Nokia đang làm gì để khôi phục vinh quang xưa?

Trong vài năm qua, Nokia đã dựa vào di sản của những chiếc điện thoại thời đại cũ để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, tương lai thị trường điện thoại được định sẵn là do giới trẻ quyết định.

Ngày 11/6, điện thoại di động Nokia im hơi lặng tiếng đã có một động lực mới: nhà cấp phép thương hiệu độc quyền của Nokia - HMD đã phát hành một chiếc smartphone mới có tên Nokia C20 Plus.

Giá chào bán là 699 NDT (khoảng 110 USD) tại Trung Quốc cho thấy sản phẩm được định vị thị trường cấp thấp. Đây là chiếc smartphone cấp thấp của Nokia được HMD trình làng trở lại sau nửa năm.

Ở góc độ cấu hình hiệu năng, dù là chip, camera hay màn hình, máy mới đều có hiệu năng tầm trung, không có ưu điểm gì nổi bật so với các sản phẩm cùng loại như Honor và Xiaomi.

Từ sự thống trị của thương hiệu điện thoại di động thế giới đến sự suy tàn của kỷ nguyên thông minh, kinh nghiệm của Nokia đã khiến không biết bao nhiêu người phải thở dài.

Tuy nhiên, thị trường điện thoại thông minh đang bão hòa và Nokia đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường điện thoại phổ thông được người già yêu thích sử dụng. Đây cũng là bí quyết tồn tại của Nokia cho đến nay.

Theo dữ liệu từ Counterpoint Research, trong quý 1/2021, Nokia đã xuất xưởng 11 triệu điện thoại phổ thông và chỉ 2 triệu điện thoại thông minh, chỉ bằng 1/5 so với trước đó.

Theo một báo cáo của truyền thông Phần Lan, vào năm 2020, 4 năm sau khi tiếp quản thương hiệu Nokia, tình hình tài chính của HMD cuối cùng đã được cải thiện, từ khoản lỗ 357 triệu USD vào năm 2019 xuống còn 57 triệu USD vào năm 2020. Giám đốc điều hành của HMD Global cho biết, "Chúng tôi đã có lãi kể từ tháng 6/2020."

Điện thoại phổ thông đã hỗ trợ hầu hết các điện thoại di động của Nokia. Trên thị trường điện thoại phổ thông toàn cầu, Nokia vẫn chiếm nhiều thị phần. Dữ liệu quý 3/2020 của Counterpoint Research cho thấy ở châu Âu và châu Á, Nokia chiếm 40% và 21% thị trường điện thoại phổ thông, xếp top đầu.

Xếp hạng thị phần điện thoại phổ thông theo khu vực trong Quý 3 năm 2020. Ảnh: Counterpoint.

Tuy nhiên, so với thị trường điện thoại thông minh, quy mô thị trường của điện thoại phổ thông chỉ là thiểu số. Trong quý 3/2020, theo dữ liệu của Counterpoint và IDC, lượng điện thoại phổ thông xuất xưởng toàn cầu là 74 triệu chiếc, chỉ chiếm 21% so với điện thoại thông minh.

Vì vậy, Nokia đối mặt với nhiều câu hỏi: một mặt, làm thế nào để bảo vệ thị trường điện thoại phổ thông với tài nguyên hạn chế, và mặt khác làm thế nào để Nokia tiếp tục tồn tại trong thị trường điện thoại thông minh cạnh tranh cao. Tương lai của điện thoại Nokia sẽ ở đâu? Nó vẫn có thể theo kịp thời đại?

Điện thoại phổ thông của Nokia

Điện thoại thông minh cấp thấp không còn là trụ cột của điện thoại di động Nokia nữa. Trên thị trường điện thoại phổ thông toàn cầu, điện thoại di động Nokia chiếm một thị phần quan trọng.

Theo dữ liệu khảo sát của Counterpoint, trong quý 4/2020, công ty Phần Lan đã xuất xưởng khoảng 12,7 triệu thiết bị. Điều đó đã giúp Nokia trở thành nhà sản xuất điện thoại phổ thông lớn thứ 2 toàn cầu với 16% thị phần, người đứng đầu trong thế giới này là iTel với hơn 22% thị phần trong quý 4.

