Nói xấu lãnh đạo cấp cao, nữ streamer bị xử lý ra sao?
Theo luật sư, dưới góc độ hành chính, nữ streamer có thể bị xử phạt 10-20 triệu đồng. Nếu hành vi nghiêm trọng, cô gái này có thể bị xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác.
Trong một buổi phát trực tiếp (livestream) ngày 24/8, khi trả lời bình luận của một người xem, nữ streamer M. (tên thật là N.T.T.L., 26 tuổi, quê Thái Bình) có những phát ngôn không chuẩn mực và xúc phạm đến lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Video này đã được gỡ khỏi trang hoạt động chính thức, nhưng những nội dung phát ngôn đã được nhiều người ghi lại, lan truyền trên mạng xã hội.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết đơn vị đang xác minh sự việc theo quy định, sau đó căn cứ mức độ vi phạm để xử lý theo quy định. Trường hợp này, M. có thể bị xử lý ra sao?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa
Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Như vậy, cá nhân có quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, mọi hành vi xâm phạm tới danh dự, uy tín cá nhân là vi phạm pháp luật và sẽ bị áp dụng chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin hiện có, nữ streamer có lời lẽ không chuẩn mực và xúc phạm tới lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Cơ quan chức năng sẽ xác minh tính xác thực của những nội dung được đăng tải trên mạng, xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi (nếu vi phạm) và áp dụng chế tài phù hợp.
Dưới góc độ hành chính, tùy thuộc tính chất của hành vi vi phạm, streamer M. có thể bị áp dụng chế tài quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử.
Cụ thể, điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định này quy định người có hành vi Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt 10-20 triệu đồng. Trường hợp hành vi nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, người vi phạm có thể bị xử lý về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.
Để cấu thành tội phạm hình sự, hành vi cần bao gồm đầy đủ những yếu tố cấu thành sau:
Về chủ thể,người thực hiện hành vi là người có năng lực trách nhiệm hình sự và có khả năng nhận thức khi thực hiện hành vi của mình.
Về khách thể,hành vi này được thực hiện bằng lời nói hoặc hành động, xâm phạm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhân phẩm, danh dự của người khác.
Về chủ quan,người thực hiện hành vi với lỗi cố ý, cố tình thực hiện hành vi nhằm làm nhục người khác với nhiều động cơ khác nhau như để trả thù hay thỏa mãn các mục đích cá nhân khác.
Về khách quan, hành vi này xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm người khác và có thể được thể hiện bằng lời nói (sỉ nhục, thóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu...) hoặc hành động (lột trần, nhổ nước bọt vào mặt, ném cà chua, trứng thối... vào nạn nhân trước đám đông để bêu riếu). Đặc trưng của tội này là thường diễn ra công khai, trực tiếp và trước nhiều người.
Tội phạm được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội danh này.
Trường hợp bị xử lý hình sự, M. có thể bị áp dụng tình tiết định khung sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội theo khoản 2, Điều 155 với khung hình phạt 3 tháng đến 2 năm tù.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, nếu người phạm tội nếu thuộc khoản 1, Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bị hại có yêu cầu khởi tố.