Nỗi sợ hãi và kỳ thị ảnh hưởng như thế nào đến trẻ em mắc chứng tăng động ở Trung Quốc?
Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc lo sợ tác dụng phụ của thuốc khi con cái mắc chứng tăng động. Nhưng nếu không điều trị, cái giá phải trả lớn hơn nhiều.
Trong 12 năm theo nghề “gõ đầu trẻ”, Feng Xue, một giáo viên tiểu học 34 tuổi ở ngoại ô Thượng Hải, không hề nghĩ rằng có một ngày mình lại rơi vào tình huống vô cùng khó xử.
Hàng chục phụ huynh gửi một bản kiến nghị có đầy đủ chữ ký, yêu cầu cô Feng phải đuổi học một cậu học sinh 7 tuổi vì quá nghịch ngợm.
Cậu bé này đã gây rắc rối trong nhiều tháng, như đánh nhau với các bạn, làm gián đoạn giờ học của giáo viên… Gần đây, cậu bé được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), nhưng cha mẹ của cậu bé lại từ chối cho cậu bé dùng thuốc.
“Cha mẹ của cậu bé từ chối điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Các phụ huynh khác không thể chịu đựng được lớp học bị ảnh hưởng bởi một đứa trẻ không kiểm soát được hành vi của mình”, Feng nói.
Các cuộc xung đột tương tự giữa phụ huynh đã nổ ra tại các trường học trên khắp Trung Quốc trong những năm gần đây.
ADHD là một chứng rối loạn phát triển thần kinh phổ biến ở thời thơ ấu có thể khiến trẻ em trở nên hiếu động, hành xử bốc đồng và khó tập trung tinh thần trong thời gian dài. Người ta ước tính rằng hơn 6%, hoặc khoảng 23 triệu trẻ em ở Trung Quốc mắc bệnh này.
Mặc dù vậy, chỉ một phần nhỏ được can thiệp. Ở Trung Quốc, các vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn còn chưa được hiểu rõ và chịu sự kỳ thị nặng nề của xã hội, dẫn đến tỷ lệ chẩn đoán và điều trị ở mức thấp.
Theo ước tính của chính phủ, hơn 90% trường hợp ADHD ở trẻ em Trung Quốc vẫn chưa được chẩn đoán. Và ngay cả khi phát hiện ra trẻ em mắc chứng rối loạn này, chỉ 1/3 nhận được đơn thuốc hoặc liệu pháp điều chỉnh hành vi. Ngược lại, ở Mỹ, 3/4 trẻ em mắc chứng ADHD đang được điều trị.
Kết quả, trẻ ADHD thường bị coi là “trẻ hư”. Những đứa trẻ này bị các bạn cùng lớp tẩy chay, buộc phải học một mình, hoặc thậm chí bị đuổi khỏi trường, khiến chúng bị tổn thương tâm lý suốt đời.
Đó là một vấn đề khiến Wang Yu, một bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Thượng Hải, vô cùng thất vọng. Wang nói, bà thường nghe về những vụ việc tương tự như đã xảy ra ở trường của cô giáo Feng, và mong muốn thái độ của xã hội đối với sức khỏe tâm thần có thể thay đổi theo hướng tích cực.
Wang nói: “Điều trị ADHD có thể mang lại những lợi ích và thay đổi rất rõ ràng.” Theo bác sĩ Wang, mặc dù nhận thức của cộng đồng về ADHD đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng nhiều gia đình vẫn không nhận ra con mình mắc chứng rối loạn này.
Ngành y tế đã cố gắng nâng cao hiểu biết của mọi người bằng cách tổ chức tuần lễ nâng cao nhận thức về ADHD vào tháng 4 hàng năm, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
“Các bậc cha mẹ nghĩ rằng những đứa trẻ thường xuyên đánh nhau chỉ là nghịch ngợm và những đứa trẻ không thể đạt điểm cao trong các kỳ thi học tập là ngu ngốc. Họ phải hiểu rằng có những khả năng khác như ADHD", Wang nói.
Một số gia đình khác nhận thức được về ADHD, nhưng họ không muốn cho con mình điều trị. Trong nhiều trường hợp, họ sợ con mình sẽ phải đối mặt với sự kỳ thị từ giáo viên và bạn cùng lớp nếu chúng được chẩn đoán chính thức mắc chứng rối loạn này.
