Nội thất Việt Nam trên hành trình phát triển và hội nhập quốc tế

Chuỗi sự kiện ID.Forum không chỉ có ý nghĩa riêng với Hội Nội thất Việt Nam mà còn với các hoạt động giao lưu, trao đổi tích cực, đây sẽ là những bước tiến mạnh mẽ nhằm nâng cao hơn nữa tự tôn văn hóa trong Thiết kế Nội thất trên toàn khu vực.

Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra chuỗi sự kiện ID.Forum với các hoạt động trao đổi chuyên môn, trưng bày tác phẩm và Lễ trao giải Giải thưởng Sinh viên Nội thất Việt Nam - kết hợp tổ chức bởi Hội Nội thất Việt Nam và Cộng đồng Thiết kế Nội thất trẻ Việt Nam, quy tụ các chuyên gia đầu ngành từ các lĩnh vực đa dạng như thiết kế, sản xuất, thương mại...

Đặc biệt, sự kiện đã đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của Hiệp hội Thiết kế Nội thất Châu Á - Thái Bình Dương (APSDA), Hội Thiết kế Nội thất Thái Lan (TIDA), Hội Thiết kế Nội thất Singapore (SIDS) và Hội Thiết kế Nội thất Malaysia (MIID), qua đó mang đến những góc nhìn đa chiều về ngành thiết kế nội thất trong từng nền văn hóa, gợi mở định hướng phát triển và hội nhập quốc tế cho ngành Thiết kế Nội thất Việt Nam còn non trẻ.

“Hội Nội thất Việt Nam - Hành trình phát triển và hội nhập quốc tế"

Hội nhập quốc tế là một quá trình tất yếu trong xã hội, thúc đẩy các quốc gia tiến nhanh trên con đường theo đuổi sự văn minh và thịnh vượng. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ dừng ở mức độ hội nhập tương đối sâu với vị trí, vai trò nhất định trong một số lĩnh vực. Dễ nhận thấy, bức tranh toàn cảnh hội nhập vẫn thiếu vắng sự xuất hiện của ngành Nội thất Việt Nam, trong khi bản thân ngành có sự ảnh hưởng qua lại tới nhiều khía cạnh của xã hội, đồng thời đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung.

Hoạt động trao đổi chuyên môn “Hội Nội thất Việt Nam - Hành trình phát triển và hội nhập quốc tế” đánh dấu sự quy tụ lần đầu của các chuyên gia uy tín từ các Hiệp hội Thiết kế Nội thất uy tín tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Châu Á Thái Bình Dương: GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, NTK Korakoth Kunalungkarn - Chủ tịch Hội Thiết kế Nội thất Thái Lan, KTS Lê Trương - Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam, NTK Keat Ong - Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế Nội thất Châu Á - Thái Bình Dương (APSDA) và NTK Alan Ong - Đại diện Hội Thiết kế Nội thất Singapore (SIDS).

“Việc cần có một tổ chức khu vực chính quy để hỗ trợ chuyên môn, vận hành, thúc đẩy giao lưu, trao đổi, thảo luận và hợp tác giữa các quốc gia là vô cùng cần thiết. Đó cũng là lý do chúng tôi xây dựng và phát triển APSDA, tích cực tham gia trao đổi, giao lưu với Hội Nội thất các nước trong khu vực. - Ông Keat Ong phát biểu trong sự kiện.

Ảnh: NTK Keat Ong chia sẻ về Hiệp hội Thiết kế Nội thất Châu Á - Thái Bình Dương (APSDA)

Ảnh: NTK Keat Ong chia sẻ về Hiệp hội Thiết kế Nội thất Châu Á - Thái Bình Dương (APSDA)

Chia sẻ về Toàn cảnh Hội Nội thất Việt Nam - Cơ hội và Thách thức, KTS Lê Trương - Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam cho biết: “Có thể thấy, mặc dù ở Việt Nam ngành Nội thất đã bắt đầu được đào tạo từ 60 năm trước nhưng hiện tại vẫn chưa có tính chính danh nghề nghiệp, các sinh viên Thiết kế Nội thất sau khi tốt nghiệp vẫn chưa có chứng chỉ hành nghề chính thức và phí thiết kế vẫn còn vắng bóng trên văn bản pháp quy của Bộ Xây dựng, dẫn đến rất nhiều bất cập, khó khăn khi thực hành nghề”.

