Nơi 'trị bệnh' xe - máy quân sự
Những năm qua, Xưởng Sửa chữa ô tô 387 (Cục Kỹ thuật Quân khu 5) luôn chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật trong bảo dưỡng, sửa chữa các chủng loại xe-máy quân sự, trở thành địa chỉ tin cậy của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên.
Khắc phục “sức ì”, đề cao nêu gương
Trời xế chiều, nhưng ở Phân xưởng Sửa chữa ô tô (Xưởng Sửa chữa ô tô 387), tiếng búa vẫn chát chúa, tiếng cờ-lê lách cách, tiếng động cơ rền vang. Thể hiện sự tâm đắc khi Thiếu tá Khương Linh Hương, Quản đốc phân xưởng giới thiệu khái quát những nét chính về nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Văn Phương, Chính trị viên Xưởng Sửa chữa ô tô 387 chia sẻ: “Xưởng coi trọng tạo nguồn nhân lực tại chỗ; lựa chọn nguồn cán bộ, kỹ sư, thợ kỹ thuật trẻ, có năng lực, giao người có kinh nghiệm, tay nghề cao kèm cặp người mới, người yếu, bảo đảm đội ngũ kế cận có đủ năng lực thay thế. Kinh nghiệm giúp đơn vị nhiều năm hoàn thành tốt nhiệm vụ là chủ động khắc phục “sức ì”, đề cao vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, công tác huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật được đơn vị tiến hành đồng bộ, nhất là huấn luyện nâng cao trình độ sử dụng trang thiết bị mới; tập huấn nội dung công nghệ mới. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, Xưởng ưu tiên thời gian thực hành thông qua thực tế bảo dưỡng, sửa chữa tại các phân xưởng; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng chuyên sâu. Không chỉ khoanh vùng hỏng hóc, cán bộ, nhân viên đi sâu phát hiện, bảo dưỡng, sửa chữa từng chi tiết xe-máy.
Phần lớn kỹ sư trẻ, công nhân, thợ kỹ thuật chưa có điều kiện tiếp cận các loại xe-máy thế hệ mới nên đơn vị chủ động liên hệ, phối hợp với Cục Xe-Máy, Tổng cục Kỹ thuật và các trường đào tạo nghề để gửi cán bộ, nhân viên đi đào tạo, bồi dưỡng. Từ những hạt nhân này, Xưởng thành lập các tổ giáo viên, biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho toàn đơn vị.
Sau nhiều năm được đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các dây chuyền bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định xe-máy, đến nay, trang thiết bị của Xưởng đã được hiện đại hóa, như: Máy phay, tiện CNC... đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa xe-máy thế hệ mới và bảo đảm sản xuất vật tư, phụ tùng thay thế với độ chính xác, thẩm mỹ cao. Trước đây, các chi tiết cắt gọt bằng các máy móc cũ thường phụ thuộc nhiều vào tay nghề và kinh nghiệm của người thợ thì nay được gia công hàng loạt, chất lượng đồng đều, tiết kiệm nhân công, giảm đáng kể chi phí.
Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật
Trước đây, Xưởng Sửa chữa ô tô 387 thường gặp khó khăn khi xe vào Xưởng khắc phục cụm truyền lực, nguyên nhân do không có thiết bị kiểm thử hệ thống truyền lực. Thợ sửa chữa phải thực hiện thủ công. Nhiều xe ô tô sau khi sửa chữa xong, thử nội bộ và kiểm tra ở trạng thái tĩnh không phát hiện hỏng hóc, sự cố bất thường nào, nhưng khi chạy đường dài thì hộp số lại bị rung giật, khó di chuyển cấp số...
Từ tháng 7-2021, đề tài khoa học “Thiết bị kiểm thử hệ thống truyền lực trên dòng xe Uaz quân sự” của Đại úy Ngô Đình Việt, Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ được đưa vào vận dụng đã khắc phục tình trạng này. Đặc biệt, cán bộ, nhân viên kỹ thuật sử dụng thiết bị này dễ dàng phát hiện các lỗi phát sinh sau bảo dưỡng để có phương án khắc phục, giảm tiêu hao nhiên liệu sau mỗi lần chạy thử đường dài, nâng cao năng suất lao động và không độc hại với môi trường.
Sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, Thiếu tá Võ Kim Hòa, Phó quản đốc Phân xưởng Sửa chữa ô tô và Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Kim Phượng đã dày công nghiên cứu, cho ra đời thiết bị cắt mút nệm ghế ô tô bằng lưỡi cưa vòng. Thiết bị được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian, công sức của bộ đội và có tính thẩm mỹ cao. Tương tự, Đại úy QNCN Mai Văn Sĩ, nhân viên Phân xưởng Sửa chữa ô tô đã nghiên cứu, chế tạo thiết bị kiểm thử máy phát điện trên xe ô tô. Sáng kiến góp phần quan trọng trong bảo dưỡng, sửa chữa máy phát điện các dòng xe quân sự.
Theo Trung tá Phan Văn Tiến, Giám đốc Xưởng Sửa chữa ô tô 387, hằng năm, lượng xe-máy đưa về Xưởng bảo dưỡng, sửa chữa tăng cao, trong khi vật tư, phụ tùng thay thế khan hiếm... Thực tiễn đó đòi hỏi cán bộ, nhân viên kỹ thuật của đơn vị phải chủ động tìm tòi, đề xuất ý tưởng, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn. Để phong trào đi vào chiều sâu, ngay từ đầu năm, các tập thể, cá nhân đăng ký đề tài, sáng kiến, thông qua Hội đồng Khoa học kỹ thuật và công nghệ của Xưởng xét duyệt trước khi triển khai. Mặt khác, đơn vị tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên, thợ sửa chữa tăng cường thực hành để nâng cao trình độ chuyên môn. Các đề tài, sáng kiến có tính khả thi cao, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe-máy được chỉ huy đơn vị khen thưởng. Nhờ đó, hằng năm, Xưởng có 3-5 đề tài, sáng kiến có tính khả thi, đoạt giải cao cấp Quân khu và toàn quân, được ứng dụng hiệu quả ở các cơ quan, đơn vị, tiết kiệm kinh phí hàng chục tỷ đồng.
Với tinh thần vượt khó, chủ động đi trước đón đầu, cùng giải pháp thiết thực, hiệu quả, Xưởng Sửa chữa ô tô 387 luôn là đơn vị dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng của Cục Kỹ thuật Quân khu 5; là địa chỉ tin cậy để “trị bệnh” các dòng xe-máy quân sự trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên.