Nới rộng 'chiếc áo' cho TP.HCM

Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM tháo gỡ những vướng mắc, tạo những động lực thúc đẩy đầu tàu kinh tế của cả nước phát triển.

Sự bất cập trong mô hình quản lý đô thị lớn, thuộc diện đặc biệt như TP.HCM đã được nêu ra từ thập niên 2000. Thậm chí, tiến sĩ Trần Du Lịch từng nhận xét "thành phố đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh".

Từ đó, việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị được TP.HCM đặt ra, đề án hoàn thành, nghị quyết đã ban hành. Tuy nhiên, đến nay TP.HCM mới chỉ triển khai nội dung không tổ chức HĐND cấp quận, phường.

Năm 2017 Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế đặc thù nhằm tạo động lực để TP.HCM phát triển. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, TP.HCM vẫn chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi làm thế nào để TPHCM trở thành điểm đến thu hút các doanh nghiệp toàn cầu, các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Đây vừa là cơ hội cũng chính là thách thức đối với thành phố hơn 13 triệu dân.

Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM phát triển, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước (Ảnh Lê Giang)

Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM phát triển, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước (Ảnh Lê Giang)

Do đó, trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54) sẽ được thảo luận.

Mục tiêu của nghị quyết nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Sau khi Quốc hội thông qua, nghị quyết sẽ được thực hiện trong 5 năm.

4 nhóm cơ chế, chính sách mới

Ngày 26/5, Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Dự thảo nghị quyết mới lần này có 43 nội dung với 4 nhóm cơ chế, chính sách.

Nhóm 1: là các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54 bao gồm các cơ chế, chính sách kế thừa toàn bộ và các cơ chế, chính sách sửa đổi, bổ sung như: HĐND TP.HCM quyết định dự toán ngân sách; quyết định phí, lệ phí mới; tăng mức dư nợ vay,…

Nhóm 2: là các cơ chế, chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác như: HĐND TP.HCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; UBND TP.HCM thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị;…

Nhóm 3: là các cơ chế, chính sách có trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới như: UBND TP.HCM được ban hành và áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất trong một số trường hợp;

TP.HCM thực hiện thủ tục về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, tạo quỹ đất mới, không gian phát triển mới cho thành phố.

Các cơ chế chính sách này nhằm khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm việc định giá đất công khai, đẩy nhanh quá trình xác định, phê duyệt giá đất cụ thể; hạn chế khiếu nại liên quan đến đất đai.

Khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm người thu hồi đất có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Việc thông qua các cơ chế chính sách mới này sẽ tạo cơ sở thực tế để đánh giá về hiệu quả chính sách mới trong khi các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở,… vẫn đang tiếp tục được soạn thảo và trình thông qua áp dụng chung cho cả nước trong thời gian tới.

Nhóm 4: là các cơ chế, chính sách mới, chưa được quy định tại Nghị quyết 54, chưa có trong Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác và chưa có trong các dự thảo Luật sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới nhưng rất cần thiết tạo điều kiện TP.HCM phát triển đột phá trong thời gian tới.

Cụ thể là mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư Công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT;

Cơ chế phát huy hiệu quả vai trò của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC); cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.

Đặc biệt, Nghị quyết 54 tập trung các cơ chế chính sách tạo nguồn thu, tuy nhiên với Nghị quyết mới sẽ tập trung nhiều hơn cho các cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cũng như ưu đãi nhà đầu tư chiến lược.

Khắc phục hạn chế của Nghị quyết 54

Về sự cần thiết phải có Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, ông Phan Văn Mãi chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội TP.HCM tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước.

Cụ thể, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung Nghị quyết số 54 còn chậm so với kế hoạch, Còn những điểm hạn chế nên việc áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan như: do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.

Bao giờ 'Kỳ tích sông Sài Gòn'?

Trong thời gian 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54, TP.HCM dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị. Bốn năm còn lại để triển khai thì có 2 năm chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết.

Với đặc thù của TP.HCM, khuôn khổ pháp luật hiện tại có những lĩnh vực, những mảng chưa thể bao quát, chi phối được hết thực tiễn đang đặt ra đòi hỏi phải có một khung pháp lý phù hợp để vừa tháo gỡ những vướng mắc, vừa tạo ra những không gian mới để phát triển.

Vì vậy, việc ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết số 54 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội đề ra là cần thiết.

Tạo cơ chế vượt trội cho TP.HCM

Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM

Cụ thể, TP.HCM sẽ được dùng tiền tăng thu để đầu tư phát triển, sử dụng ngân sách địa phương làm dự án giao thông, điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích quốc gia, cộng đồng, có cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược...

Đơn cử với việc xây dựng và phát triển nhà ở, ông Trần Hoàng Quân, giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 lần này có 4 chính sách liên quan đến phát triển nhà ở xã hội. Đây là những nội dung giúp đẩy nhanh quy trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM trong thời gian tới.

Về công tác quy hoạch chi tiết, đối với nhà ở xã hội nhiệm vụ quy hoạch chi tiết sẽ được làm đồng thời. Do đó sẽ rút ngắn thời gian để thực hiện đó là cho phép được làm đồng thời đồ án quy hoạch chi tiết cũng như lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan.

Theo ông Quân, đây là một trong những thủ tục được rút ngắn để thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Nghị quyết mới còn cho phép TP.HCM phê duyệt quy hoạch cũng như bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm quy dự án nhà thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch bố trí quỹ nhà ở xã hội ở một vị trí khác.

Điều này có nghĩa là trong phạm quy dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư có thể đề xuất để bố trí một quỹ đất khác theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là một điểm tháo gỡ trong đề xuất của thành phố cho nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

Nghị quyết mới cũng làm rõ hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở xã hội. Cho phép các dự án có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp được tiến hành các thủ tục để xây dựng nhà ở xã hội.

Hứa Phương

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/noi-rong-chiec-ao-cho-tphcm-1685163207460.htm