“ADHD được xếp vào nhóm bệnh sức khỏe tâm thần. Các gia đình có thể lo lắng con cái của họ sẽ bị xã hội nhìn nhận khác đi."
Theo bác sĩ Wang, còn có một lý do khác quan trọng không kém. Nhiều gia đình có quan niệm rằng tất cả các loại thuốc đều ít nhiều gây hại cho cơ thể. Nhưng thuốc men, thường là rất cần thiết.
Hầu hết trẻ em mắc chứng ADHD trong độ tuổi từ 6 đến 12 yêu cầu phải kết hợp các phương pháp điều trị, bao gồm thuốc, liệu pháp hành vi và đào tạo kỹ năng xã hội. Wang ước tính khoảng 90% bệnh nhân trong độ tuổi đó cần phải uống thuốc.
Các bác sĩ Trung Quốc phải sử dụng nhiều “chiến thuật” khác nhau để có thể thuyết phục bệnh nhân uống thuốc.
“Tôi chỉ nói với cha mẹ bệnh nhân của tôi rằng những loại thuốc này an toàn để sử dụng. Các tác dụng phụ là rất ít", Wang cho biết thêm.
Wang cũng dành thời gian thuyết trình về ADHD tại các trường học xung quanh thành phố Thượng Hải. Thông điệp chính của Wang luôn giống nhau: Các gia đình nên ngừng nghĩ về những rủi ro khi điều trị ADHD của trẻ, và cân nhắc những cái giá phải trả cho việc không làm như vậy.
Wang nói: “Nếu chúng ta không can thiệp ngay từ đầu, vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn. Khi đó, những khó khăn trong việc điều trị chắc chắn sẽ tăng lên gấp bội."
Nhưng thay đổi thái độ xã hội cần phải có thời gian. Wen Xiaoyan, mẹ của một học sinh lớp 3 sống ở Thượng Hải, đã buộc phải kéo con trai mình ra khỏi một trường công lập đáng mơ ước vào năm ngoái. Như trường hợp của cô giáo Feng ở đầu bài viết, một nhóm phụ huynh đã liên tục phàn nàn về hành vi quậy phá của con trai Wen.
Wen nói: “Đó là một áp lực rất lớn. Tôi cảm thấy rất căng thẳng và con trai tôi cũng cảm thấy thất vọng. Nó không cố ý, nhưng khi có những thách thức mà nó phải đối mặt, nó sẽ mất kiểm soát."
Con trai của Wen đã có những hành vi quậy phá trong nhiều năm, nhưng phải đến khi cậu bé chuyển trường, người mẹ mới nhận ra rằng cậu bé có thể mắc chứng ADHD. Trong khi những đứa trẻ mắc chứng rối loạn này thường tụt hậu trong học tập thì cậu bé lại học khá tốt.
“Chúng tôi vẫn nghĩ rằng thằng bé chẳng qua là quá nghịch thôi”, Wen nhớ lại.
Tuy nhiên, khi bác sĩ chẩn đoán con trai cô mắc chứng ADHD vào tháng 10, Wen nhanh chóng quyết định chấp nhận kế hoạch điều trị được bác sĩ đưa ra.
Wen cho hay, các tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc - có thể bao gồm chán ăn, các vấn đề về đường tiêu hóa hoặc trong một số trường hợp hiếm hoi là động kinh - không khiến cô quá lo lắng.
Wen nói: “Bạn phải cân nhắc giữa lợi ích và hậu quả có thể xảy ra. Tôi đã chọn làm theo lời khuyên của bác sĩ, bởi vì căn bệnh này đã khiến thằng bé và cả gia đình chúng tôi căng thẳng và đau đớn”.
Con trai của Wen đã uống thuốc được 6 tháng, và mẹ của cậu bé rất vui mừng với kết quả. Cậu bé không gặp phải biến chứng nào về thể chất, và phát triển khá tốt trong một ngôi trường tư ở ngoại ô.
Wen nói: “Những tiến bộ mà con trai tôi đã đạt được là điều hiển nhiên. Thằng bé bây giờ là lớp phó của lớp và nó đạt điểm khá cao trong các kỳ thi.” Mặc dù vậy, Wen không muốn các bạn cùng lớp của con trai phát hiện ra cậu bé mắc chứng rối loạn này.
