Nỗi sợ ở 'xóm giật mình'

'Cứ mỗi lần mỏ đá nổ mìn, cháu lại co rúm người lại vì sợ hãi. Nhiều lúc đang ngủ say, cháu lại giật mình thon thót rồi khóc đòi mẹ. Tôi rất lo sau này lớn lên, tâm lý của cháu bị ảnh hưởng' – chị Trần Thị Thanh, người dân sống cạnh mỏ đá nói.

Mỏ đá Thành Hưng nằm ngay gần khu dân cư thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Mỏ đá Thành Hưng nằm ngay gần khu dân cư thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Câu chuyện của gia đình chị Thanh cũng chính là nỗi sợ hãi chung của gần 100 hộ dân thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Nhiều người tếu táo tự trào rằng, nơi ở của họ là “xóm giật mình”. Bởi cứ mỗi lần mỏ đá nằm trên địa bàn thôn (gọi tắt là mỏ đá Thành Hưng) nổ mìn phá đá, già trẻ, lớn bé ở đây, ai nấy đều giật mình thon thót. Những mối lo về đá bay, nhà nứt, bụi bẩn vây kín nhà cửa, ruộng vườn cũng theo chân mỏ đá tìm về đe dọa cuộc sống người dân.

Trẻ giật mình, già mất ngủ

Ngôi nhà chị Trần Thị Thanh (thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) nằm ngay đối diện cổng chính vào mỏ đá Thành Hưng. Nếu tính theo đường chim bay, khoảng cách từ mỏ đến cổng nhà chị có lẽ chưa đầy 200m. Do đó, mọi hoạt động của mỏ, từ nổ mìn, sàng đá đến vận chuyển đá khỏi mỏ… “tổ ấm” của gia đình chị chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Bùi Văn Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh đã nắm được thông tin liên quan đến phản ánh của người dân về ảnh hưởng của mỏ đá Thành Hưng và đã có chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc. "Tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác từ hôm thứ 6 (ngày 5/7 - PV) về làm việc tại địa phương để làm rõ những phản ánh của người dân" - ông Bùi Văn Khánh nói và khẳng định quan điểm của tỉnh là sẽ sớm giải quyết triệt để nội dung này, không để xảy ra bức xúc trong nhân dân.

“Nếu nói về bụi thì chắc không nhà nào bị ảnh hưởng nhiều hơn nhà tôi. Vì cổng nhà tôi nằm đối diện ngay cổng chính của mỏ, nơi xe tải chở đá thường xuyên ra vào” – chị Thanh vừa nói vừa cầm tay giật nhẹ cành cây bưởi trước cửa nhà như để chứng minh cho lời nói của mình.

Ngay sau cái giật nhẹ của chị Thanh, một lớp bụi trắng bay ra mù mịt khiến chúng tôi phải lùi lại mấy bước tránh né. “Cũng may quanh nhà trồng nhiều cây nên chắn bớt bụi bay vào, nếu không có hàng cây này thì chẳng biết bụi bẩn sẽ đến mức nào” – chị Thanh nói với giọng chán nản.

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện, trong phòng khách nhà chị Thanh, cháu V. con gái út của chị đang mải miết với cuốn tập trong tay. Nhìn vào cô con gái út của mình, chị Thanh nói với giọng buồn rầu: “Từ lúc mỏ đá này hoạt động, mấy đứa con nhà tôi luôn phải sống trong cảnh giật mình thon thót mỗi khi mỏ đá nổ mìn. Thương nhất là cháu út, mới được 4 tuổi”.

Theo chị Thanh, con gái út của chị luôn tỏ ra sợ hãi mỗi khi mỏ đá nổ mìn.

Theo chị Thanh, con gái út của chị luôn tỏ ra sợ hãi mỗi khi mỏ đá nổ mìn.

