Nói xấu công ty, đồng nghiệp trên TikTok

Các clip 'điểm mặt chỉ tên' những thứ phật ý ở công việc hiện tại của dân văn phòng thu về hàng tỷ lượt xem trên TikTok, song cũng có người bị đuổi việc vì hành động này.

Vài năm trước, quán bar, pub là điểm đến quen thuộc của dân công sở sau giờ làm khi muốn than phiền về công việc, nói xấu sếp và đồng nghiệp. Sau 2 năm dịch bệnh xuất hiện, có một nơi chốn khác trở thành chỗ yêu thích cho sở thích, thói quen này của các “cổ cồn trắng”: TikTok, Instagram.

Một loạt video nói về cuộc sống văn phòng giờ càng thịnh hành trên nền tảng có 1 tỷ người dùng mỗi tháng này. Các clip có độ dài vài chục giây, thường được lồng kèm các bài hát để tăng tính mỉa mai hoặc đôi khi chứa cả ngôn từ chửi thề, tục tĩu, thu về hàng triệu lượt xem.

Các hashtag đi kèm phổ biến cho trào lưu này là #worktok, #careertok, #work.

Nội dung của chúng chủ yếu xoay quanh các phàn nàn, chế giễu công việc hiện tại; từ việc khó chịu khi phải bật camera khi họp online hay việc luôn phải báo cáo công việc với sếp.

 Trái với trước, nhân viên văn phòng sẵn sàng "khoe" những điều chán nhất ở công việc hiện tại của họ lên mạng xã hội. Ảnh: BBC.

Trái với trước, nhân viên văn phòng sẵn sàng "khoe" những điều chán nhất ở công việc hiện tại của họ lên mạng xã hội. Ảnh: BBC.

Theo BBC, những video này đã phơi bày cách việc làm đã hoàn toàn thay đổi trong 2 năm qua. Một mặt, chúng xem xét lại những tiêu chí đánh giá công việc lâu đời, còn mặt khác chỉ ra những đòi hỏi vô lý ở quản lý, người lao động.

Phàn nàn công ty từ những thứ nhỏ nhất

Số ít video quay bởi những người sáng tạo nội dung và diễn viên hài với hàng trăm nghìn người theo dõi. Phần đông vẫn do dân văn phòng làm công việc toàn thời gian thực hiện, từ nhân viên cửa hàng đồ ăn nhanh cho đến dân ngành tài chính.

Với nhiều ngành nghề được đề cập, người dùng liên tục tò mò về những câu chuyện được tiết lộ.

Chase Coleman, làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Mỹ, chuyên làm clip “gỡ rối” về các vấn đề nhỏ nhặt như cách hoàn toàn tách khỏi máy tính sau giờ làm hay giải quyết hàng chục email một lúc.

Henry Nelson-Case, một luật sư tại Anh, lại có đông lượt theo dõi nhờ chế giễu các ông chủ thích vắt kiệt sức lực nhân viên và liên tục nhấn mạnh người đi làm nên ưu tiên sức khỏe của mình lên hàng đầu vì nhiều công ty chỉ coi họ là công cụ kiếm tiền.

Dịch bệnh và chuyển sang làm việc tại nhà được coi là yếu tố chính đã thôi thúc trào lưu này ra đời.

"Thành thật mà nói, tôi cảm thấy buồn chán khi nằm dài trên ghế ở nhà”, Coleman nói.

 Henry Nelson-Case có đông lượt xem nhờ những clip kêu gọi dân văn phòng chú trọng sức khỏe tinh thần, thay vì cống hiến bạt mạng cho công việc. Ảnh: BBC.

Henry Nelson-Case có đông lượt xem nhờ những clip kêu gọi dân văn phòng chú trọng sức khỏe tinh thần, thay vì cống hiến bạt mạng cho công việc. Ảnh: BBC.

Kể từ lúc WFH, anh thấy mình bắt đầu tắm, giặt giũ hoặc ngủ trưa trong giờ làm việc. Khi lướt TikTok, anh ngạc nhiên khi thấy mình “không phải người duy nhất” lén dắt chó đi dạo.

Nhiều video của Coleman tập trung nói về những hành động mà người nào làm việc từ xa cũng làm, chỉ có nói ra hay không, như loanh quanh làm việc riêng, dọn dẹp nhà cửa trong khi phút chốc lại ngồi vào máy tính để đảm bảo không lỡ mất tin nhắn hay các cuộc họp quan trọng.

Đối với luật sư Nelson-Case, #worktok cho thấy "rất nhiều người trong chúng ta có những trải nghiệm giống nhau, bất kể công việc của mỗi người một khác".

