Nơi sắm đồ Tết 0 đồng của người lao động nghèo

Những ngày này, 'gian hàng 0 đồng' ở cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM tấp nập người ra vào mua sắm Tết.

Khoảng hơn hai tháng nay, hàng trăm người lao động nghèo trên địa bàn TP.HCM tìm đến “gian hàng 0 đồng” rộng khoảng 70 m2 của chị Bùi Thị Thu Uyên (51 tuổi, ngụ lô 9, cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh) để sắm quần áo mới.

“Ai cần đến lấy, ai có đến cho”

“Ai cần đến lấy, ai có đến cho” là câu khẩu hiệu khá đúng với gian hàng này, bởi sự tấp nập không chỉ từ những người đến mua sắm mà còn cả những vị khách mang đồ đến tặng.

Chia sẻ với PV báo Pháp Luật TP.HCM về cơ duyên ra đời của “gian hàng 0 đồng”, chị Uyên nói: “Xuất phát từ mong muốn được san sẻ với những mảnh đời khó khăn, tôi mang quần áo, vật dụng của gia đình tặng cho những người khó khăn. Sau đó, tôi ấp ủ việc cải tạo ngôi nhà nhỏ của mình thành “gian hàng 0 đồng” và bắt tay vào làm cùng với những người bạn của mình”.

 "Gian hàng 0 đồng san sẻ yêu thương" mở cửa vào thứ 2, 5, 7, từ 9 đến 11h30.

"Gian hàng 0 đồng san sẻ yêu thương" mở cửa vào thứ 2, 5, 7, từ 9 đến 11h30.

Hàng hóa tại gian hàng đều được chị Uyên và các cộng sự chọn lọc, phân loại kỹ càng, sau đó sắp xếp lên kệ. Gian hàng được chia làm nhiều khu như khu đồ jeans; khu đầm, váy; khu giày dép; khu đồ dùng học tập… để thuận tiện cho mọi người đến mua sắm.

Chị Uyên cho biết đồ trưng bày tại gian hàng đều là những món đồ thích hợp với khí hậu, thời tiết của người Sài Gòn. Còn những món đồ như áo ấm, đồ dày dặn hơn chị sẽ gom lại và mang cho người lao động ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa. Với những quần áo không may bị rách, quá cũ và không sử dụng được, chị Uyên và các cộng sự sẽ thu gom lại, sau đó vận chuyển đến các cơ sở nuôi chó mèo, dùng để lót ổ.

 Đông đúc người dân đến “gian hàng 0 đồng” sắm đồ Tết.

Đông đúc người dân đến “gian hàng 0 đồng” sắm đồ Tết.

Khi được hỏi về những khó khăn và kỷ niệm đặc biệt, chị Uyên vui vẻ nói: “Chẳng có khó khăn gì cả, tôi cảm thấy vui khi nhiều người đến cho và nhận đồ. Thông thường, mỗi khách hàng đến mua đồ sẽ được chọn ba món để nhường cho những người đến sau. Nhưng hôm đó có anh bán cà rem mặc quần áo lấm lem vào lựa quần áo nữ, tôi hỏi thì được biết anh chọn đồ cho vợ, thấy cảm động nên tôi bảo anh cứ lấy nhưng anh lắc đầu từ chối và xin nhường lại cho người khác. Có những người khó khăn nhưng họ rất ý thức, tôi cũng cảm thấy ấm lòng”.

Với những giá trị tích cực từ mô hình “gian hàng 0 đồng” mang lại, hy vọng trong tương lai mô hình này sẽ được phát triển và nhân rộng không chỉ tại TP.HCM mà ngày càng nhiều địa phương trên cả nước. Chị HUỲNH PHƯƠNG, một khách hàng thường xuyên của “gian hàng 0 đồng” ở cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh

Theo quan sát của PV, những khách hàng đến với “gian hàng 0 đồng” đều được đón tiếp một cách nồng nhiệt, từ khâu dắt xe đến tư vấn chọn đồ. “Để xe đó em dẫn cho”, “Áo này hợp với bà nè”, “Quần này chắc 50 kg là mặc vừa”, “Chị tìm đồ gì?”… là những câu nói ấm lòng của người “bán đồ 0 đồng” giữa lòng TP tấp nập và bộn bề.

 Gian hàng 0 đồng luôn tấp nập khách ra vào, từ trẻ đến già.

Gian hàng 0 đồng luôn tấp nập khách ra vào, từ trẻ đến già.