Thành tích của Nokia tại thị trường điện thoại phổ thông Trung Quốc cũng khá ấn tượng. Năm 2020, các điện thoại phổ thông cấp thấp được Nokia phát hành bao gồm Nokia 220, Nokia 225, và Nokia 6300.

Với những chiếc điện thoại di động này, Nokia cho biết vào cuối năm 2020 rằng điện thoại phổ thông của họ ở thị trường Trung Quốc đã đạt doanh số bán hàng cao nhất.

Do sự phát triển nhanh chóng của điện thoại thông minh, thị trường điện thoại phổ thông tại Trung Quốc ít được quan tâm và dữ liệu thống kê cũng khan hiếm, nhưng từ dữ liệu của nền tảng thương mại điện tử, doanh số bán điện thoại phổ thông của Nokia rất tốt.

Thành tích mạnh mẽ của điện thoại di động Nokia tại thị trường Trung Quốc chủ yếu là do Nokia "thắng thế" trước các đối thủ tại thị trường điện thoại phổ thông Trung Quốc.

Các thương hiệu điện thoại Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, OPPO, VIVO, ... từ lâu đã dồn sức cho sự cạnh tranh của smartphone cao cấp, dù có triển khai smartphone cấp thấp nhưng giá bán nhìn chung cũng trên 500 NDT.

Mặt khác, các đối thủ trên thị trường điện thoại phổ thông của Nokia là Transsion và Samsung không tập trung vào thị trường Trung Quốc.

Lấy Transsion làm ví dụ, hầu hết thị trường điện thoại phổ thông của hãng tập trung ở Châu Phi và Ấn Độ. Theo dữ liệu từ Counterpoint Research trong quý 3/2020, các lô hàng điện thoại phổ thông Transsion chiếm 22% thị phần nội địa, trở thành thương hiệu điện thoại phổ thông lớn nhất ở Ấn Độ.

Thị trường điện thoại phổ thông Trung Quốc lớn như thế nào? Theo Chủ tịch Spreadtrum Communications, Li Liyou, từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng trên thị trường điện thoại phổ thông, vẫn còn hàng trăm triệu "người dùng cứng đầu" ở Trung Quốc, chủ yếu là người già và học sinh. Về phân bố khu vực, họ chủ yếu tập trung ở các quận và thị trấn. "Thị trường này đã đủ lớn", Li Liyou nói.

Chính những "người dùng cứng đầu" này đã khiến Nokia sống tốt với điện thoại di động. Theo tuyên bố công khai của CEO HMD Global, kể từ nửa cuối năm ngoái, HMD đã chuyển lỗ thành lãi.

Sau nhiều lần thay đổi quyền sở hữu, Nokia đặt niềm tin vào sự bảo thủ của HMD Global

Việc lựa chọn thị trường điện thoại phổ thông đứng đằng sau số phận khá gập ghềnh của Nokia.

Trở lại năm 2013, Nokia đang ở trong vũng lầy. Kể từ khi sự nổi lên liên tục của điện thoại thông minh, Nokia đã mắc kẹt vào hệ thống Symbian khép kín và phải rút lui dần dần. Không chỉ doanh số bán điện thoại thông minh thất bại mà doanh số bán điện thoại di động nói chung, bao gồm cả điện thoại phổ thông, cũng sụt giảm. Nokia bị hất khỏi ngôi vương thống trị về điện thoại di động.

Năm 2013, Nokia đã gặp người mua đầu tiên của mình là Microsoft. Theo tiết lộ thông tin nội bộ vào thời điểm đó, Nokia không còn khả năng huy động vốn trên thị trường và Microsoft đã cho hãng vay ưu đãi 1,82 tỉ USD kèm theo các cuộc đàm phán mua lại có điều kiện. Cuối cùng, Microsoft đã chi khoảng 7 tỉ USD để mua lại phần lớn hoạt động kinh doanh điện thoại di động của Nokia và các bằng sáng chế của hãng.