Nelson-Case nhớ lại một video của mình, trong đó anh khóc khi bị cấp trên gọi là "ngu ngốc", bị hỏi là "có não không".

"Với vị trí một luật sư cấp dưới, tôi thường xuyên cảm thấy nhỏ bé, căng thẳng, lo lắng và đôi khi bỏ vào phòng vệ sinh để khóc. Thật không may, tôi không phải người duy nhất trải qua cảm giác đó", anh cho biết đã có hàng trăm người xem bình luận đồng cảm với mình bên dưới video.

Bị đuổi việc

Trước kia, thông báo công khai điều không hay ở nơi làm việc bị xem là không khôn ngoan, thiếu khéo léo, tự đưa mình vào thế khó. Việc chê bai môi trường làm việc ngay cả khi đã nghỉ làm cũng không được khuyến khích vì dễ làm các nhà tuyển dụng sau này có cái nhìn thiếu thiện cảm về ứng viên.

Nhưng sau hơn 2 năm đại dịch làm lao đao thị trường lao động và những xáo trộn tâm lý do tình hình rối ren, một bộ phận nhân viên sẵn sàng từ chối các tiêu chuẩn nghề nghiệp cũ và nói lên quan điểm cá nhân.

Coleman tin rằng sự gia tăng của các clip nói xấu, bóc trần về công ty là một phần của cuộc trưng cầu dân ý rộng hơn về tình trạng công việc hiện tại.

"Nhiều nhân viên nhận ra không nhất thiết phải ở văn phòng mỗi ngày hoặc lãng phí thời gian trong cuộc họp online không cần thiết trong khi họ đang ốm, mất ngủ", anh nói. Chúng tôi đang làm nổi bật sự lố bịch của văn hóa doanh nghiệp như một số doanh nghiệp yêu cầu nhân viên phải online 24/7", anh nói.

 Những video mang nội dung chỉ trích đồng nghiệp và hội đồng nhà trường của Johnson sau khi bị đuổi việc. Ảnh: Nicole Johnson.

Những video mang nội dung chỉ trích đồng nghiệp và hội đồng nhà trường của Johnson sau khi bị đuổi việc. Ảnh: Nicole Johnson.

Coleman tin rằng trào lưu làm clip "kể xấu" công ty phản ánh "sự nhận thức chung" về những gì người lao động đang phải trải qua bây giờ và những thứ họ cho là văn hóa công sở độc hại.

"Tôi không cần phải lúc nào cũng có mặt để đáp ứng nhu cầu của người. Tôi có một cuộc đời cá nhân để sống và tôi cần chăm sóc bản thân", người đàn ông nhấn mạnh.

Tuy vậy, đăng tải video TikTok nói về công việc hiện tại không phải lúc nào cũng có lợi, hoặc thậm chí dẫn đến cái kết mất việc.

Đầu tháng 8, một giáo viên tên Nicole Johnson (29 tuổi) bị cho thôi việc vì làm clip phản ứng lại thái độ của đồng nghiệp.

Trong một video, Johnson chia sẻ rằng một đồng nghiệp đã chỉ trích việc cô sử dụng TikTok với hội đồng nhà trường. Mục đích của việc này là khiến cô thất nghiệp.

Trước đó, Johnson từng khoe trên TikTok: “Tôi nói với đồng nghiệp rằng không thể đến sớm vì có con nhỏ, nhưng hôm nào tôi cũng đến cùng một cốc Starbucks”.

Phản hồi về ý kiến của đồng nghiệp, Johnson phản bác lại: “Tôi không cảm thấy video có vấn đề. Tôi không chửi thề, không quay nội dung tiêu cực, hay quấy rối ai”.

Johnson cho biết cô đã bị chỉ trích là "thiếu chuyên nghiệp" khi đăng tải những nội dung về công việc trên trang cá nhân. Đây cũng là lý do Johnson bị cho thôi việc. Trước đó, cô nhiều lần bị nhà trường cảnh báo vì làm video "mang tính quấy rầy đồng nghiệp".

Tháng 7 vừa qua, Lexi Larson, một người dùng TikTok sống tại Denver (Mỹ), cũng đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng cô đã bị đuổi việc sau khi đăng clip nói về mức lương của mình.

Dù nội dung cô đăng tải không vi phạm bất kỳ quy định nào, nhưng cô vẫn bị sa thải với lý do bảo mật. Larson cho biết: "Tôi đã phải đánh đổi công việc vì TikTok".

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-xau-cong-ty-dong-nghiep-tren-tiktok-post1349019.html