Cai Lingyuan, có con trai cũng được chẩn đoán mắc chứng ADHD vào năm ngoái, lại ám ảnh với sự kỳ thị của xã hội liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Khi Cai đưa con trai đến gặp bác sĩ vào năm ngoái, cô đã quyết định không đến Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải - cơ sở có thẩm quyền và nguồn lực tốt nhất của thành phố để điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần bao gồm ADHD. Thay vào đó, cô đã đến một khoa nhi của bệnh viện.
Cai nói: “Tôi không thể mạo hiểm với khả năng con trai mình bị bệnh tâm thần. Chỉ tưởng tượng việc bước vào trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần với con trai tôi đã khiến tôi cảm thấy rất khó chịu.”
Một lý do khác để đến khoa nhi là bảo vệ gia đình Cai khỏi những lời đàm tiếu ác ý. Cai sợ rằng con mình có thể vô tình lộ ra rằng nó đã từng đến trung tâm điều trị tâm thần, khiến những người khác phải tránh xa cậu bé.
Cai nói: “Trẻ em trung thực, chúng có thể chia sẻ trải nghiệm này với các bạn cùng lớp. Điều gì sẽ xảy ra nếu các bạn cùng lớp nói với cha mẹ về điều đó, và người lớn đẩy vấn đề đi xa quá mức?"
Thường cha mẹ có con mắc chứng ADHD sẽ chia sẻ với giáo viên để đứa trẻ có thể nhận được sự quan tâm đặc biệt. Nhưng Cai đã quyết định không làm điều này, vì cô đã nghe những câu chuyện về việc giáo viên không giữ được bí mật.
“Tôi lo con trai tôi sẽ bị lấy làm tấm gương cho những người khác trong tương lai”, Cai giải thích.
Cai cũng không cho con trai mình uống thuốc do bác sĩ kê đơn, mặc dù đã hơn một năm kể từ khi cậu bé được chẩn đoán mắc chứng ADHD nhẹ.
“Tôi sợ nếu cho thằng bé uống thuốc, nó sẽ bị phụ thuộc”, Cai nói. “Tôi hy vọng khi con trai tôi lớn lên, vấn đề của nó sẽ dần biến mất.”
Bác sĩ Wang khẳng định nỗi sợ hãi này là hoàn toàn sai lầm. Wang nói rằng thuốc uống với liều lượng nhỏ sẽ không bao giờ khiến trẻ em bị nghiện.
Bà nói: “Nghiện chỉ có thể xảy ra khi liều lượng lớn thuốc được tiêm sâu vào cơ bắp.”
Thượng Hải có hệ thống y tế tốt nhất Trung Quốc, cũng nổi tiếng trong việc điều trị chứng ADHD. Bác sĩ Wang ước tính có tới 70% bệnh nhân của bà không sống ở Thượng Hải. Nhiều người đã từng gặp các bác sĩ chuyên khoa ADHD ở quê, nhưng họ muốn tham khảo ý kiến thứ hai trước khi cho con dùng thuốc.
“Họ đến Thượng Hải gặp chúng tôi chỉ để xác nhận xem liệu những loại thuốc được bác sĩ địa phương khuyến nghị có thể dùng được hay không. Họ cảm thấy bệnh viện ở các thành phố lớn đáng tin cậy hơn.”
Một người mẹ giấu tên đến từ thành phố Tây Nam Thành Đô, vượt quãng đường 5.000 km đưa con trai 7 tuổi của mình đến gặp các bác sĩ ở Thượng Hải và Bắc Kinh, trước khi quyết định cho con uống thuốc điều trị ADHD. “Khi đó tôi cảm thấy mình phải hành động”, bà mẹ này nói.
Tuy nhiên, đối với nhiều bậc cha mẹ, ngay cả sự đảm bảo của bác sĩ chuyên khoa hàng đầu cũng không đủ.
Feng nói rằng vụ việc ở trường tiểu học của cô vẫn còn bế tắc. Nhà trường đã chọn không đuổi học sinh mắc chứng ADHD, nhưng yêu cầu cha mẹ giữ cậu bé ở nhà cho đến khi cậu bé ổn định hơn về mặt cảm xúc - một thỏa hiệp phổ biến trong những tình huống như vậy.
Theo Feng, dường như không có cách nào dễ dàng để giải quyết tình hình. Nhà trường đã kêu gọi cha mẹ cậu bé hãy điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, nhưng họ từ chối.
Feng nói: “Chúng tôi muốn đối xử với thằng bé giống như những đứa trẻ khác. Nhưng chúng tôi chỉ có thể làm được đến vậy mà thôi”.