Theo chị Thanh, nhà chị có 3 người con, trong đó, con gái út được đánh giá là thông minh, lanh lợi và hoạt bát. Thế nhưng, từ khi mỏ đá Thành Hưng hoạt động, mỗi khi mỏ đá nổ mình, con gái chị lại giật mình sợ hãi. Có những lần, mìn nổ to quá, cháu co rúm người lại, chạy vào xó nhà trốn. Rồi những đêm đang ngủ say, cháu lại giật mình khóc thét lên tìm mẹ dù rằng khi ấy chẳng có một tiếng nổ nào.

Chưa kịp lớn lên, tuổi thơ của cô bé cũng nhưng rất nhiều những đứa trẻ khác của thôn Đồng Bong này đã phải chịu cảnh sống trong sợ hãi, với nỗi ám ảnh khôn nguôi về những tiếng nổ vang trời cắt ngang giấc ngủ thơi dại của mình. “Bây giờ chỉ cần nghe tiếng động lớn là cháu đã hét lên chạy đi tìm mẹ hoặc trốn vào góc nhà khóc. Tôi rất lo khi tâm lí con sau này sẽ bị ảnh hưởng” – chị Thanh vừa nói vừa nhìn vào cô con gái út của mình với ánh mắt nặng trĩu âu lo.

Nhà bà Thúy bị nứt nhiều nơi.

Nhà bà Thúy bị nứt nhiều nơi.

Không chịu cảnh tra tấn từ bụ của mỏ đá như nhà chị Thanh nhưng hộ nhà bà Nguyễn Thị Thúy (62 tuổi, thôn Đồng Bông, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) lại chịu ảnh hưởng theo một cách khác, đó là dư chấn từ những vụ nổ trong mỏ đá mang lại.

Ngôi nhà cấp 4 cùa bà Thúy nằm cách mỏ đá chừng 150m, mỗi lần mỏ đá nổ mìn, căn nhà lại rung lên dữ dội. Dư chấn mạnh đến mức nhiều bức tường của ngôi nhà bị xé toạc, tạo ra những vết nứt lớn. Theo thời gian, các vết nứt xé trên tường nhà cứ ngày một lớn thêm theo những tiếng nổ mìn từ mỏ đá.

Con cái đều đi làm xa, một mình người phụ nữ 70 tuổi sống trong căn nhà đầy những “vết thương” này lúc nào cũng canh cánh trong lòng nỗi lo nhà sập. “Nhiều đêm tôi không dám ngủ, cứ nhìn lên vết nứt trên tường mà lo. Nhỡ đâu một lúc nào đó, tường nhà không chịu nổi mà sập xuống, một mình tôi không biết xoay sở thế nào” – bà Thúy nói với giọng lo lắng.

Mỏ đá Thành Hưng mới được phép hoạt động trở lại vào cuối năm 2023.

Mỏ đá Thành Hưng mới được phép hoạt động trở lại vào cuối năm 2023.

Run rẩy ra vườn vì nỗi sợ đá rơi

Theo phản ánh của người dân thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình thì mỏ đá Thành Hưng hoạt động trở lại được gần 1 năm nay. Trước đó, mỏ đá này cũng từng có thời gian hoạt động song đã bị bị dừng từ lâu. Nơi khai thác đá của mỏ này là khu vực núi Bụng Cóc, nằm trên địa phận thôn Đồng Bong, cách khu dân cư chỉ vài trăm mét.

Người dân bày tỏ thắc mắc, không hiểu vì lí do gì mà mỏ đá này nằm sát khu dân cư song lại được cho phép nổ mìn khai thác đá. Hoạt động của mỏ đã đã và đang tạo ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tài sản của người dân. Đáng lo ngại nhất là dư chấn từ những vụ nổ mình khiến nhiều nhà dân bị nứt xé, thậm chí có nhà còn bị sập cả công trình phụ vì dư chấn của những vụ nổ mìn.

