Nỗi sợ khi học giáo dục giới tính ở Trung Quốc
Dù được đưa vào giảng dạy chính khóa, giới tính và tình dục vẫn là chủ đề nhạy cảm với giới trẻ xứ tỷ dân.
Sau nhiều thập kỷ, các nhà chức trách Trung Quốc đang thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục giới tính cho người trẻ, theo Sixth Tone.
Tháng 10 năm ngoái, chính phủ đã sửa đổi luật Bảo vệ Trẻ vị thành niên, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải đưa vấn đề giới và tình dục vào giảng dạy một cách "phù hợp với lứa tuổi".
Biện pháp này nhằm nâng cao nhận thức, khả năng tự bảo vệ bản thân khỏi nạn xâm hại ở thanh thiếu niên.
Mới đây, tại diễn đàn do tổ chức Girls' Protection thực hiện, một số đại biểu Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân đề xuất ý tưởng dạy phòng chống tấn công tình dục trong chương trình học của học sinh xứ tỷ dân.
Những giải pháp trên hoàn toàn cần thiết trước tình trạng tỷ lệ trẻ em bị quấy rối, xâm hại ngày càng tăng.
Dữ liệu mới nhất từ Girls' Protection cho thấy năm 2020, có 332 trường hợp tấn công tình dục trẻ em được trình báo, với hơn 840 nạn nhân.
Đáng nói, con số trên chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm" do nhiều vụ việc không được đưa ra ánh sáng.
Dù vậy, hoạt động giáo dục giới tính và tình dục ở Trung Quốc lại chưa được quan tâm đúng mức. Do định kiến xã hội, vấn đề này vẫn là chủ đề quá nhạy cảm để đưa ra giảng dạy, thảo luận trên lớp.
Nhấn mạnh vào nỗi sợ
Dưới áp lực từ nhà trường và phụ huynh học sinh, các tiết học giáo dục giới tính tại xứ tỷ dân vẫn chịu nhiều hạn chế, theo Sixth Tone.
Trong những buổi thực nghiệm do tổ chức Girls' Protection điều hành, giảng viên thường tránh nói về các hành vi tình dục và không đề cập tới xu hướng tính dục.
Khi giảng về các bộ phận sinh dục trên cơ thể người, học sinh chỉ được dạy rằng đó là "vùng riêng tư", không có hình ảnh minh họa hay thuật ngữ chính xác.
Thay vì nắm bắt kiến thức cụ thể về giới tính và tình dục, thanh thiếu niên được huấn luyện cách tự bảo vệ bản thân, tránh sự đụng chạm từ "người xấu" - những kẻ có ý đồ quấy rối tình dục.
Kết thúc tiết học, trẻ em có thể không nắm vững các vấn đề giới tính, sinh sản. Tuy nhiên, đa số đều hiểu rằng "người xấu" có thể bắt cóc, đánh đập, chuốc thuốc hay giết hại nếu họ lơi là cảnh giác.
Dù đem lại hiệu quả, hình thức giáo dục này cũng vô tình gieo rắc nỗi ám ảnh cho người trẻ, khiến các em lầm tưởng tình dục là đề tài nhạy cảm, sai trái, đáng xấu hổ.
Năm 2014, chuyên gia Fang Gang từng chia sẻ suy nghĩ của học sinh Trung Quốc về thuật ngữ "tình dục" trong thư ngỏ kêu gọi thay đổi phương thức giáo dục giới tính.
Cụ thể, đa số các em đều liên tưởng cụm từ này với "hiếp dâm", "quấy rối tình dục", "đau đớn" và "phá thai" chứ không phải tình yêu hay sự thân mật.
Giáo dục chưa toàn diện
Trong khi đó, nhiều quốc gia khác trên thế giới đang thay đổi các thức giảng dạy giới tính và đề cập thêm đến cảm xúc, tâm sinh lý, sự đồng thuận và chuẩn mực xã hội.
Năm 2020, Bộ Giáo dục New Zealand đã sửa đổi chương trình Giáo dục Tình dục và Quan hệ Quốc gia, nhấn mạnh không nên chỉ dạy về hậu quả, rủi ro và bạo lực tình dục.
Thay vì thế, các cơ sở giáo dục nên tập trung giúp học sinh nâng cao nhận thức, kỹ năng để xây dựng mối quan hệ tích cực, bảo vệ an toàn cho bản thân.
Thực tế, những phương pháp trên chưa được các nhà chức trách và người dân tại xứ tỷ dân chấp thuận.
Năm 2017, Liu Wenli, giáo sư tại ĐH Sư phạm Bắc Kinh, biên soạn loạt sách giáo khoa dành cho cấp tiểu học với tựa đề Cherish Life. Cuốn sách chứa hình ảnh và thông tin về các bộ phận sinh dục, hành vi và xu hướng tính dục.
Song, bộ sách nhanh chóng bị thu hồi sau khi nhận về phản ứng dữ dội từ công chúng.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo giới, đại diện Girls's Protection thừa nhận dù đã tránh nói về các hành vi tình dục hay gọi tên "bộ phận riêng tư", tổ chức này vẫn vấp phải nhiều phản đối từ phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường.
Những đột phá ban đầu của chính phủ Trung Quốc trên khía cạnh giáo dục giới tính là một dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giới chức nước này nên thúc đẩy giáo dục giới tính toàn diện hơn, tránh tạo nên hiểu lầm và nỗi sợ tình dục ở giới trẻ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-so-khi-hoc-giao-duc-gioi-tinh-o-trung-quoc-post1194919.html