Ảnh: KTS Lê Trương chia sẻ về toàn cảnh Nội thất Việt

Ảnh: KTS Lê Trương chia sẻ về toàn cảnh Nội thất Việt

Đề cập tới câu chuyện định vị/ đi tìm Bản sắc Việt trong Thiết kế Nội thất, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - Chuyên gia về văn hóa, người dành cả cuộc đời chuyên tâm giữ gìn hồn cốt văn hóa của dân tộc chia sẻ: “Bên cạnh việc gìn giữ bản sắc Việt trong thiết kế Nội thất, các nhà thiết kế, các nhóm ngành nội thất liên quan cũng cần rất quan tâm đến câu chuyện bản địa hóa - toàn cầu hóa, làm thế nào để những thiết kế tự nó kể câu chuyện Việt Nam, đồng thời hội nhập, phù hợp với thị trường khu vực và quốc tế”.

Mang đến góc nhìn quốc tế, NTK Korakoth Kunalungkarn - Chủ tịch Hội Nội thất Thái Lan (TIDA) và NTK Alan Ong - Đại diện Hội Thiết kế Nội thất Singapore (SIDS) chia sẻ câu chuyện về tầm nhìn, vai trò của Hội Nội thất các nước tới sự phát triển ngành ở từng quốc gia; sự cần thiết của tính chính danh nghề nghiệp trong lĩnh vực Thiết kế Nội thất và khả năng tác động của các công tác định hình này tới sự phát triển toàn ngành.

NTK Korakoth Kunalungkarn cho biết:“Từ những ngày đầu thành lập, đơn vị đã luôn định hướng các quy cách, hoạt động tới 03 đối tượng chính, bao gồm Nhóm các chuyên gia chuyên nghiệp, Nhóm các Nhà thiết kế Nội thất trẻ và Nhóm sinh viên, nhằm đào tạo liên tục và thiết lập, nuôi dưỡng, phát triển một mạng lưới quốc tế gồm các học giả và chuyên gia hợp tác làm việc cùng nhau để duy trì các tiêu chuẩn và thực hành Thiết kế Nội thất chuyên nghiệp”.

Ảnh: NTK Korakoth Kunalungkarn chia sẻ về TIDA cũng như cách thiết kế nội thất đương đại Thái Lan kể câu chuyện bản sắc văn hóa

Ảnh: NTK Korakoth Kunalungkarn chia sẻ về TIDA cũng như cách thiết kế nội thất đương đại Thái Lan kể câu chuyện bản sắc văn hóa

Trong khi đó, NTK Alan Ong nhấn mạnh vào các sáng kiến và sự hỗ trợ của SIDS đối với ngành Thiết kế Nội thất cũng như mối quan hệ tương hỗ giữa di sản văn hóa, giáo dục và thiết kế đương đại. Đây đều là những đóng góp vô cùng thiết thực đối với sự vận hành và phát triển của Nội thất Việt.

Ảnh: NTK Alan Ong đưa đến góc nhìn về tầm quan trọng của Hội Nội thất tới sự phát chung toàn ngành

Ảnh: NTK Alan Ong đưa đến góc nhìn về tầm quan trọng của Hội Nội thất tới sự phát chung toàn ngành

Kết lại chuỗi tham luận, NTK Keat Ong, Chủ tịch Hội Nội thất Châu Á - Thái Bình Dương mang đến góc nhìn tổng quát về tác động của các Hội - Hiệp hội Thiết kế Nội thất, đồng thời nhấn mạnh định vị tầm vóc văn hóa đặc trưng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, ở thời điểm hiện tại, quốc tế hay khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đều đã rất rõ ràng về khái niệm “Nhà thiết kế Nội thất - Interior Designer”. Mới đây Hiệp hội thiết kế Nội thất Châu Á - Thái Bình Dương (APSDA) cũng đã chính thức ban hành chứng chỉ hành nghề quốc tế, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đào tạo và hành nghề nói chung, mở ra chặng đường phát triển đa chiều, đa diện.

Ảnh: Điều phối tọa đàm NTK Lưu Việt Thắng và các diễn giả GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, NTK Korakoth Kunalungkarn, KTS Lê Trương, NTK Keat Ong và NTK Alan Ong

Ảnh: Điều phối tọa đàm NTK Lưu Việt Thắng và các diễn giả GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, NTK Korakoth Kunalungkarn, KTS Lê Trương, NTK Keat Ong và NTK Alan Ong

Mỗi diễn giả là một mảnh ghép quan trọng, chia sẻ những góc nhìn rất riêng tại sự kiện, từ đó tạo nên một bức tranh hoàn thiện về sự phát triển và hội nhập quốc tế của Nội thất Việt.