Ngoài nỗi lo nứt nhà, những hộ dân ở đây còn một nỗi lo không nhỏ khác là nỗi lo đá bay mỗi khi làm vườn. Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Hương. Ngôi nhà mới xây trị giá gần 1 tỷ đồng của gia đình bà Hương, dù được xây kiên cố và ở cách mỏ đá 350m nhưng cũng không chịu được dư chấn mà bị xé nứt nhiều nơi trên trần và tường.

Nhiều nhà dân ở thôn Đồng Bong bị xé, nứt khiến bà con lo lắng.

Nhiều nhà dân ở thôn Đồng Bong bị xé, nứt khiến bà con lo lắng.

Đặc biệt, mảnh vườn trồng na của gia đình bà nằm ngay gần mỏ đá, mỗi lần đi làm vườn là một lần bà hoang mang, lo lắng cho an toàn của bản thân mình. “Vườn na nhà tôi nằm cách mỏ đá chừng 50m, nhiều hôm làm vườn mỏ đá nổ mìn họ còi nhỏ đến khi tiếng nổ rầm trời, đá bay rào rào vào vườn tôi mới biết mà chạy" – bà Hương kể.

Dù lo lắng là thế, song người phụ nữ này vẫn phải thường xuyên ra vườn làm việc vì đó là sinh kế lớn nhất của mình. Cũng như nhiều hộ dân khác có ruộng vườn gần mỏ đá, họ vẫn phải chấp nhận mạo hiểm bởi những thửa ruộng, mảnh vườn là tư liệu sản xuất duy nhất của họ trong suốt bao năm qua.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Phan Tiến Đạt - Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm cho biết, địa phương đã nhận được phản ánh của người dân về ảnh hưởng của mỏ đá và đã tiến hành kiểm tra cũng như có báo cáo sự việc lên UBND huyện Lạc Thủy.

“Trong quá trình mỏ đá hoạt động, địa phương cũng ghi nhận ý kiến của người dân về việc rung chấn ảnh hưởng đến đời sống gia đình, có bụi liên quan đến đời sống sản xuất nữa. Gần đây nhất theo ghi nhận thì khi mỏ đá hoạt động có đá dăm bay vào nhà dân. Khi xảy ra sự việc, Công an huyện Lạc Thủy đã về làm việc và nội dung này hiện các cơ quan chức năng của huyện đang làm rõ” – ông Đạt nói.

Ngoài rung chấn do nổ mìn, hoạt động của mỏ đá còn phát sinh một lượng bụi không nhỏ.

Ngoài rung chấn do nổ mìn, hoạt động của mỏ đá còn phát sinh một lượng bụi không nhỏ.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc mỏ đá có đầy đủ các loại giấy tờ để đi vào hoạt động hay chưa, ông Đạt cho hay, doanh nghiệp có nói rằng đã có đủ các loại giấy tờ cần thiết để mỏ đá hoạt động, song do thẩm quyền hạn chế nên xã không thể kiểm tra giấy tờ hoạt động của doanh nghiệp.

“Ảnh hưởng của việc khai thác đá đến cuộc sống người dân từ việc nổ mìn, chế biến chúng tôi đã nhắc nhở doanh nghiệp làm đúng theo giấy phép và báo cáo lên UBND huyện Lạc Thủy, huyện cũng đã về kiểm tra, làm việc, chúng tôi cũng chưa nắm được kết quả kiểm tra cụ thể” – ông Đạt cho hay.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình (hoabinh.gov.vn), doanh nghiệp đang khai thác mỏ đá ở núi Bụng Cóc là Công ty TNHH MTV đầu tư Thành Hưng Hòa Bình từng bị UBND tỉnh Hòa Bình xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ngày 18/5/2023. Khoảng 5 tháng sau, ngày 9/10/2023, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Công văn số 1767/UBND-KTN về việc cho phép Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Thành Hưng Hòa Bình được tiếp tục hoạt động khai thác đá vôi trở lại tại khu vực núi Bụng Cóc, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/noi-so-o-xom-giat-minh.html