Nơi thượng nguồn sông Bứa

PTĐT - Len lỏi qua các vạt rừng, vách núi của đại ngàn Sơn La, suối Lèo, suối Lang chảy về đến chân đèo Cón thuộc xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn thì hợp lưu đổ về xuôi với tên gọi sông Vàng, sông Bứa.

Lớp ghép 3,4 tại điểm lẻ khu Ngả Hai của Trường Tiểu học Thu Cúc 1.

Lớp ghép 3,4 tại điểm lẻ khu Ngả Hai của Trường Tiểu học Thu Cúc 1.

PTĐT - Len lỏi qua các vạt rừng, vách núi của đại ngàn Sơn La, suối Lèo, suối Lang chảy về đến chân đèo Cón thuộc xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn thì hợp lưu đổ về xuôi với tên gọi sông Vàng, sông Bứa. Có lẽ từ đặc điểm này mà những người Mường đầu tiên di cư từ dãy núi cao bên phía Phù Yên về đây khai hoang lập ấp gọi tên đất là Ngả Hai. Theo thời gian, từ mấy mái tranh dựng tạm bên ven suối, khu dân cư Ngả Hai giờ đã có 157 nóc nhà với gần 600 nhân khẩu. Dựa cả vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy nên cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Thiếu… sinh viên!
Cách trung tâm xã hơn chục cây số với con đèo Cón cao ngất, quanh co, hiểm trở, cuộc sống của người dân Ngả Hai gian nan, vất vả hơn nhiều so với các khu dân cư trong xã. Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến lớp, khu lẻ trường mầm non, tiểu học đã được xây dựng tại khu với các giáo viên điều động từ khu trung tâm lên giảng dạy. Hai năm trước, khu lẻ mầm non Ngả Hai thuộc trường Mầm non Thu Cúc 1 được doanh nghiệp hảo tâm đầu tư xây mới nhà lớp học khang trang, bếp ăn bán trú đảm bảo điều kiện theo quy định chuẩn Quốc gia, sân chơi với các vật dụng, trang thiết bị tiêu chuẩn như: Cầu trượt, xích đu… Các cô giáo và bà con dân bản mừng lắm. Ngày trước, mấy ai dám mơ ước nơi đèo heo hút gió này mà trẻ nhỏ được học trong ngôi trường đẹp và hiện đại như… thành phố! Cơ sở vật chất đảm bảo đã tạo điều kiện thuận lợi, động lực giúp các cô giáo khu lẻ hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Mấy năm học gần đây, điểm trường luôn đảm bảo 100% trẻ đúng độ tuổi vào phổ cập, 100% trẻ mầm non đủ điều kiện vào lớp 1. Hiện tại, điểm trường đảm bảo phục vụ 2 bữa/ ngày với trẻ mẫu giáo và 3 bữa/ngày với trẻ mầm non, đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.Không thuận lợi như điểm lẻ mầm non nhưng 4 lớp học của 54 học sinh tiểu học khu Ngả Hai cũng đang được học trong dãy nhà cấp 4 khá vững chắc. 9 học sinh lớp 3 và 7 học sinh lớp 4 hiện vẫn học ghép do cô giáo Trần Thị Lan đứng lớp. Nhà trường đã xin kéo nhờ điện của nhà dân gần đấy để lắp bóng chiếu sáng, quạt điện phục vụ học sinh nhưng sử dụng rất hạn chế do giá điện cao gấp 3,4 lần. Cũng do chưa có đường truyền Internet nên dù rất muốn thử sức nhưng các học sinh của khu lẻ chẳng thể tham gia các cuộc thi trên mạng. Thầy Tống Hồng Tâm-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thu Cúc 1 chia sẻ: “Nhìn chung, cơ sở vật chất của khu lẻ hiện tại đáp ứng nhu cầu dạy và học. Học sinh đạt chuẩn kiến thức kỹ năng. Tuy nhiên, do địa bàn vùng cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên việc học của các cháu cũng còn nhiều thiệt thòi. Khu lẻ vẫn chưa tổ chức được bán trú, nhiều năm nay không có học sinh tham gia, đạt giải trong các kỳ thi tuyển học sinh giỏi…”. Dẫu khó khăn, thiếu thốn nhưng điều kiện học tập của học sinh tiểu học Ngả Hai vẫn là… lý tưởng so với các cấp học cao hơn. Bởi lẽ, để học lên THCS, người dân nơi đây buộc phải cho con ở trọ, học ở bán trú dân nuôi dưới trung tâm xã vì không thể để các cháu vượt hơn chục cây số đèo dốc đến trường, càng không thể ngày ngày đưa đón. Lên đến bậc THPT, khoảng cách đến trường càng kéo dài thêm cả chục cây số nữa. Thế nên sau bậc tiểu học, số lượng học sinh theo học cứ suy giảm dần theo từng cấp học. Năm học này, cả khu Ngả Hai có 21 học sinh theo học THCS và chỉ có 1 học sinh theo học THPT. Từ khi hạ sơn về định cư sinh sống, khu Ngả Hai chưa có ai tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học. Ước mơ có con em học hành thành đạt, trở về phục vụ, xây dựng quê hương vẫn xa vời như những dãy núi mờ sương phía bên kia đèo Cón…!Thừa… hộ nghèo!