Với việc sa thải hàng loạt nhân viên cũ và chấm dứt hợp tác với hệ thống Android của Google, Microsoft dự định đưa Nokia đến kỷ nguyên của điện thoại thông minh, nhưng điều kiện là phải cài đặt hệ điều hành Windows Phone, vốn chỉ chiếm thị phần khoảng 1%. Với sự "ích kỷ" của Microsoft, các điện thoại Lumia tiếp theo của Nokia đã bị đánh bại bởi hệ điều hành iOS và Android.

Mua lại Nokia là một thương vụ hoàn toàn hớ đối với phía Microsoft.

Năm 2015, báo cáo tài chính quý của Microsoft cho thấy Microsoft đã thua lỗ 7,6 tỉ USD, gần bằng với 5 tỉ USD mà Microsoft mua lại từ mảng kinh doanh điện thoại di động của Nokia, cộng với 2,2 tỉ USD trong danh mục bằng sáng chế di động của Nokia.

Đây tương đương với bản án tử hình đối với mảng kinh doanh điện thoại thông minh của Nokia.

Đến năm 2016, Microsoft đồng ý bán bộ phận điện thoại được mua lại từ Nokia cho tập đoàn công nghệ Đài Loan Foxconn với giá 350 triệu USD.

Sau đó, Foxconn và Nokia đã cùng nhau thành lập một công ty mới là HMD Global và cử nhân viên đến làm việc. Cho đến nay, việc sản xuất điện thoại di động và máy tính bảng thương hiệu Nokia đã được HMD Global tiếp quản.

"Lối chơi" của HMD khá "bảo thủ". Kiểu "bảo thủ" này thể hiện ở chỗ khi các nhà sản xuất điện thoại lớn nhắm vào thị trường điện thoại thông minh và thường xuyên tung ra các sản phẩm mới để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, thì các điện thoại thông minh hàng đầu của Nokia và điện thoại di động 5G luôn xuất hiện muộn, và thời gian sản xuất liên tục bị trì hoãn. Và hầu hết điện thoại thông minh vẫn ở vị trí cấp thấp.

Đồng thời, Nokia đã tiếp tục tái tạo các tác phẩm kinh điển, trở lại với sự xuất hiện của một chiếc điện thoại phổ thông.

Nokia vẫn trung thành với dòng điện thoại phổ thông.

Sau khi HMD tiếp quản Nokia, chiếc điện thoại di động đầu tiên được tung ra thị trường là "máy cổ điển". Năm 2017, Nokia hồi sinh chiếc 3310, cũng như vô số điện thoại nổi tiếng với "game rắn săn mồi" sau thập niên 80 và 90. Sau đó, Nokia 8110 cũng được phát hành vào tháng 2/2018. Trong năm 2020, Nokia cũng đã hồi sinh 3 chiếc "máy cổ điển".

Hầu hết các điện thoại này đều duy trì kiểu dáng và tính năng ban đầu, tất cả đều mang phong cách cổ điển, nút bấm dạng lưới vật lý, chế độ sim kép, chế độ chờ lâu, tích hợp đài FM và cả trò chơi rắn săn mồi huyền thoại một thời.

Loại điện thoại phổ thông mang phong cách hoài cổ này đáp ứng nhu cầu của một số nhóm người, những người mong có được thời gian nghỉ ngơi trong thời đại thông tin hỗn loạn. Đồng thời, hàng trăm triệu người trung niên và cao tuổi trong thời đại ngày nay vẫn chỉ có nhu cầu sử dụng chức năng cơ bản.

Kết quả thật bất ngờ, HMD đã đặt cược vào thị trường điện thoại phổ thông. Theo dữ liệu của Counterpoint, bắt đầu từ quý 4/2017, tốc độ tăng trưởng của các lô hàng điện thoại thông minh toàn cầu đã chuyển từ tăng sang giảm. Ngược lại, điện thoại phổ thông xuất xưởng toàn cầu đạt 450 triệu chiếc trong năm 2017, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Cho đến nay, vẫn còn một thị trường rất lớn cho điện thoại phổ thông ở các quốc gia hoặc khu vực như Nhật Bản, Trung Đông, Châu Phi và Ấn Độ. Ví dụ, tỷ lệ thâm nhập so với giá điện thoại thông minh và tỷ lệ thâm nhập Internet ở châu Phi là khá thấp, trong khi các nước phát triển như Nhật Bản đang đối mặt với vấn đề già hóa khá nghiêm trọng, điện thoại tính năng cơ bản là cần thiết.

Thay đổi lô hàng điện thoại di động Nokia, nguồn Counterpoint.

Nokia cũng có xu hướng sống lại. Theo số liệu tài chính do HMD công bố, sau khi thay đổi từ xu hướng giảm trong năm 2017, lượng xuất xưởng toàn cầu của Nokia đạt 80 triệu chiếc trong năm 2018, tăng 10 triệu chiếc so với năm 2017.

Tuy nhiên, Nokia có thể bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc có thể thị trường máy phổ thông đã bị những người chơi khác chiếm đoạt. Theo số liệu của Counterpoint Research, trong năm 2019, lượng xuất xưởng toàn cầu của Nokia lại giảm xuống còn 70 triệu chiếc và năm 2020 giảm mạnh xuống còn 46,6 triệu chiếc.

Hiện tại, nhiều đại gia và nhà sản xuất điện thoại di động cũng đang nắm bắt thị trường này, thương hiệu điện thoại Jio của Ấn Độ liên tục kết hợp điện thoại "cục gạch" (Feature Phone) và điện thoại thông minh để tung ra các sản phẩm mới. Công ty công nghệ Mỹ Google và nhà điều hành viễn thông Orange SA của Pháp cũng đang triển khai thị trường này thông qua hình thức đầu tư.

Mặc dù HMD đã duy trì một động lực nhất định thông qua điện thoại phổ thông và trở thành người dẫn đầu trên thị trường, nhưng khi ngày càng nhiều công ty nhận ra thị trường khổng lồ đằng sau điện thoại phổ thông, HMD và Nokia có thể gặp nhiều thách thức hơn.

Nokia cần tiếp tục tấn công vào điện thoại phổ thông, nhưng nếu muốn quay trở lại thành nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thì không chỉ dựa vào điện thoại phổ thông mà còn phải đưa ra các sản phẩm điện thoại thông minh cạnh tranh.

Liệu Nokia có thể bắt kịp thời đại một lần nữa?

Nokia, công ty mua bán sự hoài cổ, chưa bao giờ từ bỏ sự thèm muốn của mình trên thị trường điện thoại thông minh.

Vào tháng 1/2017, tại hội nghị ra mắt chiếc điện thoại thông minh Nokia đầu tiên của HMD, Nokia 6, CEO của HMD đã chơi một lá bài tình cảm: "Tôi biết Nokia khi tôi còn rất trẻ", mặt khác ông cũng không quên thốt lên những lời táo bạo: "Chúng tôi không phải là những người già cả, và chúng tôi phải leo lên đỉnh thế giới trong ba đến năm năm nữa."

Mặc dù khẩu hiệu này rất lớn, nhưng các bước đi của HMD đối với điện thoại thông minh vẫn còn dè dặt.

Đánh giá về nhịp độ phát hành điện thoại mới của Nokia trong những năm gần đây, chỉ có 2-3 mẫu điện thoại thông minh được tung ra mỗi năm, thường là một vào mùa xuân và một mẫu khác vào mùa đông. So với tốc độ hàng năm của các thương hiệu như Xiaomi, OPPO và VIVO, tốc độ của Nokia dường như chậm hơn nhiều.

Định vị ở phân khúc điện thoại phổ thông và giá rẻ, việc ra mắt điện thoại mới chậm, Nokia khó có thể bứt phá trên thị trường điện thoại đầy rẫy những gã khổng lồ.

Theo số liệu do Counterpoint Research công bố vào quý 1/2021, lượng xuất xưởng điện thoại thông minh của Nokia là 2 triệu chiếc, tức là chưa đến 1% trong tổng số 354 triệu chiếc điện thoại thông minh toàn cầu. So với Samsung, Xiaomi, OPPO và các nhà sản xuất khác với doanh số hơn 35 triệu máy, Nokia còn kém xa.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Nokia trong lĩnh vực truyền thông đã hỗ trợ nhất định cho mảng kinh doanh điện thoại di động.

Bằng sáng chế là "di sản" mà đế chế Nokia để lại cho lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động. Bất kể trong lĩnh vực 3G hay 4G, mảng kinh doanh truyền thông của Nokia đều có sự tích lũy kỹ thuật tương đối sâu.

Với số lượng lớn bằng sáng chế trong tay, Nokia đã từ chối nhiều đối thủ cạnh tranh để kinh doanh điện thoại di động của mình, đồng thời hãng cũng mang về cho mình nguồn thu nhập bằng sáng chế đáng kể.

Năm 2013, Nokia và HTC đã xảy ra tranh chấp bằng sáng chế, Nokia đã kiện HTC vi phạm hơn 50 bằng sáng chế về "thiết bị đầu cuối, phương pháp và chương trình máy tính được sử dụng để tương tác với các thẻ tín hiệu." Vụ kiện được giải quyết vào năm 2014, và HTC phải bồi thường khoản phí cấp bằng sáng chế khổng lồ.

Kể từ đó, các công ty điện thoại di động như Apple và BlackBerry đã tranh chấp bằng sáng chế với Nokia, tất cả đều thất bại. Về hệ thống định vị và thông tin liên lạc, các nhà sản xuất điện thoại di động khó tránh khỏi bằng sáng chế của Nokia và phải trả tiền.

Mặc dù Nokia và các công ty lớn chưa tiết lộ chi tiết về khoản phí trả cho các bằng sáng chế công nghệ, nhưng từ báo cáo tài chính năm 2020, doanh thu mảng kinh doanh công nghệ chiếm 6,4%.

Trong lĩnh vực kinh doanh 5G, đừng đánh giá thấp sức mạnh của Nokia. Kể từ năm 2013, Nokia đã chi hàng chục tỉ USD trong thương vụ mua lại Siemens Networks và nhà sản xuất thiết bị viễn thông Alcatel-Lucent.

Đến năm 2021, báo cáo "Ai đang dẫn đầu cuộc đua bằng sáng chế 5G?" do IPlystics công bố cho thấy Huawei đứng đầu với 15,4% bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn 5G, và Nokia đứng thứ ba với 13,2% thị phần.

Bằng sáng chế 5G một lần nữa đã trở thành "bùa hộ mệnh" của Nokia. Theo tiêu chuẩn thu phí bằng sáng chế được Nokia công bố vào năm 2018, hãng tính phí cấp bằng sáng chế 5G cố định là 3,43 USD cho mỗi điện thoại di động, so với phí cấp bằng sáng chế của Ericsson là 5 USD cho mỗi điện thoại di động cao cấp và 2,5 USD cho mỗi điện thoại di động cấp thấp, mức giá này khá cạnh tranh.

Cách đây không lâu, Nokia cũng đã triển khai nghiên cứu công nghệ 6G với Nhật Bản, cam kết sẽ giành được 10% thị trường bằng sáng chế, điều này có thể mở đường cho điện thoại di động Nokia trong kỷ nguyên 6G.

Hiện tại, điện thoại di động Nokia không chỉ tồn tại, mà còn được một loạt "người chống lưng". Vào tháng 8/2020, HMD thông báo rằng họ đã nhận được một vòng tài trợ mới, tổng trị giá 230 triệu USD, với các nhà đầu tư đối tác như Google và Qualcomm. Những ưu đãi kỹ thuật của hệ điều hành, chip, ...sẽ có lợi hơn cho điện thoại thông minh Nokia trong việc cải thiện hiệu suất và trải nghiệm.

Tuy nhiên, cạnh tranh trên thị trường điện thoại vẫn diễn ra mạnh mẽ. Sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất như Huawei, Apple, Samsung và Xiaomi từ lâu đã rất khốc liệt, nếu muốn bứt phá, HMD không chỉ cần những người trợ giúp mà thương hiệu, thị trường và năng lực R&D của hãng đều cần được cải thiện rất nhiều.

Trong vài năm qua, Nokia đã dựa vào di sản của những chiếc điện thoại thời đại cũ để làm nền tảng. Nhưng thị trường điện thoại thông minh được định sẵn là do giới trẻ thống trị, mỗi bước tiến cần phải có quyết tâm và lòng dũng cảm, nhưng muốn theo kịp thời đại thì đây là điều Nokia phải làm.

Thanh Hà

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nokia-dang-lam-gi-de-khoi-phuc-vinh-quang-xua-post146784.html