Nổi tiếng, tai tiếng cũng vì kiếm bộn tiền
Người chưa có danh tiếng cố kiếm danh bằng mọi giá, một số người nổi tiếng cũng hám danh quá đà. Danh tiếng tạo ra nguồn thu 'khủng' của nghệ sĩ. Lập danh, kiếm tiền là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên một bộ phận nghệ sĩ tận dụng hình ảnh và tiếng tăm quá đà để kiếm tiền.
Quảng cáo thổi phồng
Showbiz có thời gian rộ lên những nghệ sĩ đi bán hàng, quảng cáo về tiền ảo, thậm chí giới thiệu sản phẩm tâm linh hay mách nhau “địa chỉ” Facebook để xem bói online. MC Cát Tường trong một bài đăng quảng cáo sữa tự tin kể ra một loạt các công dụng thần thánh chẳng khác nào thuốc chữa bệnh xương khớp, có thể khiến người dùng lập tức hết bệnh chỉ sau thời gian ngắn. Lần khác, cô còn đăng bài quảng cáo “bói tử vi” trên trang Facebook chính chủ.
Quảng cáo công dụng quá đà cho viên sủi thảo dược, NSND Hồng Vân từng phải lên tiếng xin lỗi khán giả. Thực phẩm chức năng này được nghệ sĩ thổi phồng có tác dụng phòng các loại bệnh u xơ, cân bằng nội tiết tố. Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo sản phẩm không đúng công dụng như quảng cáo. Qua lời quảng bá của nghệ sĩ, thực phẩm chức năng bỗng trở thành thuốc tiên chữa bách bệnh.
Anh D.T chia sẻ: “Giá thuê người quảng cáo phụ thuộc vào việc họ nổi tiếng đến đâu. Thù lao hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung, sản phẩm hãng quảng cáo. Sản phẩm có thể gây ảnh hưởng đến danh tiếng, hình ảnh của người nổi tiếng cũng có giá cao hơn. Sản phẩm được chào mời quảng cáo với giá cao nhất là thực phẩm chức năng như tăng chiều cao, cân nặng… Giá thuê người nổi tiếng quảng cáo cho những sản phẩm như vậy tới 200-300 triệu đồng”.
Một số nghệ sĩ cũng tiếp tay cho truyền bá mê tín dị đoan, giúp một số chủ cửa hàng bán đồ phong thủy trục lợi. Công thức chung là dưới bài đăng lăng xê về bùa may mắn, vòng đeo hoặc đồ phong thủy, các đường dẫn được nghệ sĩ trên giới thiệu đều dẫn về một trang Facebook chuyên bán đồ phong thủy có giá cao ngất ngưởng nhưng chất lượng chưa được kiểm chứng. Mỗi bài đăng quảng cáo sản phẩm như vậy, nghệ sĩ thu về một khoản thù lao không nhỏ.
Giữa năm 2021, loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng như Nam Thư, Kiều Minh Tuấn, Khả Như, Ngọc Trinh… đồng loạt đăng tải thông tin về mã tiền ảo trên trang cá nhân. Một số nghệ sĩ xin lỗi, nhưng không ít người chọn im lặng cho qua.
Mài danh ra... tiền
Không chỉ trên mạng xã hội, nghệ sĩ và chiêu trò đi liền với nhau trong các chương trình truyền hình thực tế. Chiêu trò càng hút dư luận, danh tiếng và cát xê càng được đẩy cao. Ở chương trình Kỳ tài thách đấu, Trấn Thành nói Hương Giang Idol “sặc mùi silicon”, Trường Giang nhắc đi nhắc lại nhiều lần chuyện nữ ca sĩ không thể sinh con. Hai ngôi sao làng hài không thiếu những pha vạ miệng gây tranh cãi, nhưng mời được họ tham gia chương trình, nhà sản xuất cũng phải mạnh chi cát-xê.
Không rèn luyện, danh tiếng cũng chỉ là “giả”
TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên nhận định, danh tiếng là nhu cầu chính đáng, là động lực để phấn đấu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là nghệ thuật, giải trí. Danh phải đi với thực giống như nội dung đi với hình thức. Một vẻ đẹp bên ngoài phải đi cùng vẻ đẹp bên trong, chiều sâu của tâm hồn, trí tuệ. Tuy nhiên, nếu chỉ chú ý cái danh bên ngoài mà không nỗ lực phấn đấu, rèn luyện cái thực bên trong, danh có cũng không được lâu bền vì bản chất anh vẫn là “đồ giả”.