Với 60 hộ thuộc diện nghèo, 40 hộ cận nghèo trên tổng số 157 gia đình, Ngả Hai hiện là khu dân cư có tỷ lệ hộ nghèo đứng trong tốp đầu của tỉnh. Nói về chuyện mở hướng phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo vươn lên làm giàu, Bí thư chi bộ Hà Văn Phượng than thở: “Khó lắm, bà con Ngả Hai chỉ quen làm ruộng và đi rừng thôi, không biết ngành nghề phụ nào. Lúc nông nhàn, ai có sức thì đi ra ngoài tìm việc cả. Thanh niên lớn lên là rời làng đi kiếm việc ngay. Ngày thường, nhà nào cũng chỉ có người già, trẻ nhỏ quanh quẩn vào ra. Nhưng lao động phổ thông, ráo mồ hôi là hết tiền, đi làm quanh năm mà vẫn thiếu đói. Cái chính vẫn là bà con thiếu đất sản xuất và chưa nhanh nhạy, mạnh dạn trong đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh…”. Cả khu Ngả Hai hiện có 16,7ha đất nông nghiệp có thể trồng được 2 vụ lúa. Người dân giờ đã áp dụng kỹ thuật canh tác mới, sử dụng giống lúa lai nên năng suất bình quân cũng đạt 2 tạ/ sào. Tuy nhiên, diện tích nhỏ nên sản lượng làm ra chỉ tạm đủ cung cấp lương thực cho cuộc sống hàng ngày. Cây ngô, hoa màu mới được trồng thử nghiệm nhưng kết quả không mấy khả quan. Thế mạnh của Ngả Hai là đất lâm nghiệp. Thế nhưng diện tích đồi rừng bạt ngàn chủ yếu thuộc quyền quản lý, sử dụng của công ty lâm nghiệp. Đất rừng quy chủ chia bình quân mỗi hộ chưa đầy 0,5ha. Trong đó nhiều nhà có 3-4ha đất rừng và rất nhiều hộ không có chút nào. Mấy năm gần đây, được tập huấn, tuyên truyền về pháp luật quản lý, bảo vệ rừng và trực tiếp thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng rừng, nhận thức của người dân đã thay đổi tích cực. Các chu kỳ nối tiếp nhau, toàn bộ rừng sản xuất đều được người dân phủ xanh bằng các giống cây nguyên liệu phù hợp với thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao. Không ít gia đình có cuộc sống khá giả nhờ phát triển kinh tế đồi rừng. Đơn cử như gia đình Bí thư chi bộ Hà Văn Phượng có 4ha trồng keo kết hợp chăn nuôi khoảng 60 con bò, gà thả vườn… thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm. Vấn đề cốt lõi vẫn là tư duy và tư liệu sản xuất.!Đến giờ Ngả Hai vẫn chưa có điện lưới Quốc gia. Những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hơn đầu tư mua thiết bị phát điện mini bằng sức nước đặt trên suối hoặc đấu nối từ các gia đình bên Phù Yên (Sơn La) với giá tiền đắt gấp 3- 4 lần mà điện vẫn phập phù do khoảng cách xa. Những gia đình còn lại vẫn chịu cảnh đèn dầu, quạt nan!Mục tiêu lớn của Ngả Hai hiện giờ là phấn đấu hoàn thành xây dựng khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới. Bà con đồng thuận, hưởng ứng tích cực nhưng do điều kiện kinh tế có hạn nên mới chỉ dừng lại ở việc sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công lao động xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Hiện tại, khu mới đạt tỷ lệ người dân tham gia BHYT do 100% là đồng bào dân tộc thiểu số nên được cấp thẻ miễn phí; nhà văn hóa và 500m đường bê tông giao thông nông thôn do Nhà nước đầu tư… Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa của Nhà nước, mục tiêu xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn nơi thượng nguồn sông Bứa chỉ có thể hoàn thành khi người dân nơi đây thực sự đồng thuận, nỗ lực vượt khó với tư duy nhanh nhạy, mạnh dạn mở hướng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.

Cẩm Ninh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201912/noi-thuong-nguon-song-bua-168151