Câu chuyện được khai mở trong tọa đàm mang tới nhiều góc nhìn đa chiều, từ đó, mỗi cá nhân, tổ chức có thể nhìn nhận lại và định hướng phát triển bền vững khi gia nhập vào thị trường nội thất toàn cầu.

Hội Nội thất Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Thiết kế Nội thất Châu Á - Thái Bình Dương

Trong khuôn khổ của sự kiện, nhằm thúc đẩy sự phát triển, hội nhập quốc tế toàn diện, Nhà thiết kế Keat Ong - Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế Nội thất Châu Á - Thái Bình Dương (APSDA) đã trao chứng nhận cho KTS Lê Trương - Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam, công bố Hội Nội thất Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Thiết kế Nội thất Châu Á - Thái Bình Dương, từ đó thiết lập nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai đơn vị.

Với sự gia nhập của Hội Nội thất Việt Nam, Hiệp hội thiết kế Nội thất Châu Á - Thái Bình Dương chính thức nâng con số hội viên chính thức lên 15 thành viên. Đây là một động thái có ý nghĩa không chỉ riêng với Hội Nội thất Việt Nam mà còn với các hoạt động giao lưu, trao đổi tích cực, đây sẽ là những bước tiến mạnh mẽ nhằm nâng cao hơn nữa tự tôn văn hóa trong Thiết kế Nội thất trên toàn khu vực.

Ảnh: KTS Lê Trương – Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam nhận quyết định kết nạp hội viên từ NTK Keat Ong – Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế Nội thất Châu Á – Thái Bình Dương

Ảnh: KTS Lê Trương – Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam nhận quyết định kết nạp hội viên từ NTK Keat Ong – Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế Nội thất Châu Á – Thái Bình Dương

Đặt ra những lộ trình rất rõ ràng, nhận sự hỗ trợ đồng hành của các Hội Nội thất nước bạn và Hiệp hội thiết kế Nội thất Châu Á - Thái Bình Dương, Hội Nội thất Việt Nam đặt mục tiêu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng ngành trong nước, tương lai trở thành một trong những ngành nghề hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả.

Trưng bày Giải thưởng Sinh viên Nội thất

Trưng bày Giải thưởng sinh viên Nội thất là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện ID.Forum được tổ chức thường niên, được đồng tổ chức bởi Hội Nội thất Việt Nam (VNIA) và Cộng đồng Thiết kế Nội thất trẻ Việt Nam (YIDC), hiện đã bước sang mùa thứ 5 với các hoạt động trao đổi chuyên môn, trưng bày triển lãm và Giải thưởng Sinh viên Nội thất.

Tiếp nối sự thành công của Triển lãm Thiết kế Nội thất Việt Nam - Thái lan 2023, triển lãm Giải thưởng sinh viên Nội thất lần này có sự góp mặt của 4 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á bao gồm: Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Malaysia.

Ảnh: Không gian trưng bày Giải thưởng Sinh viên Nội thất tại khách sạn Novotel Thái Hà

Ảnh: Không gian trưng bày Giải thưởng Sinh viên Nội thất tại khách sạn Novotel Thái Hà

Với những tác phẩm thiết kế xuất sắc được lựa chọn từ các giải thưởng uy tín tại từng quốc gia, triển lãm đã thu hút được sự quan tâm lớn từ khách mời sự kiện.

Trong khuôn khổ chương trình, vào buổi sáng cùng ngày đã diễn ra hoạt động trao đổi chuyên môn “Thiết kế bản vẽ sự nghiệp” và Lễ trao giải Giải thưởng Sinh viên Nội thất 2023 với sự góp mặt của hơn 200 đại biểu, khách mời.

ID.FORUM là chuỗi sự kiện chuyên môn uy tín hàng đầu cho cộng đồng Nội thất tại Việt Nam do Diễn đàn Sinh viên Nội thất kết hợp cùng Hội Nội thất Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của Hiệp hội Thiết kế Nội thất Châu Á - Thái Bình Dương, Hội Thiết kế Nội thất Thái Lan, Hội Thiết kế Nội thất Singapore, Hội Thiết kế Nội thất Malaysia; sự đồng hành của các thương hiệu: An Cường, Vicostone, Toshiba, Deborah, BoConcept, Đồng Gia, Blum,....

Hải Dương

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/noi-that-viet-nam-tren-hanh-trinh-phat-trien-va-hoi-nhap-quoc-te-121395.htm