Nỗi niềm văn nghệ sĩ với người 'nằm xuống' trong dịch COVID-19

Dịch COVID-19 lần thứ 4 đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.000 người dân ở nước ta, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ được công chúng yêu mến.

Nghệ sĩ đã mất do COVID-19 sẽ còn ở lại trong trái tim đồng nghiệp, công chúng

Thật đau lòng khi phải kể ra những nghệ sĩ là nạn nhân của COVID-19 đã an giấc ngàn thu. Đó là các văn nghệ sĩ: Kim Phượng, Bạch Mai, Đình Hùng, Khải Hoàn, Trung Thành Sago, Y Jang Tuyn, Phi Nhung, Phương Quế Như, Tấn Lực, Phi Hải, Lâm Bửu Sang, Nguyễn Quốc Trung, Lê Văn Tĩnh, Thanh Châu, Hứa Kiệt Luân, Tường Lê, Lê Trí Tưởng...

Những nghệ sĩ, công chúng ở lại hôm nay luôn dành những tình cảm đối với những đồng nghiệp đã nằm xuống do đại dịch toàn cầu. Trong tâm tưởng, trái tim của người ở lại luôn hiện hữu hình ảnh những đồng nghiệp đã khuất.

Sự ra đi của nghệ sĩ Kim Phượng trong gia đình tuồng cổ Huỳnh Long đã để lại nỗi buồn sâu thẳm với nghệ thuật cải lương truyền thống. NSƯT Ngọc Huyền chia sẻ, nghệ sĩ Kim Phượng không chỉ diễn các vai phụ khi sân khấu, mà còn là người chăm lo cho suất hát đạt hiệu quả về mọi mặt. Sau này nghệ sĩ Bình Tinh đứng ra tái dựng lại thương hiệu Huỳnh Long, nghệ sĩ Kim Phượng là người yểm trợ hết lòng cho cháu gái. "Tinh thần lao động nghệ thuật của bà là một tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo" - NSƯT Ngọc Huyền trải lòng.

Nghệ sĩ Kim Phượng đã qua đời trong đợt COVID-19 lần thứ 4 ở nước ta.

Trong làng nhạc, ca sĩ Phi Nhung, Y Jang Tuyn trở thành nạn nhân của COVID-19 đã khiến nhiều người trong giới và công chúng xót xa, bàng hoàng. Với nhiều người, Y Jang Tuyn là một giọng ca tài năng, sống gần gũi, hiền lành. Nhạc sĩ Kim Lệ hay tin Y Jang Tuyn qua đời do COVID-19 đã khóc cạn nước mắt. "Thương nhớ em người ca sĩ đồng nghiệp hiền lành chân chất như núi rừng Gia Lai yêu dấu của em". Nghệ sĩ Xuân Hương cũng "thương một chàng trai rất khôi ngô tuấn tú, tính tình hiển hậu dễ thương".

Ca sĩ Phi Nhung sau hơn một tháng điều trị COVID-19, trước khi qua đời đã có 2 lần âm tính với SARS-CoV-2. Trong lễ cúng chung thất 49 ngày cho giọng ca Bông điên điển gần đây tại chùa Pháp Vân (Bình Tân, TPHCM), nhiều văn nghệ sĩ đã góp mặt. Nghệ sĩ Thanh Hằng cầu nguyện Phi Nhung ra đi thanh thản, về với cõi Phật và hát một đoạn vọng cổ tưởng nhớ cố ca sĩ. Ca sĩ Phương Mỹ Chi thể hiện Liên hoa (Lý Ngọc Cương), ca sĩ Vy Oanh hát Còn tuổi nào cho em (Trịnh Công Sơn) mong Phi Nhung an yên nơi miền xa thẳm.

Nhiều văn nghệ sĩ đến dự lễ cúng chung thất 49 ngày cho ca sĩ Phi Nhung gần đây tại TP.HCM.

Đạo diễn trẻ Nguyễn Tấn Lực qua đời ở tuổi 33 do mắc COVID-19 cũng khiến nhiều người trong giới bàng hoàng, tiếc thương. Thể hiện tinh thần lạc quan, không chùn bước trước khi nằm xuống, Nguyễn Tấn Lực càng khiến nhiều người thương yêu. Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu - tác giả của tiểu thuyết Bão ngầm được chuyển thể thành phim với sự góp mặt của Tấn Lực tiếc thương chàng trai Nam bộ vào vai Phong rất nhuyễn. "Bình yên trong cuộc viễn du mới em nhé", nhà văn Đào Trung Hiếu chia sẻ.

Rất nhiều sự tiếc thương tương tự của người trong giới, công chúng dành cho các nghệ sĩ đã qua đời trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 ở nước ta vừa qua. Đó là một nỗi buồn mênh mông và khó khỏa lấp. Có thể nói dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những đau thương mất mát cho nhân loại nói chung, Việt Nam nói riêng và đại dịch chẳng chừa một ai.