Gắn bó với gian hàng từ những ngày đầu, chị Lâm (cộng sự của chị Uyên) kể: “Có một số khách sau khi lấy 3-5 món hàng, thấy thương các anh chị làm việc cực nhọc nên xin gửi 50.000 đồng tiền cà phê. Biết tấm lòng trân quý của khách, các anh chị trong đội rất vui nhưng từ khi mở cửa đến nay tụi chị luôn lấy “cho đi” làm mục đích hoạt động và xin không nhận tiền của khách”.

Nơi “sắm đồ Tết” 0 đồng của người lao động nghèo

Mỗi ngày gian hàng tiếp đón đa dạng các vị khách nhưng phần lớn là những khách hàng lao động có hoàn cảnh khó khăn như người chạy xe ôm, người bán vé số, người nhặt ve chai…

Vì kinh tế khó khăn, chi phí sinh hoạt gia đình lại ngày một tăng, công việc của hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền Mai (ngụ quận 12) ngày càng bấp bênh, để san sẻ bớt một ít gánh nặng tiền sinh hoạt, chị đã tranh thủ đến “gian hàng 0 đồng” để tìm một số quần áo dùng được cho mình và con trai tám tuổi.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (80 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) khi nghe hàng xóm kể về gian hàng đã đến và tìm vài chiếc áo với mong muốn con cháu sẽ bớt một phần gánh nặng tiền sắm sửa quần áo cho mình.

 Các chị tại “gian hàng 0 đồng” luôn túc trực, hỗ trợ khách đến mua hàng.

Các chị tại “gian hàng 0 đồng” luôn túc trực, hỗ trợ khách đến mua hàng.

Vào những ngày cận Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, “gian hàng 0 đồng” vì thế cũng chật kín khách. Người bán, người mua ai ai cũng vui vẻ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau làm cho căn nhà nhỏ dù chật kín hàng hóa nhưng chan chứa tình người.

“Bộ này chị mặc vừa nè chị Ba”, “Mang cái áo này về cho thằng Khánh”, “Lấy một cái thôi, chừa cho người khác”... là những câu nói mà PV nghe được từ những vị khách hàng đến mua sắm. Nhiều khách hàng còn vui vẻ bảo: “Tết này có đồ mới mặc rồi”.

 Không chỉ có áo quần, 'Gian hàng 0 đồng' còn có cả thú nhồi bông cho trẻ em.

Không chỉ có áo quần, 'Gian hàng 0 đồng' còn có cả thú nhồi bông cho trẻ em.

 Gian hàng 0 đồng thu hút nhiều lao động nghèo và người lớn tuổi đến chọn lựa.

Gian hàng 0 đồng thu hút nhiều lao động nghèo và người lớn tuổi đến chọn lựa.

 Niềm vui của một người cao tuổi khi tìm được bộ đồ ưng ý.

Niềm vui của một người cao tuổi khi tìm được bộ đồ ưng ý.

Khách hàng nào ra về từ “gian hàng 0 đồng” cũng đều khệ nệ, tay xách nách mang nào là quần áo, giày dép, túi xách, tập vở, ba lô… Mỗi khi để ý thấy khách hàng lấy ít đồ, các anh/chị tại gian hàng sốt sắng bảo: “Sao lấy ít thế chị?”.

“Dù cuộc sống còn đầy rẫy khó khăn, song mô hình “gian hàng 0 đồng” ấm áp tình người Sài Gòn đã và đang mang Tết Nguyên đán đến với người lao động nghèo” - chị Hồng Đào, người tặng quần áo cho gian hàng, chia sẻ.

Ngày càng nhiều mô hình “0 đồng” được nhân rộng

Tại TP Thủ Đức, nằm sâu trong con hẻm đường 41, phường Linh Đông là “gian hàng 0 đồng” của chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, hơn 10 năm qua chị đã làm công việc thu gom quần áo cũ gửi tặng cho bà con khó khăn ở TP.HCM và vùng cao.

Cũng tại TP Thủ Đức, tọa lạc tại 115 Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ là nơi kinh doanh của hai chị em Đoàn Thị Nguyệt và Đoàn Thị Trúc Linh với cửa hàng “Áo dài 0 đồng”.

Đối với nhiều người, một cái áo khoác hay một đôi dép, một đôi giày, một chiếc áo dài… không đáng là bao nhưng với một số người già, người vô gia cư, trẻ em cơ nhỡ thì đó là một món quà trân quý.

Nguồn PLO: https://plo.vn/noi-sam-do-tet-0-dong-cua-nguoi-lao-dong-ngheo-post770288.html