã trở thành “căn bệnh” của người lớn, xuất hiện ở hầu hết các ngành, cáclĩnh vực trong đời sống xã hội. Ở nhiều cơ quan, đơn vị, lãnh đạo hoặc quản lý phòng tìm cách “vơ” thành tích về mình không còn là chuyện hiếm gặp…

Tờ giấy khen dành cho học sinh có lẽ cũng do người lớn thao túng, chứ những đứa trẻ lớp một, lớp hai biết gì đến “bệnh thành tích” mà đòi hỏi?

Cậu bé lạc lõng giữa "một rừng" giấy khen

Giữa “tâm bão” của dư luận, PGS.TS. Nguyễn Hữu Hợp, giảng viên cao cấp khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã viết bức tâm thư (trên báo Tổ Quốc online) gửi em học sinh “khác biệt” đó. Thầy cho biết đã thực sự bị sốc khi thấy hình ảnh này. Và tôi cũng sững sờ như thầy vậy.

Tôi thích cách thầy động viên bé trai đó: Thầy mong em đừng buồn vì không được giấy khen. Đối với thầy, tờ giấy khen không có nhiều ý nghĩa, chưa nói lên điều gì lớn lao. Những bạn được giấy khen không hẳn thông minh hơn em. Cuộc sống cho thấy, những người được nhiều giấy khen hồi học phổ thông chưa bảo đảm trong tương lai sẽ thành công hơn những người không được giấy khen. Bằng chứng: “Hồi đi học, thầy cũng ít khi được giấy khen”.

Việc tặng giấy khen cho học sinh vào dịp cuối năm học là nhằm ghi nhận thành tích của các em. Nhưng khen kiểu này thì không còn tác dụng ghi nhận thành tích hôm nay, cũng như động viên, khích lệ các em trong mai sau.

Mục đích tốt đẹp của tờ giấy khen cũng không còn. Đó là chưa kể, nhiều em ngộ nhận về khả năng, sức học của bản thân rồi từ đó lơ là, chủ quan, chểnh mảng trong học tập. Cách đánh giá, xếp loại học sinh theo lối “cào bằng” cũng đang làm triệt tiêu động lực thi đua giữa các học sinh. Cách trao giấy khen “quá dễ dàng” còn làm mất đi sự trân quý trong sự nghiệp trồng người.

“Lạm phát” giấy khen ở bậc học mầm non và tiểu học nếu không được chấn chỉnh nghiêm túc thì hệ lụy cũng rất khó lường.

Ngọc Tú

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/noi-niem-to-giay-khen-481322