“Nghệ sĩ muốn có danh bằng mọi giá cũng có nhiều nguyên nhân. Có thể, họ muốn có thành tựu sớm mà không cần phải nỗ lực nhiều. Danh sẽ đem lại cho họ nhiều cơ hội, tiền bạc, làm họ thỏa mãn cái tôi. Họ muốn tỏ ra mình hơn người khác, muốn đi đâu, làm gì, ở đâu cũng được mọi người ngưỡng mộ, thán phục…Chính vì suy nghĩ có phần lệch lạc đó những người háo danh thường ít chấp nhận ý kiến trái chiều, sự góp ý của mọi người. Chính điều đó lại càng đẩy họ sống xa cái thực hơn, khiến họ khó quay trở lại điểm xuất phát của nghệ sĩ là cống hiến hết mình cho nghệ thuật”, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh nêu. NGUYÊN KHÁNH
Anh D.T (Hà Nội), nhân viên của một công ty cho biết, để có một buổi quay livestream (phát sóng trực tiếp) kéo dài khoảng 2 tiếng giới thiệu về sản phẩm, công ty cần trả cho nghệ sĩ từ 50-80 triệu đồng. Giá tiền này chưa bao gồm giá sử dụng hình ảnh của nghệ sĩ mà chỉ tính trong thời điểm ghi hình buổi phát sóng trực tiếp. Nếu muốn sử dụng hình ảnh, video clip của nghệ sĩ đó cần trả thêm phí sử dụng hình ảnh dao động 10-20 triệu đồng/tháng. Đây là thù lao dành cho những diễn viên truyền hình có độ nhận diện cao, thường xuất hiện trong phim khung giờ vàng của đài truyền hình quốc gia.
Anh này cũng cho biết, những diễn viên quần chúng, từng xuất hiện trên truyền hình hoặc tham gia các phim chiếu mạng sẽ có giá “mềm” hơn dao động từ 1 đến 5 triệu đồng cho một đoạn trải nghiệm sản phẩm. Danh tiếng đi liền với “núi” tiền là vì thế. Một nghệ sĩ danh tiếng bậc nhất miền Bắc và thuộc hàng đắt sô khắp cả nước từ đóng quảng cáo, tham dự sự kiện tiết lộ với Tiền Phong, cát xê tham gia một chương trình gameshow cao gấp nhiều lần thu nhập của anh ở vai trò quản lý trong cả một năm.
Tất nhiên, một số nghệ sĩ có danh đắt sô quảng cáo, sự kiện vẫn miệt mài cống hiến thông qua tác phẩm, tham gia chương trình thiện nguyện, an sinh xã hội. Trách nhiệm công dân, trách nhiệm của nghệ sĩ chính là yếu tố để phân biệt giữa nghệ sĩ nghiêm túc và những cá nhân chỉ chăm chăm kiếm tiền bằng mọi giá.
Biết điểm dừng
TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng nhận định, nghệ sĩ khác người thường ở cái danh. Nhưng sự tung hô phù phiếm, những giá trị ảo sẽ giết chết tài năng, nhân cách của nghệ sĩ. “Công chúng là một phần xúc tác làm cho nghệ sĩ ngộ nhận, tưởng mình tài giỏi nên làm trò lố lăng. Các công ty sự kiện, ông bầu, ê- kíp lại tích cực chăm sóc, lăng xê nghệ sĩ. Sự lăng xê theo cơ chế thị trường nhằm mục đích tăng quảng cáo, tăng thu nhập. Từ đó, nghệ sĩ không biết điểm dừng mà bất chấp tất cả để nổi tiếng, kiếm tiền”, TS. Trần Hữu Sơn chia sẻ với Tiền Phong. Ông chỉ ra, nhiều nghệ sĩ có sự chín chắn, có phông văn hóa tốt sẽ khó “sa ngã” hơn. Phông văn hóa tạo ra chuẩn mực, để nghệ sĩ biết rèn mình. Nhiều nghệ sĩ thiếu chuẩn mực đó vì thói quen sống ảo chi phối.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật T.Ư (LLPBVHNT) cho rằng, nghệ sĩ cần tự nhận thức về trách nhiệm đối với công chúng, nhất là khi đồng ý quảng cáo sản phẩm để nhận thù lao. “Những lời quảng cáo do nhãn hàng biên soạn liệu có phóng đại quá mức, thậm chí mang tính chất lừa dối khách hàng, công chúng. Nghệ sĩ cần có sự cân nhắc và từ chối quảng cáo sản phẩm đó”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết.
Ứng xử của nghệ sĩ thuộc về phạm trù văn hóa. Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc khẳng định, nghệ sĩ là người làm công tác văn hóa, có vai trò bảo vệ văn hóa. Bởi vậy, người của công chúng phải cẩn thận trong giao tiếp. Cách ứng xử cũng phải tùy theo hoàn cảnh, tình huống, thể hiện sự văn minh. NSND Trần Minh Ngọc bất bình khi những hiện tượng bất chấp tai tiếng để nổi tiếng vẫn tồn tại trong giới giải trí - nghệ thuật.
“Nhiều nghệ sĩ vì giá trị phù phiếm hoặc danh lợi trước mắt mà gây nhiễu loạn không gian mạng bằng những nội dung tiêu cực. Nguyên nhân đến từ việc hội nhập với những giá trị văn hóa bên ngoài, chúng ta tiếp nhận nhưng thiếu chọn lọc. Danh tiếng của nghệ sĩ đôi khi bị đề cao, thổi phồng quá đà. Họ tưởng mình là cao nhất, duy nhất”, NSND Trần Minh Ngọc nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/noi-tieng-tai-tieng-cung-vi-kiem-bon-tien-post1541045.tpo