Chúng ta cần phải sống khác đi hơn nữa để những bi thương vơi đi

"Có biết bao người ra đi mà không có những người thân yêu bên cạnh. Nhiều người ra đi lặng lẽ và cô độc trong ban mai, trong đêm tối. Chỉ như vậy đã làm trái tim chúng ta đau đớn đến nhường nào", nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ trước thềm lễ tưởng niệm những người đã mất vì đại dịch COVID-19 tại Việt Nam vào tối 19/11/2021.

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do COVID-19 diễn ra vào tối 19/11/2021 trên cả nước.

Những lời nguyện cầu, tưởng nhớ các nạn nhân COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn ra, nghệ sĩ Việt cũng đã có những việc làm thiết thực. Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng vừa có ca khúc Tiếng chuông ngân trong gió thay lời tiễn biệt những người đã nằm xuống bởi đại dịch toàn cầu: Xin dâng đây nén tâm hương/ Cho âm dương giao hòa/ Lời chưa nói, xin nhắn gửi/ Người còn sống, sống thay người nằm lại…

Ca khúc Tiếng chuông ngân trong gió chính là câu chuyện giữa người ở lại và người ra đi nhưng không bi lụy mà vẫn sáng lên niềm tin về cuộc sống tương lai tốt đẹp qua những câu hát: Nhường cơm, sẻ áo/ Chở che nhau người Việt Nam/ Những tâm hồn bé thơ ở lại/ Sẽ vươn chồi dưới nắng ban mai.

Nhạc sĩ – thầy giáo 8X Thái Dương cách đây không lâu cũng đem đến bản nhạc Bài ca tôi viết lần này như lời tưởng niệm các nạn nhân của COVID-19, cũng là lời an ủi, động viên người thân họ: Bài ca tôi viết lần này/ Cho những ai không bao giờ được thấy/ Bài ca tôi viết lần này/ Dành cho ai chẳng kịp lời chia ly lần cuối/ Bài ca tôi viết lần này/ Cho những ai hôm nay thành mồ côi. Ca khúc của Thái Dương gợi cảm giác vấn vương, thương nhớ.

Cảm xúc của nhà văn Hoài Hương thật mênh mang trong tản văn Sài Gòn, em thương anh:

"... Khi đọc mấy dòng chữ của một nhà văn nữ Sài Gòn: "Chúng mình còn phải sống phần đời của hơn 23.000 người ra đi trong đại dịch này, để biết phải sống làm sao cho phải đạo, để trân trọng cuộc sống an bình, trân trọng thiên nhiên, môi trường sống của mình". Có một niềm xúc động nghẹn ngào muốn trào nước mắt. Bùi ngùi, nghẹn thắt, 123 ngày - 4 tháng, COVID-19 không chỉ lấy đi của cải vật chất mà còn đã lấy đi biết bao nhiêu niềm hạnh phúc gia đình đầy đủ trọn vẹn của thành phố.

Sài Gòn mưa , mưa như những giọt nước mắt trong vắt, để trôi qua những xót xa, những nỗi buồn thống thiết tâm can, những nỗi đau vò xé mọi suy nghĩ, đau đến tê cứng đến buốt lạnh với gần 18.000 nỗi buồn sinh ly tử biệt khó mà nguôi ngoai, khó mà có thể quen với những khoảng trống vắng trong cuộc đời.

Hơn 300 năm nay có mùa mưa nào giăng mắc buồn thênh không ngày không đêm như năm nay?

Có mùa mưa nào nghẹn lòng thân phận người trong mưa mùa năm nay?

Có mùa mưa nào mà đắng đót thê thiết cõi người nhỏ bé giữa mưa mùa năm nay?

4 tháng trời, Sài Gòn không một cuộc hẹn hò tình nhân, không có cảnh "chiều chiều ta lại cầm tay nhau về", dù cây lá vẫn xanh mướt thả gió dài hè phố, hoa vẫn khoe sắc tỏa hương dọc các con đường.

4 tháng trời, café phố cũng như lạc mất phương nào không dấu tích như đã từng nơi đây nhộn nhịp hối hả mỗi sáng, như đã từng nơi này trễ nải đến tận trưa, như đã từng góc kia mê hoặc từ hoàng hôn đến tận nửa khuya…

Tất cả cứ như trong cổ tích thành phố bị một pháp thuật làm cho mọi thứ dường như biến mất trống rỗng đến thinh lặng buồn bã.

Trái tim nhà văn luôn nhạy cảm, chỉ cần một chút gì gieo vào cảm xúc là đã rung lên những nhịp đập khác thường. Mà đây là những xao xác chênh vênh, những âu lo thảng thốt, những trầm luân khổ ải trần ai, những sinh ly tử biệt không báo trước, những lạnh lẽo đông cứng đến nghiệt ngã…, có khi sống cả mấy kiếp người cũng chưa chắc một lần có thể trải nghiệm..."

Xem thêm video cùng chủ đề được quan tâm:

Hoa Quỳnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//noi-niem-van-nghe-si-voi-nguoi-nam-xuong-trong-dich-covid-19-169211119180024125.htm