Nơi nương tựa của những thương, bệnh binh nặng

Với nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho thương binh, bệnh binh nặng, người có công, thân nhân người có công với cách mạng, Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa đã trở thành nơi xoa dịu những nỗi đau sau chiến tranh.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng vết thương nó để lại vẫn khiến mỗi chúng ta không khỏi xót xa khi nghĩ về những người chiến sĩ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để bảo vệ Tổ quốc. Hòa bình lập lại, có người trở về đoàn tụ với gia đình thân yêu, nhưng có người trở về sống trong nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, không một người thân thích.

Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa là đơn vị tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và thực hiện chế độ, chính sách cho thương binh, bệnh binh nặng, người bị nhiễm chất độc da cam... Suốt hành trình dài hơn 40 năm, Trung tâm đã nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa trị cho nhiều đối tượng, trở thành ngôi nhà chung ấm áp nghĩa tình.

Cuộc sống bình dị của thương binh Nguyễn Trọng Bái tại Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa

Cuộc sống bình dị của thương binh Nguyễn Trọng Bái tại Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa

Thương binh Nguyễn Trọng Bái (SN 1937, quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) với tỷ lệ thương tật 100%, là người đã gắn bó với Trung tâm hơn 40 năm. Ông Bái nhập ngũ năm 1965, trong trận chiến ở Khe Sanh năm 1968, ông bị thương nặng, được đơn vị vận chuyển ra Bệnh xá Quân khu 4 và Bệnh viện Quân y 108 chữa trị. Đến năm 1984, thương binh Bái trở về Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa.

“Dù không phải máu mủ, nhưng với sự chăm sóc tận tình của đội ngũ cán bộ nơi đây, tôi như được sống lại trong thời trai trẻ. Cái thời mà xem nhẹ cái chết tựa lông hồng, sống đúng bản chất của người chiến sĩ cách mạng”, thương binh Bái chia sẻ.

Còn thương binh Trần Thị Mai, vào Trung tâm điều trị từ năm 1984 trong tình trạng bị thương nặng, không chồng, con. Bà Mai bị huyết áp cao, rối loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não, liệt 1/2 người dưới. Mọi ăn uống, sinh hoạt đều nhờ hết vào y tá, điều dưỡng. Nên bà Mai luôn coi Trung tâm là nhà, các y, bác sĩ, điều dưỡng là người thân của mình.

Ngôi nhà chung này không chỉ là nơi nương tựa của những người lính đã để lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường, đây còn là nơi vun đắp xây nên những hạnh phúc sau chiến tranh. Thương binh Bùi Văn Tuyển (SN 1964, tại xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã viết đơn xin nhập ngũ, chiến đấu giúp nước bạn Campuchia giành độc lập. Năm 1985, trong một lần trinh sát để nắm tình hình, ông đã bị thương nặng.

Thương binh Bùi Văn Tuyển xem Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa như ngôi nhà thân thiết của mình

Thương binh Bùi Văn Tuyển xem Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa như ngôi nhà thân thiết của mình

Năm 1987, ông trở về quê hương với tỷ lệ thương tật trên 81%. Gia đình chỉ có 3 chị em gái, khó bề chăm nom cho ông lúc ốm đau, nên ông Tuyển đã lựa chọn Trung tâm làm bến đỗ trong quãng đời còn lại của đời mình.

Tại đây, ông đã gặp điều dưỡng viên Lê Thị Ninh, một người con gái có trái tim nhận hậu. Như một mối lương duyên, ông Tuyển và bà Ninh đã nguyện trọn đời bên nhau, dưới dự chứng kiến của cán bộ Trung tâm và các thương, bệnh binh đang điều trị tại đây.

Thương binh Bùi Văn Tuyển chia sẻ: “Khi vào đây điều trị, tôi mới 24 tuổi, khi đấy, bà Ninh thường phụ trách chăm sóc đặc biệt cho tôi. Trước sự tận tình, chu đáo nữ điều dưỡng tôi đã rung động, nhưng vì mặc cảm nên tôi không dám thổ lộ. Và thật hạnh phúc, như hiểu được suy nghĩ của tôi, bà ấy đã chủ động ngỏ lời”.

Ông bà sống hạnh phúc bên nhau với 2 người con. Con trai đầu nối nghiệp cha hiện đang công tác trong quân đội, con gái út theo nghề mẹ, tiếp tục chăm sóc cho những bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm.

Ông Nguyễn Viết Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc người có công Thanh Hóa, cho biết: Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 225 người, có rất nhiều thương bệnh binh có tỷ lệ thương tật nặng, những lúc trở trời, các bác lại đau ốm. Để tiện chăm sóc, đơn vị đã tổ chức kíp trực 24/24 để kịp thời chăm lo cho các bác một cách tốt nhất.

Các y, bác sỹ Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công luôn tận tâm chăm sóc các thương binh

Các y, bác sỹ Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công luôn tận tâm chăm sóc các thương binh

Các thương, bệnh binh ở đây có nhiều bệnh tật khác nhau, nên chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phải chia theo nhóm, từ chế độ ăn uống, sinh hoạt… Khối lượng công việc nhiều, nhưng với tinh thần, trách nhiệm cao và lòng nhân ái, coi đối tượng người có công như người thân của mình, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên ở Trung tâm luôn chăm sóc tận tình, chu đáo.

Việc phục vụ ăn uống cho các thương, bệnh binh, người có công luôn được bảo đảm về định lượng và chất lượng trong từng bữa ăn. Nhà bếp thường xuyên cải tiến, chế biến món ăn phù hợp với thương tật, bệnh lý, tâm lý, độ tuổi của từng đối tượng, luôn chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Không chỉ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các thương, bệnh binh, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công còn là nơi “khơi nguồn” cảm hứng cho những người lính năm xưa phát huy sở trường của bản thân về thi ca, hội họa. Đặc biệt, nơi đây còn là trường học lớn, giáo dục cho giới trẻ về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu của mình cho nền độc lập dân tộc.

Thành Phan

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/noi-nuong-tua-cua-nhung-thuong-benh-binh-nang-441686.html