Nơi xoa dịu nỗi đau, lo lắng của bệnh nhân nghèo

Giúp mỗi bệnh nhân nghèo, người lang thang… vượt qua được nỗi đau bệnh tật là niềm hạnh phúc lớn của những thầy thuốc thiện nguyện ở Phòng Khám từ thiện Yersin (số 11 Sinh Trung, TP. Nha Trang, Khánh Hòa).

Dốc tâm sức vì bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt

Trăn trở trước sự khó khăn, thiếu thốn đủ bề của những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt, người vô gia cư, người bán vé số, người ăn xin…năm 1993, Hội những người ái mộ bác sĩ Yersin được Sở Y tế Khánh Hòa cho phép thành lập Phòng Khám từ thiện Yersin (gọi tắt là phòng khám).

Bệnh nhân nghèo, chủ yếu là người lớn tuổi đến với phòng khám ngày càng nhiều.

Bệnh nhân nghèo, chủ yếu là người lớn tuổi đến với phòng khám ngày càng nhiều.

Từ đó đến nay, rất nhiều thầy thuốc tề tựu về phòng khám, dốc hết tâm sức để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí vào các buổi sáng thứ 2 và thứ 6 hàng tuần cho bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt, trung bình mỗi năm phòng khám đón khoảng 1.000 bệnh nhân.

Những thầy thuốc nổi tiếng, giàu kinh nghiệm từng làm việc ở phòng khám như bác sĩ Kiều Xuân Cư, Nguyễn Đình Thanh, Lê Thị Mai, Đinh Đại Kha, Trần Song Hào, Phan Văn Dũng, Hồ Văn Công…

Theo Hội những người ái mộ bác sĩ Yersin, những ngày đầu mới thành lập, phòng khám hoạt động rất khó khăn và thay đổi địa điểm nhiều lần. Quá trình hoạt động, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tài trợ kinh phí, cơ sở vật chất để duy trì hoạt động. Hiện nay, phòng khám có 4 người làm việc chuyên trách (1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 dược sĩ, 1 nhân viên), bác sĩ Hồ Văn Công là người phụ trách khám và kê đơn thuốc điều trị.

Bệnh nhân được đón tiếp tận tình.

Bệnh nhân được đón tiếp tận tình.

Bước vào tuổi 68, từng trải qua nhiều biến cố về sức khỏe nhưng khi nhắc đến bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt, bác sĩ Công luôn đau đáu những suy nghĩ, mong giúp người bệnh vơi đi những cơn đau của bệnh tật.

Tranh thủ những phút giải lao hiếm hoi giữa buổi khám bệnh, bác sĩ Công thổ lộ rằng: "Sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành y, bố là điều dưỡng, mẹ là hộ sinh nên từ thời trẻ, khi đang làm việc ở Trung tâm Y tế đường sắt tôi luôn có suy nghĩ làm sao để người bệnh nghèo cũng được chăm sóc sức khỏe. Vậy nên, từ năm 1984 sau những giờ làm nhiệm vụ ở cơ quan tôi lại về nhà khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Năm 2016 nghỉ hưu thì năm 2018 tôi bị tai biến nhưng khát vọng giúp bệnh nhân nghèo vẫn luôn thôi thúc, thế là cứ từng ngày tập luyện và cố gắng vượt qua bạo bệnh. Đầu năm 2020 khi vừa cơ bản hồi phục sức khỏe, tôi liền về Phòng Khám từ thiện Yersin. Từ ngày thành lập phòng khám đến nay, tất cả các thế hệ thầy thuốc của phòng khám đều làm việc thiện nguyện bằng lòng nhân ái và tình yêu con người, nhiều người bỏ cả tiền lương hưu ít ỏi ra để lo ăn uống, đi lại cho bệnh nhân".

