Nỗi sợ hãi của Osama bin Laden những ngày trước khi bị Mỹ đột kích
Trong những tháng cuối đời, trùm khủng bố Osama bin Laden cố gắng níu kéo vị thế của mình trong một thế giới đã bỏ ông ta lại phía sau, theo một cuốn sách sắp xuất bản.
Những tuần đầu năm 2011, Osama bin Laden chợt cảm thấy lo lắng sau 5 năm cùng gia đình gồm 3 người vợ, 8 người con, và 4 đứa cháu ẩn náu ở một pháo đài tại Abbottabad, Pakistan. Nơi ẩn náu kín đáo và nghiêm ngặt của trùm khủng bố đứng sau vụ tấn công 11/9/2001 dường như đang dần sụp đổ.
Trong thời gian bin Laden ẩn náu, mọi liên lạc với thế giới bên ngoài của ông phải trông cậy vào hai anh em là hai thành viên Al Qaeda có xuất thân gần đó. Một trong hai người cận vệ còn dùng tên mình để mua đất xây nơi trú ẩn khi ấy cho bin Laden.
Tới năm 2011, 2 người cận vệ đã trở nên nản chí và không còn muốn chịu rủi ro đi kèm việc bảo vệ nhân vật bị truy nã gắt gao nhất thế giới, Peter Bergen - chuyên gia phân tích an ninh quốc gia Mỹ - viết trong cuốn The rise and fall of Osama bin Laden (tạm dịch: “Sự trỗi dậy và sụp đổ của Osama bin Laden”), sắp ra mắt ngày 3/8.
Bin Laden từng tâm sự với một người vợ rằng hai anh em cận vệ “đang mệt mỏi” và dự định nghỉ việc. Quan hệ giữa hai bên xấu đến mức ngày 15/1/2011, bin Laden phải viết thư gửi hai cận vệ, dù họ sống dưới cùng một mái nhà.
Trong thư, trùm khủng bố nói ông ta hiểu tâm trạng của hai cận vệ và xin họ cho thêm thời gian tìm chỗ trú ẩn mới. Hai bên đồng ý từ biệt vào giữa tháng 7/2011, bin Laden viết, theo ông Bergen.
Nhưng bin Laden không bao giờ tìm được nơi ẩn náu mới vì ông ta đã bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ vào tháng 5/2011. Từ chỗ ẩn náu của bin Laden tại Abbottabad, đội đặc nhiệm thu được nhiều tài liệu, trong đó có một số trang nhật ký viết tay do hai con gái của bin Laden viết.
Cùng với các tài liệu khác, những trang nhật ký góp phần kể lại những tháng cuối đời của trùm khủng bố, theo ông Bergen.
Bực bội vì bị bỏ quên
Đầu năm 2011, bin Laden, 54 tuổi, cảm thấy bực bội vì dường như đang bị lịch sử bỏ quên. Phong trào nổi dậy Mùa xuân Ả Rập khi ấy đang quét qua Trung Đông nhưng những người biểu tình chống chính quyền không ai vẫy cờ của Al Qaeda - tổ chức khủng bố bin Laden lập ra để tuyên chiến với phương Tây.
Những tuần trước khi chết, bin Laden mở cuộc họp gia đình gần như hàng ngày tại khu trú ẩn bí mật ở Abbottabad để bàn cách phản ứng trước phong trào Mùa xuân Ả Rập. Trùm khủng bố than phiền rằng mình đã ra lời kêu gọi chống chính phủ từ năm 2004 nhưng bị phớt lờ.
Để kết nối với công chúng, trùm khủng bố thường xuyên nghĩ về việc đứng ra xin lỗi người Hồi giáo thay cho Al Qaeda và đồng minh.
Theo tác giả Bergen, bin Laden biết rõ rằng từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, các nhóm đồng minh với Al Qaeda như Al Shabaab tại Somalia và Taliban ở Pakistan đã giết hại hàng nghìn dân thường Hồi giáo. Những hành động này làm suy yếu luận điệu rằng Al Qaeda đang tổ chức thánh chiến trên danh nghĩa mọi người Hồi giáo.
Lúc này, bin Laden muốn tô vẽ Al Qaeda không phải là tổ chức vô cớ giết hại dân thường Hồi giáo. Ông ta viết cho một cấp dưới rằng đang trao đổi “về việc bắt đầu lại giai đoạn mới để sửa chữa những lỗi lầm chúng ta mắc phải”. Bin Laden thậm chí còn xem xét thay đổi tên tổ chức.
Nhưng viễn cảnh về một Al Qaeda dịu dàng hơn không làm bin Laden ngừng lên kế hoạch tấn công khủng bố vào nước Mỹ. Năm 2011, khi dịp kỷ niệm 10 năm cuộc tấn công ngày 11/9 sắp đến gần, trùm khủng bố muốn đánh dấu ngày ấy với một cú tấn công mới.
Nói với cấp dưới, Osama bin Laden bày tỏ mong muốn “một chiến dịch có tác động lớn hơn 11/9/2001”. Trùm khủng bố cho rằng ưu tiên cao độ là ám sát Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với tướng David Petraeus - tư lệnh quân đội Mỹ khi ấy tại Afghanistan.
Đồng thời, bin Laden dặn tổ chức không phải bận tâm tới Joe Biden - người khi đó là phó tổng thống - vì ông Biden “hoàn toàn không sẵn sàng” cho việc kế vị tổng thống.
Vẫn lãnh đạo nhưng không nhận thức được sai lầm
Sau khi Mỹ tấn công Afghanistan, nhiều nhân vật trong giới truyền thông và tình báo cho rằng bin Laden đang trốn trong một hang động hẻo lánh và mất liên lạc với thuộc cấp.
Nhưng tài liệu từ Abbottabad cho thấy ngay trong những tuần cuối đời, thủ lĩnh Al Qaeda vẫn quản lý tổ chức. Trùm khủng bố can dự sâu vào những vấn đề nhân sự hệ trọng và đưa ra lời khuyên về chiến lược cho môn đồ tại Trung Đông và châu Phi.
Năm 2010, chi nhánh Al Qaeda tại Bán đảo Ả Rập đề cử một giáo sĩ người Mỹ gốc Yemen làm lãnh đạo nhưng bị bin Laden gạt đi. Khi các thủ lĩnh Al Qaeda tại Yemen gợi ý thiết lập “Nhà nước Hồi giáo” tại Yemen, bin Laden cho rằng thời khắc chưa chín muồi. Các thủ lĩnh này đã nghe lời bin Laden.
Trong lá thư viết ngày 7/8/2010, bin Laden dặn nhóm khủng bố Al Shabaab tại Somalia không công khai mình là một phần của Al Qaeda. Lời dặn của bin Laden được Al Shabaab tuân thủ.
Dù vậy, hình ảnh trùm khủng bố hiện lên qua tài liệu từ Abbottabad là một thủ lĩnh không nhận thức được rằng cuộc tấn công ngày 11/9/2001 của Al Qaeda đã phản tác dụng.
Bin Laden đã phạm sai lầm khi tin rằng Mỹ chỉ là “con hổ giấy” như những gì ông ta thường rao giảng. Sau ngày 11/9/2001, Mỹ hoàn toàn không rút quân khỏi Trung Đông và những chính phủ thân Mỹ trong khu vực không kéo nhau đổ sụp như những quân cờ domino.
Trái lại, sau ngày 11/9/2001, Mỹ mở nhiều chiến dịch quân sự chống lại các nhóm tổ chức khủng bố Jihad ở 7 quốc gia Hồi giáo: Afghanistan, Iraq, Libya, Pakistan, Somalia, Syria, và Yemen.
Tuy Mỹ cũng phải trả giá đắt với hơn 7.000 sinh mạng lính Mỹ và khoảng 6.000 tỷ USD, chiến dịch này hoàn toàn không phải đợt rút lui mà bin Laden dự tính. Số lượng căn cứ quân đội của Mỹ tăng mạnh trên khắp khu vực, trong khi Al Qaeda mất đi căn cứ vững chãi nhất tại Afghanistan.
Năm 2011, khi kỷ niệm 10 năm ngày 11/9/2001 đến gần, bin Laden đặt mục tiêu trên hết là thực hiện một cuộc tấn công khủng bố nữa vào Mỹ. Nhưng ý đồ ấy không bao giờ thành hiện thực.
Ngày 2/5/2011, trùm khủng bố bị đặc nhiệm Navy SEAL của Mỹ tiêu diệt tại nơi ẩn náu ở Abbottabad. Ông ta chết đi khi trong lòng biết rõ rằng mình đã thất bại, theo tác giả Bergen.