Nỗi sợ hãi lớn nhất từ Nhật Bản của các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu đang dần trở thành sự thật
Sau khi có thông tin về người sẽ tiếp quản ghế Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), giới đầu tư trái phiếu toàn cầu thấp thỏm lo lắng với khả năng BOJ tăng lãi suất, khiến làn sóng tiền mặt của Nhật Bản có thể rút khỏi thị trường quốc tế để quay lại thị trường trong nước.
Lợi suất trái phiếu của Nhật Bản đã tăng lên vào thứ Sáu (10/2) khi có thông tin nhà kinh tế học Kazuo Ueda có thể sẽ được chọn làm Thống đốc tiếp theo của BOJ. Điều này đang khiến những người theo dõi Nhật Bản cố gắng để xác định xem ông thuộc trường phái chính sách tiền tệ diều hâu hay ôn hòa.
Ngoài sự biến động về lợi suất mà bất kỳ quyết định chính sách nào có thể sớm kích hoạt, việc các nhà đầu tư Nhật Bản đều đặn bán trái phiếu nước ngoài để đón đầu cơ hội với chính sách tiền tệ thắt chặt của tân Thống đốc BOJ đã bắt đầu một cách nghiêm túc và dường như sẽ không dừng lại.
Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Tài chính và Hiệp hội Đại lý Chứng khoán Nhật Bản (JSDA), trong năm ngoái, các nhà đầu tư Nhật Bản đã bán ra kỷ lục 181 tỷ USD trái phiếu nước ngoài và rót 30.300 tỷ Yên (231 tỷ USD) vào thị trường trái phiếu địa phương. Điều đang khiến các nhà đầu tư toàn cầu cần phải lo lắng nếu nhà kinh tế học Kazuo Ueda thực sự loại bỏ trần lợi suất của BOJ, bởi các nhà đầu tư Nhật Bản còn nắm giữ hơn 2.000 tỷ USD trái phiếu nước ngoài.
“Chúng tôi dự đoán sẽ có một sự thay đổi bền vững trong danh mục của nhà đầu tư Nhật Bản trong năm nay từ trái phiếu nước ngoài sang trái phiếu trong nước. Chúng tôi tin rằng, sự thay đổi này một phần được thúc đẩy bởi quan điểm cho rằng, việc tăng giá và tiền lương bền vững sẽ cho thấy sự nới lỏng hơn nữa đối với chính sách kiểm soát đường cong lợi suất và mức độ chấp nhận lớn hơn của BOJ đối với việc tăng lãi suất”, Benjamin Shatil, chiến lược gia của JPMorgan cho biết.
Theo chiến lược gia Benjamin Shatil, các nhà đầu tư Nhật Bản đã bán ròng khoảng 70% trong số 20 thị trường trái phiếu lớn trên toàn cầu cho đến cuối năm 2022, với lượng tiền chảy ra lớn nhất ở châu Âu và Úc.
Khả năng lợi suất Nhật Bản cao hơn đã gây ra sự lan tỏa bất ổn sang các thị trường trái phiếu toàn cầu. Các nhà đầu tư Nhật Bản đang sở hữu hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và một lượng đáng kể trái phiếu từ Hà Lan, Pháp, Úc và Anh.
Amir Anvarzadeh, chiến lược gia tại Asymmetric Advisors cho biết: “Cuối cùng, khi họ nới lỏng lãi suất, các tổ chức trong nước ở Nhật Bản đã và đang chờ đợi lợi nhuận cao hơn có thể mua vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản”.
Những lo ngại sẽ khiến các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu phải theo dõi sát sao về đề cử chính thức được công bố vào thứ Ba (14/2) cho người thay thế Thống đốc Haruhiko Kuroda. Tuy nhiên, những người lo lắng rằng ban điều hành mới có thể là chất xúc tác khiến Nhật Bản tiếp tục rút các tài sản ở nước ngoài đưa về thị trường trong nước, bất kể ông Ueda thuộc trường phái chính sách tiền tệ diều hâu hay ôn hòa.
Nếu ông Ueda thay đổi chính sách và thúc đẩy lợi suất của Nhật Bản cao hơn, thì sức hấp dẫn tương đối ngày càng tăng của lợi suất Nhật Bản chắc chắn sẽ thu hút các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí khổng lồ của đất nước đẩy nhanh việc thu hồi tiền mặt về nước. Tuy nhiên, ngay cả khi ông Ueda giữ những thay đổi chính sách ở mức tối thiểu, thì điều đó cũng có khả năng làm tăng áp lực đối với đồng yên và làm tăng chi phí phòng ngừa rủi ro của đồng tiền này, một chất xúc tác quan trọng khác cho dòng vốn chảy ra nước ngoài của Nhật Bản vào năm ngoái.
Việc xem xét kỹ lưỡng các kế hoạch đầu tư của một số nhà đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới diễn ra vào thời điểm thị trường trái phiếu toàn cầu chịu áp lực trở lại. Lợi suất đã bắt đầu tăng một lần nữa do kỳ vọng về lãi suất cao nhất của Mỹ tăng cao hơn do dữ liệu việc làm mạnh mẽ và lo ngại lạm phát có thể không nhanh chóng bị dập tắt.
Jeff Brunton, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư quỹ hưu trí HESTA tại Úc cho biết, đây sẽ là một “sự cân bằng mong manh” đối với BOJ và thị trường trái phiếu, để Nhật Bản có thể thừa nhận rằng có thể họ đang thoát khỏi nhu cầu về lãi suất cực thấp hoặc lãi suất âm. Nhưng chúng cần phải được thực hiện một cách thực sự minh bạch với một bộ tiêu chí rõ ràng báo hiệu cho thị trường, bởi vì chúng tôi không muốn nó trở thành thời điểm gây bất ổn cho thị trường trái phiếu toàn cầu”.
Viraj Patel, chiến lược gia tại Vanda Research ở London cho rằng, thị trường trái phiếu toàn cầu có thể chịu được một sự điều chỉnh chính sách khác của BOJ, nhưng lạm phát gia tăng ở Nhật Bản làm tăng khả năng thoát khỏi sự kiểm soát đường cong lợi suất một cách đột ngột và lộn xộn.
“BOJ đang trên bờ vực mắc sai lầm chính sách lạm phát tạm thời giống như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mắc phải 12 tháng trước. Chúng tôi đang định vị cho việc bình thường hóa chính sách của Nhật Bản diễn ra sớm hơn là muộn hơn - và có một cơ hội không hề nhỏ là nó sẽ xảy ra trước cuộc họp BOJ vào tháng 4”, ông cho biết.