Bệnh nhân như được tiếp thêm sức mạnh

Với hầu hết người nghèo, nỗi lo nhân lên nhiều lần khi ngã bệnh, nhưng đến với phòng khám thì mọi lo lắng đều được xua tan, dần lấy lại tinh thần lạc quan và niềm tin yêu cuộc sống.

Bác sĩ Hồ Văn Công (bên trái) khám bệnh, tư vấn, động viên ân cần tu sĩ An Nguyên (bên phải) an tâm điều trị

Bác sĩ Hồ Văn Công (bên trái) khám bệnh, tư vấn, động viên ân cần tu sĩ An Nguyên (bên phải) an tâm điều trị

Hoàn cảnh neo đơn, khó khăn, đã có lúc bệnh nhân Nguyễn V. H (75 tuổi, trú TP. Nha Trang, Khánh Hòa) muốn buông xuôi cho số phận, không thiết tha chiến đấu với bệnh tật, nhưng rồi một lần đến với phòng khám được điều dưỡng, bác sĩ thăm khám tận tình, ân cần động viên như người thân, bệnh nhân H đã có niềm tin trở lại.

Bệnh nhân H tâm tình, người thân đều ở xa, tôi lại có tiền sử bị tai biến, giờ bị thêm xương khớp nên cứ trái gió, trở trời lại choáng, đau người nên trước đây cả thể chất và tinh thần rất sa sút. Từ ngày đến với phòng khám, được khám bệnh, nhận thuốc miễn phí để uống đều đặn thấy tinh thần phấn chấn trở lại, an tâm trị bệnh.

Ở tuổi 84, suốt 6 năm nay, tu sĩ An Nguyên (trú Nha Trang, Khánh Hòa) hàng tháng đều đến phòng khám để lấy thuốc và nghe những tư vấn, căn dặn của bác sĩ. Tu sĩ An Nguyên chia sẻ: "Những bệnh nhân nghèo lại cao tuổi như chúng tôi luôn xem phòng khám này là nơi cổ vũ tinh thần mạnh mẽ, và là nơi làm vơi dần những cơn đau do bệnh tật mang lại. Nhiều năm trời khám bệnh và nhận thuốc miễn phí ở đây, ai cũng xúc động trước sự hy sinh và bác ái của các thầy thuốc".

Bệnh nhân nghèo được phát thuốc miễn phí và hướng dẫn cách uống.

Bệnh nhân nghèo được phát thuốc miễn phí và hướng dẫn cách uống.

Nhìn lượng bệnh nhân đến với phòng khám ngày càng đông, bác sĩ Hồ Văn Công bộc bạch: "Có những gia đình nghèo, cả hai mẹ con đều gánh trên mình vô số bệnh tật, đi lại không được, phải thuê xe ôm chở đến phòng khám, phát thuốc xong tôi còn cho họ tiền xe ôm đồng thời còn thương lượng với tài xế lấy giá thật rẻ để số tiền mình cho bệnh nhân có thể dư ra chút ít, để họ ăn uống dọc đường.

Có bệnh nhân ở cách phòng khám quá xa, tôi còn đích thân mang thuốc đến tận chỗ họ sinh sống. Bệnh nhân nghèo không có tiền đi nội soi ở các bệnh viện lớn, đến đây khám, tôi chẩn đoán ra ung thư thông qua các triệu chứng lâm sàng, lúc đó được thầy thuốc hỗ trợ thêm, bệnh nhân mới đi nội soi và điều trị. Cũng may mấy trường hợp thông qua khám, tôi phát hiện ra đều ung thư ở giai đoạn sớm. Làm thầy thuốc thiện nguyện như chúng tôi chỉ ước sao càng nhiều người nghèo hết bệnh tật càng tốt, giúp bệnh nhân trút bỏ bớt những cơn đau vì bệnh tật là thêm một niềm vui khó nói hết thành lời".

Hà Đạo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/noi-xoa-diu-noi-dau-lo-lang-cua-benh-nhan-ngheo-169230327172141639.htm