Nơi ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên
Các giảng viên, nhà khoa học và từng nhóm sinh viên sau giờ lên lớp, giờ thực hành lại đến Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Hỗ trợ khởi nghiệp (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp bằng các sản phẩm khoa học và công nghệ. Mỗi ý tưởng, mỗi sản phẩm đều là những yêu cầu của cuộc sống đang cần từ kiến thức khoa học gắn với thực tiễn.
Sinh viên Trần Thị Thu Hường đang học năm thứ 3, Chương trình tiên tiến nhập khẩu của Trường Đại học Nông lâm là một trong những thành viên đoạt giải Nhất cấp trường về sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên năm 2020 với sản phẩm NOLA Flea Market Chợ phiên NOLA. Hường không tuần nào vắng mặt tại Trung tâm để hoàn thiện Dự án Chợ phiên nông lâm. Xuất phát từ ý tưởng tạo ra mô hình tổ chức chợ cho sinh viên và nhân rộng thành chợ công nghệ nông lâm, Hường và các bạn đã khảo sát thấy những vấn đề thực tiễn cuộc sống đang cần, đó là một cái chợ đúng nghĩa dành cho giới tri thức và nhu cầu người dân.
Nghĩ là làm, ban đầu chỉ là vài dòng tổng hợp giao vặt trên facebook, nhóm sinh viên..., nhưng khi được giới thiệu tiếp cận với Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Hỗ trợ khởi nghiệp, Hường đã thay đổi ý tưởng thành một dự án mô hình cả chợ phiên trực tiếp và chợ điện tử. Tháng 10-2020, Hường và các cộng sự vừa viết Dự án, vừa vận hành theo từng phiên, kết hợp hình thức online kết nối cung cầu. Hường chia sẻ: “Được các nhà khoa học tại Trung tâm tư vấn, nên Dự án được bổ sung từng bước chuyên nghiệp như: điều kiện vào chợ (mua và bán), công khai chất lượng, tính pháp lý, trách nhiệm người mua và bán, người môi giới... Chỉ sau 20 phiên, trong đó 2/3 số phiên giao dịch online đã thu hút gần chục nghìn lượt giao dịch và đạt trị giá hàng trăm triệu đồng...”.
Còn sinh viên Quách Văn Quang, đang theo học năm thứ 3 khoa Công nghệ Sinh học (Đại học Nông lâm) đến với Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Hỗ trợ khởi nghiệp như đi tìm cho mình một lối ra cho sản phẩm công nghệ. Vừa học vừa đi thực tế tại vùng núi các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên... Quang đã nghiên cứu và tìm ra những hoạt tính của cây mướp đắng rừng hỗ trợ tốt cho phòng và điều trị bệnh tiểu đường. Mướp đắng rừng thì sẵn có trong tự nhiên, nhưng tạo ra một dòng sản phẩm công nghệ, thương mại và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thì ở môi trường học tập thuần túy chuyên ngành Quang không thể mở lối cho loài cây rừng này thành thương phẩm được. Tiếp cận với các nhà khoa học, các chuyên gia tại Trung tâm, Quang đã được tư vấn thêm về các cơ sở dữ liệu khoa học, tính pháp lý, điều kiện cần và đủ đưa ra sản phẩm, tính bền vững của sản phẩm, điều kiện thương mại... Sau khi hoàn thiện các điều kiện cần thiết, ý tưởng về dược liệu mướp đắng rừng của sinh viên Quách Văn Quang và các cộng sự đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên năm 2020”. Hai sản phẩm khoa học và công nghệ tiêu biểu trên là những Dự án đã và đang hoàn thiện hồ sơ khoa học, nhưng chưa thể phản ánh hết tiềm lực mà những ý tưởng khoa học, công nghệ đang được ươm tạo tại Trung tâm đang trong quá trình thẩm định mà chưa được công bố.
Chia sẻ về hoạt động của Trung tâm, Giám đốc, PGS,TS - Đàm Xuân Vận cho biết: Trung tâm thành lập năm 2017, đến nay đã trở thành nơi ươm tạo và thắp sáng những ý tưởng khởi nghiệp cho cả sinh viên và các nhà khoa học. Nhiệm vụ của Trung tâm không thuần túy là kết nối cung cầu, hay giải quyết việc làm mà chính là mở ra không gian sáng tạo cả về học thuật và thực tiễn. Đây cũng là tiền đề để tạo nên những giá trị sản phẩm khoa học và công nghệ trong trường đại học. Đồng thời cũng là “sân chơi” cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ. Mỗi năm, Trung tâm thu hút hàng trăm nhà khoa học, hàng nghìn lượt sinh viên đến làm việc, thực tế và trải nghiệm. Bình quân mỗi năm Trung tâm đã tiếp nhận và phê duyệt hàng chục ý tưởng đổi mới sáng tạo có giá trị cao về kinh tế và ứng dụng công nghệ góp phần mở rộng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Nhà trường.