Nới room ngoại để chứng khoán Việt tiến sát hơn với chuẩn mực quốc tế
Nới room ngoại là việc làm cần thiết, không chỉ giúp gỡ nút thắt trong quá trình nâng hạng thị trường mà còn giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiến sát hơn đến các chuẩn mực của quốc tế, từ đó thu hút thêm dòng vốn ngoại đổ vào thị trường.
Đây là đánh giá của ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về các dự thảo quy định mới về sở hữu nước ngoài (room ngoại).
* PV: Thưa ông, Dự thảo Nghị định quy định chi thiết một số điều Luật Chứng khoán sửa đổi đã có những quy định rất mới về room ngoại. Ông đánh giá thế nào về những đổi mới này?
- Ông Đinh Quang Hinh: Chúng tôi cho rằng, Luật Chứng khoán sửa đổi cũng như các văn bản hướng dẫn Luật sau khi chính thức có hiệu lực sẽ góp phần giải quyết nút thắt về vấn đề room ngoại trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Cụ thể, luật hiện hành quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) của công ty đại chúng tham gia các ngành kinh doanh không có điều kiện ở mức 49%, nhưng tỷ lệ này có thể được nới lỏng lên mức 100% sau khi được đại hội cổ đông thông qua và trình lên cơ quan quản lý phê duyệt. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có gần 40 công ty niêm yết đã nâng FOL lên 100% do thủ tục thực hiện còn phức tạp.
Dự thảo quy định mới đã giải quyết nút thắt này bằng cách tự động áp dụng FOL 100% cho các công ty đại chúng, trừ khi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật chuyên ngành có các quy định cụ thể thấp hơn. Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn có giới hạn chặt chẽ hơn, ví dụ: ngành ngân hàng có FOL ở mức 30%.
Bên cạnh đó Luật Chứng khoán mới cũng mở rộng định nghĩa về chứng khoán. Theo đó, định nghĩa về chứng khoán bao gồm thêm chứng chỉ lưu ký (DR) và các quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) sẽ được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp. Đây là tin tốt cho các doanh nghiệp chưa được nới room ngoại do hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn sở hữu đối với NVDR tại các doanh nghiệp đó. Điều này sẽ thu hút thêm vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam.
PV: Nới room ngoại là một “nút thắt” rất lớn cần được gỡ để thúc đẩy tiến trình nâng hạng TTCK lên thị trường mới nổi. Theo ông, những điểm mới trong quy định pháp lý đang được cơ quan quản lý xây dựng sẽ tác động thế nào tới tiến trình này của TTCK Việt Nam?
- Ông Đinh Quang Hinh: Chúng tôi kỳ vọng những thay đổi này sẽ giúp gỡ nút thắt về room ngoại trong quá trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Cụ thể, trong kịch bản lạc quan, nếu các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi kịp có hiệu lực trong nửa đầu năm 2021, cùng với việc hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới, chúng tôi cho rằng, Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên TTCK mới nổi của MSCI trong kỳ đánh giá thị trường thường niên vào tháng 5/2021. Sau đó, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá lại thị trường thường niên của MSCI vào tháng 5/2022, và việc nâng hạng sẽ chính thức có hiệu lực một năm sau đó vào tháng 6/2023.
Đối với FTSE, chúng tôi kỳ vọng TTCK Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong kỳ đánh giá thị trường vào tháng 9/2021.
* PV: Thời gian gần đây, một số ý kiến bày tỏ lo ngại về việc nới room ngoại sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp nội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Ông Đinh Quang Hinh: Tôi cho rằng, nới room ngoại là việc làm cần thiết, không chỉ giúp gỡ nút thắt trong quá trình nâng hạng thị trường mà còn giúp thị trường Việt Nam tiến sát hơn đến các chuẩn mực của quốc tế, từ đó thu hút thêm dòng vốn ngoại đổ vào thị trường.
Tất nhiên, trong quá trình nới room ngoại, chúng ta cần xem xét đến tác động đối với các ngành nhạy cảm, có ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia, an toàn tài chính và an sinh xã hội để có những điều chỉnh cho phù hợp. Những ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể không được mở ngay lập tức mà cần có lộ trình dần dần, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Theo tôi cách làm của chúng ta hiện nay là tương đối phù hợp và sẽ hạn chế bớt những tác động tiêu cực đối với những lĩnh vực nhạy cảm.
* PV: Cùng với dòng vốn trong nước, dòng vốn ngoại có vai trò quan trọng trên TTCK Việt Nam. Với các quy định pháp lý mới được đưa vào dự thảo Nghị định lần này, liệu đây có phải là cơ hội để chúng ta thu hút dòng vốn ngoại tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường trong thời gian tới hay không, thưa ông?
- Ông Đinh Quang Hinh: Với kỳ vọng TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 2 đến 3 năm tới, chúng tôi ước tính Việt Nam có thể hút dòng vốn ngoại lên tới 1,4 tỷ đến 1,9 tỷ USD nhờ được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong đó, khoảng 779 triệu USD đến 1.039 triệu USD sẽ đến từ các quỹ ETF mô phỏng theo chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và chỉ số thị trường mới nổi của FTSE; và 670 triệu đến 891 triệu USD từ các quỹ đầu tư chủ động đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các thị trường mới nổi.
* PV: Xin cảm ơn ông!